Ngày 6/12, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi nhận hình ảnh về một cây cầu xuống cấp nghiêm trọng và đang có nhiều học sinh nhỏ tuổi đi qua. Clip nhận được nhiều chia sẻ và bức xúc của cộng đồng mạng.
Hơn 200 học sinh từ mầm non đến THCS phải đi lại trên cây
cầu này hằng ngày. Ảnh: Đường Văn Thái.
Sáng 7/12, PV đã liên hệ với anh Đường Văn Thái (Trưởng nhóm thiện nguyện "Gánh ước mơ xây trường"), người trực tiếp chia sẻ những hình ảnh này. Anh cho biết, chiếc cầu trên thuộc địa bàn xóm Đồi Mới, xã Lạc Sơn, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình).
Theo ghi nhận, phần mặt cầu hiện chỉ còn 2; 3 thanh gỗ nhỏ khiến người đi qua phải hết sức cẩn thận. Đặc biệt, cây cầu khá cao so với mặt suối nên việc qua cầu càng thêm nguy hiểm.
Những học sinh nhỏ tuổi khó tránh khỏi run sợ khi phải đi qua cây cầu này... Ảnh: Văn Đảm
Trước đó, vì quá bức xúc nên một người dân địa phương đã chia sẻ những hình ảnh của cây cầu này lên mạng xã hội.
Toàn bộ mặt cầu đã không còn nhưng lại chưa hề được thay thế, trơ lại phần khung chơi vơi đều đã han gỉ khiến nhiều người không khỏi rùng mình.
Tuy nhiên, đây lại là chiếc cầu duy nhất để đến trường của hơn 200 học sinh.
Trong clip mà một người dân chia sẻ với chúng tôi, hình ảnh các em nhỏ run sợ, thậm chí là hồn nhiên, tung tăng bước qua cầu quả thực rất xót xa.
Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, Anh Văn Đảm - một người dân địa phương cho biết tình trạng này diễn ra đã vài năm nay nhưng chính quyền cũng không đưa ra biện pháp giải quyết.
Toàn xã có 12 xóm thì ít nhất 5 xóm phải đi qua cây cầu này hằng ngày.
"Từ sau vụ sập thảm khốc ở cầu treo Chu Va 6 tại Lai Châu (năm 2014), vì nguy hiểm nên cây cầu này được gỡ hết mặt sàn để cấm người dân đi qua.
Nhưng như thế này lại càng nguy hiểm vì ở đây có trường học, tuy có một con đường vòng khác nhưng rất xa, nhất là đối với trẻ nhỏ phải đi bộ đến trường, vì vậy mà mọi người vẫn phải hằng ngày đi đây.
Nhân dân cũng biết là nguy hiểm nên trước đây từng có kiến nghị lên chính quyền để lát lại mặt sàn nhưng lại không được.
Cũng từng có dự án xây cầu bê tông nhưng không khả thi vì cầu quá dài và khoản đền bù đất đai sẽ rất tốn nên tất cả cũng chỉ là dự án "treo" - người dân này bức xúc.
Theo GĐ và XH