“Người mẹ nào cũng sẵn sàng như tôi”
Ngày 18/4, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - TP HCM, chị Phạm Thị Thủy (40 tuổi) không khỏi vui mừng khi nhìn thấy con trai là cháu Dương Gia Khiêm (10 tuổi) ngày càng khỏe mạnh trở lại. Chị kể năm 2007, chị mang thai, đi khám đầy đủ. Kết quả đều cho thấy, thai nhi phát triển ổn định, khỏe mạnh.
Cuối năm đó, chị sinh cháu Khiêm. Bế đứa con mới chào đời trên tay, chị vui mừng khôn xiết. Thế nhưng, chỉ được vài ngày, đứa trẻ ho khò khè, thường xuyên nôn ói. Gia đình đưa cháu đi khám thì nhận được thông tin, con bị teo đường mật bẩm sinh.
Suốt 10 năm qua, chị Thủy luôn khao khát con trai khỏi bệnh. Mỗi khi nghe nơi nào có bác sĩ chữa đường mật giỏi, chị lại bồng con đi. Mỗi lần ấp ủ hy vọng đi là bấy nhiêu lần chị thất vọng trở về.
Cả hai mẹ con cháu Khiêm đều có sức khỏe tốt.
Cháu Khiêm cũng từng được phẫu thuật để duy trì sự sống. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của cháu chỉ ổn định được một thời gian ngắn. Sau đó, cháu lại bị nôn ói ra máu khiến cả gia đình hoảng loạn tưởng rằng cháu không qua khỏi.
Đầu năm 2017, cháu Khiêm được đưa vào bệnh viện Nhi Đồng 2 khám. Chị Thủy mừng rỡ khi các bác sĩ thông báo, vẫn có cơ hội cứu cháu bé bằng phương pháp ghép gan bởi trước đây, bệnh viện đã thực hiện 10 ca ghép gan thành công. Niềm tin được nhen nhóm, cả gia đình vui mừng khôn tả.
Vợ chồng chị Thủy là những người đầu tiên tình nguyện kiểm tra xem gan của mình có thích hợp với con hay không. Kết quả, gan của chị Thủy có nhiều chỉ số tốt hơn của chồng và thích hợp với cháu Khiêm.
“Là một người mẹ, suốt 10 năm liền nhìn thấy con đau đớn vì bệnh tật, tôi xót xa vô kể. Ngay khi biết có cơ hội cứu con, tôi đã hy vọng. Tôi nghĩ rằng, không chỉ tôi mà bất kể người mẹ nào cũng sẵn lòng hiến một phần cơ thể để cứu con của mình. Gặp phải trường hợp này, người mẹ nào cũng sẵn sàng như tôi”, chị Thủy nói.
Ca phẫu thuật thành công, chị Thủy cho biết, sức khỏe của chị lẫn con trai đều ổn định. Chị Thủy được xuất viện sau 10 ngày phẫu thuật. Chị hiểu, việc hiến gan sẽ giảm đi phần nào sức khỏe của mình nhưng lại vui mừng khi mang lại sự sống cho con trai. Riêng cháu Khiêm, sau ba tuần phẫu thuật, sức khỏe đã ổn định và vài ngày nữa sẽ được xuất viện.
12 giờ “cân não”
GS.BS Trần Đông A - cố vấn Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết khi nhập viện, cháu Khiêm đã bị xơ gan, nhiều lần xuất huyết phải nhập viện cấp cứu. Do đó, chỉ còn một giải pháp duy nhất để giữ tính mạng của cháu là phẫu thuật ghép gan càng sớm càng tốt.
Qua kiểm tra, gan trái của chị Thủy có hai động mạch gan, nếu lấy sẽ rất phức tạp và khó. Do đó, sau khi bàn tính, các bác sĩ quyết định tiến hành bóc tách gan phải của người mẹ để ghép cho con.
Các bác sĩ ghép gan cho cháu Khiêm.
Trong khi đó, cháu Khiêm tuổi còn khá nhỏ, lại bị tăng áp lực động mạch cửa khiến lá lách to bất thường, tiểu cầu giảm thấp hơn nhiều so với người bình thường… Khả năng đông máu thấp, việc đưa tiểu cầu vào phải cân nhắc kĩ lưỡng, chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Trong quá trình phẫu thuật, việc gây mê hồi sức, khâu nối các mạch máu cho cháu Khiêm cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi, cháu còn nhỏ việc bóc tách, nối bằng vi phẫu, chỉ cần sơ sót nhỏ cũng dẫn đến nghẹt mạch… gây nguy hiểm tính mạng.
GS. Đông A cho biết, đây là ca ghép gan khó nhất từ trước đến nay, kéo dài đến 12 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, rất may mắn, ca phẫu thuật đã thành công.
Nhật Bình
Theo Vietnamnet