"Dịch vụ trốn nợ"

Theo tìm hiểu, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều các hội nhóm hướng dẫn bùng tiền vay qua các ứng dụng.

Các nhóm này đều có số lượng thành viên rất lớn, có khi lên đến cả chục nghìn người tham gia. Trong đó, nội dung chủ yếu là các bài chia sẻ về cách trốn nợ, "bùng" tiền, chia sẻ các app dễ vay nhưng không phải trả nợ hàng nghìn lượt tương tác.

Xuất hiện nhiều hội nhóm chia sẻ cách bùng dịch vụ vay nợ online-1
Các hội nhóm chia sẻ cách “bùng” app vay nợ online mọc lên như nấm

Một trong những hội nhóm nổi bật như Hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó; Hội bùng app vay tiền online và chia sẻ cách đối phó; Hội bùng app vay tiền online; Hội bùng app vay tiền và cách đối phó 2023...

Cùng với đó, cũng xuất hiện hàng loạt tài khoản mở dịch vụ hỗ trợ bùng tiền vay app. Theo đó, các "dịch vụ trốn nợ" mọc lên nhan nhản, trong những hội nhóm này như làm Chứng minh nhân dân, căn cước công dân giả, nhận "cày" ứng dụng vay tiền online, bán tài khoản Facebook ảo, bán danh bạ giả, nhận gọi điện trấn an người thân...

Với chứng minh nhân dân giả và danh bạ mới, người vay dễ dàng vay tiền mà không sợ bị ảnh hưởng đến gia đình, người thân. Thậm chí có thành viên còn rao bán sẵn bộ hồ sơ "đẹp" để vay tiền qua app với mức chi phí nhỏ.

Thực tế, các dịch vụ hỗ trợ tín dụng, tiêu dùng có mục đích hỗ trợ cho nhóm người yếu thế tiếp cận tốt hơn các nhu cầu phục vụ đời sống. Trong đó, đối tượng nhiều là các bạn sinh viên, người lao động có thu nhập thấp, cũng có không ít người do lao vào tệ nạn xã hội, lười lao động bị cuốn vào nợ nần rồi tìm cách xoay sở vay mượn nhưng không có khả năng trả nợ nên coi đó là một cứu cánh.

Do đó, ngày càng nhiều con nợ có ý định vay tiền qua app rồi "bùng" mà không bất chấp những hệ lụy về sau như người thân, bạn bè bị làm phiền, đe dọa. Mặt khác, bên trong các hội nhóm bày cách "bùng" nợ app cũng tiềm ẩn những chiêu trò để lừa bịp người nhẹ dạ.

Dễ vướng tội hình sự

Theo đại diện Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.Hà Nội), hoạt động vay tiền online qua app, web đang có những diễn biến khá phức tạp, đã xuất hiện nhiều app cho vay tiền với lãi suất cắt cổ.

"Cả hai hiện tượng cho vay lãi nặng và quỵt tiền vay đều đáng lên án và bị xử lý theo quy định của pháp luật" - vị đại diện này cho biết.

Theo đó, vị này cho rằng, hành vi sử dụng thông tin giả mạo để vay tiền online qua app, web rồi quỵt nợ, có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bên cạnh đó, những người kích động, xúi giục, “vẽ đường chỉ lối” cách lừa đảo, hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên, có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.

Về một số cá nhân có những hành vi sử dụng chứng minh nhân dân giả, đưa ra những thông tin không đúng về nhân thân, thông tin sai về công việc, lợi dụng app vay tiền để vay tiền với mục đích sử dụng chi tiêu cá nhân, đến thời hạn trả nợ nhưng không trả, được thể hiện qua các hành vi như bùng nợ, tắt máy, bỏ trốn, tìm mọi cách để trốn tránh không trả nợ theo đúng quy định, điều kiện của app…,

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, nếu đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của cá nhân nêu trên thể hiện qua các hành vi gian dối ngay từ đầu nhằm mục đích để chiếm đoạt tiền từ các tổ chức, cá nhân thông qua sử dụng dịch vụ app cho vay thì có thể có dấu hiệu của tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể, “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”

Chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên sẽ bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc chung thân. Chính vì vậy, người dân nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ các quy định thỏa thuận đối với các app tín dụng khi vay tiền, tránh gặp phải những hậu quả không đáng có.

Nếu có nhu cầu vay vốn phục vụ chi tiêu cá nhân thì nên tìm hiểu từ những tổ chức tín dụng uy tín của các ngân hàng, tại đây các tổ chức nêu trên sẽ có các chính sách cụ thể về lãi suất vay, thời hạn vay, lãi vay… và có các chính sách đảm bảo điều kiện cho người dân.

Bên cạnh đó, theo luật sư Tiền, hiện nhiều công ty sẵn sàng rao bán khoản nợ sang công ty thu hồi nợ để được thực hiện hợp pháp theo quy định của pháp luật. Nên khi các app không đòi, chủ nợ có thể bán khoản nợ hoặc khởi kiện để đảm bảo con nợ khi vay sẽ phải trả theo đúng nguyên tắc của pháp luật.

"Mặc dù chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp đối với các công ty tài chính, nhưng ở đây có thể điều chỉnh theo nguyên tắc của luật dân sự, các hoạt động vay, cho vay đã thực hiện đúng quy định. Không vay nặng lãi, người vay vẫn phải thực hiện trả đầy đủ. Do đó, tôi cho rằng sẽ rất khó để bùng nợ nếu tổ chức tài chính thực hiện hoạt động cho vay đúng quy định", luật sư Tiền nhận định.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp có tên là công ty tài chính nhưng không phải công ty được phép hoạt động tiền tệ, không được Ngân hàng nhà nước cấp phép nhưng vẫn cho vay nổi lên rất nhiều. Điều này trước hết làm giảm uy tín của những công ty tài chính tiêu dùng chính thức.

Do đó, các chuyên gia về lĩnh vực tài chính khuyến cáo người dân chỉ thực hiện giao dịch với công ty được Ngân hàng nhà nước cấp phép, hoạt động theo luật doanh nghiệp và chịu chi phối của Luật tổ chức tín dụng.

Người dân cần nhận định rõ và vay tiền từ các tổ chức đầy đủ pháp lý. Do các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực tiền tệ này phải chịu sự thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước và các chế tài khác, người dân sẽ được bảo vệ nếu phát hiện ra các tổ chức có hành vi trái pháp luật.

Theo Công Thương