Ép học sinh kém không dự thi lớp 10?
Mới đây, trên MXH xôn xao thông tin một số phụ huynh có con đang học lớp 9 tại Hà Nội đã được giáo viên chủ nhiệm yêu cầu chuyển trường (chuyển về các trường tư) hoặc làm cam kết không thi vào lớp 10 do học lực của con yếu, kém.
Ngay lập tức, thông tin này đã trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận. Nhiều người cho rằng nếu thực sự có trường ngăn cản học sinh yếu, kém thi vào lớp 10 thì phía nhà trường chỉ đang cố gắng tạo ra thành tích ảo, gián tiếp khiến các phụ huynh của các em nhỏ hơn đắn đo khi cho con theo học.
Theo Vietnamnet, liên quan đến việc trên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh làm rõ, yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên.
Thí sinh đăng ký nguyện vọng thế nào để chắc đỗ?
Được biết, chỉ còn 2 tháng nữa là kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào THPT công lập Hà Nội sẽ bắt đầu. Theo thống kê, năm nay có gần 130.000 sĩ tử của Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi lớp 10.
Tuy nhiên, sẽ chỉ có 77.000 suất vào các trường THPT công lập. Số còn lại là hơn 45.000 em sẽ vào học các trường tư thục hoặc trường nghề.
Thời điểm này thí sinh đang cân nhắc để lựa chọn nguyện vọng vào trường THPT. Theo quy chế tuyển sinh mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội ban hành thì mỗi học sinh được lựa chọn 3 nguyện vọng và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
Điều khiến các bậc phụ huynh, học sinh quan tâm nhất lúc này là lựa chọn, sắp xếp nguyện vọng ra sao để tăng cơ hội trúng tuyển, đỗ đúng trường, đúng năng lực của bản thân.
Ghi nhận của Lao Động, nhiều giáo viên cho rằng, học sinh phải học trực tuyến trong thời gian kéo dài đã gặp rất nhiều áp lực, khó khăn nhưng thực tế, không ít phụ huynh đặt kỳ vọng lên con lớn hơn so với năng lực, vô hình trung tạo ra áp lực thi cử, tâm lý rất lớn cho các em.
Về việc lựa chọn và sắp xếp nguyện vọng, cô Trần Mai Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng, trước tiên cha mẹ cần xác định rõ năng lực của con thông qua kết quả các bài kiểm tra, khảo sát định kỳ cũng như nhận xét, đánh giá thường xuyên của giáo viên chủ nhiệm.
Sau khi đã xác định rõ năng lực của con, cha mẹ có thể theo dõi điểm chuẩn thi vào 10 những năm gần đây của các trường THPT mong muốn, từ đó có phương pháp điều chỉnh và giúp con cải thiện kết quả học tập.
Cô Hương chia sẻ thêm, theo quy chế tuyển sinh mà Sở GDĐT Hà Nội ban hành, mỗi học sinh được lựa chọn 3 nguyện vọng. Trong đó điểm trúng tuyển của nguyện vọng 2 phải cao hơn tối thiểu 1 điểm so với ngyện vọng 1; ngyện vọng 3 phải có điểm xét tuyển cao hơn 2 điểm so với nguyện vọng 1.
Vì lẽ này, nếu muốn tăng cao khả năng trúng tuyển vào công lập thì khi đăng ký các nguyện vọng, học sinh và phụ huynh nên chọn các trường có cách biệt xa nhau về điểm trúng tuyển của năm học trước.
Bên cạnh đó, theo Infonet, thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) khuyên thí sinh nên tìm hiểu về trường mình dự định thi như chỉ tiêu tuyển sinh, điểm chuẩn hàng năm.... và đối chiếu năng lực bản thân để có những toan tính cho việc đăng ký dự thi.
Các em cần sáng suốt lựa chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực bản thân. Ngoài sự cố gắng, học sinh và phụ huynh cũng nên xin ý kiến đánh giá, nhận định của thầy cô giáo giảng dạy các môn để biết được năng lực của mình đang ở mức độ nào trước khi đăng ký vào các trường THPT công lập.
Học sinh nên đăng ký theo đúng quy định về khu vực, phân bố nguyện vọng theo 3 mức để an toàn.
Chẳng hạn trường nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 nên cách xa về điểm chuẩn an toàn từ 3 - 5 điểm trở lên, trường nguyện vọng 3 nên là một trường có thể cùng hoặc không cùng khu vực nhưng điểm chuẩn ở mức không cao, thậm chí thấp.
HT (t/h)
Theo Vietnamnet