Sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội), họa sĩ Lê Sa Long đã dành gần 3 ngày hoàn thành bộ 7 bức tranh, tưởng niệm 56 nạn nhân tử vong, đồng thời tri ân các lực lượng tham gia công tác chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.
Ông sử dụng phấn màu pastel và màu acrylic cho loạt tranh.
Bức tranh đầu tiên khắc họa khói lửa bao trùm chung cư mini 9 tầng và một tum tại số 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ, khoảng 23h23 ngày 12/9.
Nhận tin báo cháy, Công an TP Hà Nội đã điều động 15 xe chữa cháy và các xe chở phương tiện, cùng hơn 100 cán bộ chiến sĩ thuộc các lực lượng PCCC Bộ Công an, Trường Đại học Cảnh sát PCCC và Công an thành phố.
Đến 23h29 cùng ngày, các đơn vị đã tiếp cận hiện trường, triển khai chữa cháy, ngăn cháy lan cùng các mũi trinh sát tìm kiếm, cứu người bị nạn.
Sau 45 phút xảy ra hỏa hoạn, đám cháy cơ bản được khống chế, không để cháy lan các nhà dân xung quanh.
Trong đêm 12 và rạng sáng 13/9, các lực lượng đã cứu hơn 70 người mắc kẹt trong đám cháy, đưa người bị thương đi cấp cứu tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Thông qua bức tranh, họa sĩ Lê Sa Long muốn truyền tải năng lượng tích cực, với quan điểm "dù đó là thảm họa, chúng ta cũng sẽ đoàn kết vượt qua".
Căn nhà xảy ra hỏa hoạn nằm sâu trong con ngõ nhỏ và hẹp, xe chữa cháy phải đậu cách hiện trường gần 400m. Các nhóm chiến sĩ thay phiên vác dụng cụ chạy từ ngoài phố vào ngõ.
Họa sĩ Lê Sa Long cho hay đã thực hiện bức tranh khổ lớn 120cm x 160cm, chủ đề "Phút nghỉ ngơi của các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy" sau khi đẩy lùi "giặc lửa".
Bức tranh sơn dầu này có ý nghĩa nghệ thuật cao, dự kiến sẽ được bán đấu giá để gây quỹ, giúp đỡ gia đình các nạn nhân trong vụ cháy.
Họa sĩ Lê Sa Long tâm đắc nhất bức tranh chiến sĩ PCCC cõng em bé ra khỏi đám cháy.
Lê Sa Long vẽ nam shipper Nguyễn Đăng Văn (30 tuổi, quê Bắc Ninh) - người đã lao vào đám cháy cứu 9 nạn nhân.
Theo lời anh Văn, kết thúc chuyến giao hàng cuối cùng vào rạng sáng 13/9, anh nhận điện thoại từ người thân, báo chung cư mini nơi gia đình chị gái sinh sống bốc cháy ngùn ngụt.
Từ quận Cầu Giấy, anh tức tốc đến hiện trường, đội mũ bảo hiểm, bịt khẩu trang kín mít, lấy chiếc búa của nhà dân đối diện chung cư, cùng các chiến sĩ vào bên trong hiện trường.
Anh Phạm Quốc Việt (36 tuổi), đội trưởng Đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí (FAS Angel), đi vào tranh của Lê Sa Long.
Liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, anh Việt đã cùng đồng đội xuyên đêm đưa 12 người còn sống (gồm trẻ em, thanh niên) ra ngoài an toàn, chuyển họ đi cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Giây phút ám ảnh với anh nhất là khi lên các tầng, các nạn nhân cố gắng chạy lên tầng thượng để tìm lối thoát nhưng nhiều người bị vấp ngã vào vật dụng đồ đạc, bị ngạt khói và ngã xuống.
Khuôn mặt ám đen vì khói, anh Việt nói sẽ nhìn vào con số 12 người được cứu sống để tìm thấy niềm an ủi và điều tích cực cho cuộc sống.
Nhìn vào 7 bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long, người xem cảm nhận được tình người và sự đoàn kết. Bộ tranh được nhận xét mang tính nhân văn cao, tôn vinh lực lượng cảnh sát PCCC, tưởng nhớ các nạn nhân, đồng thời tuyên truyền về công tác PCCC.
Theo Dân Trí