Ý kiến trái chiều vụ CSGT đá vào mặt 2 thanh niên ở Sài Gòn

Nhiều người nhận định CSGT ở TP.HCM đã lạm quyền và sai khi dùng vũ lực, song ý kiến khác cho rằng làm như vậy là cần thiết để ngăn chặn hành vi nguy hiểm.

Hình ảnh ghi lại cảnh một CSGT dùng tay, chân đánh 2 thanh niên sau va chạm giao thông gây ý kiến trái chiều. Trên đoạn video thể hiện thời điểm xảy ra vụ việc là lúc 21h42 ngày 17/4. Nam thanh niên chạy xe máy ngược chiều trên đường bất ngờ tông vào xe máy khác.

Sau khi đăng tải bài viết, có ý kiến cho rằng việc dùng vũ lực ngăn chặn hành vi nguy hiểm là cần thiết.

Tuy nhiên, ý kiến khác nhận định CSGT trong clip đã lạm quyền và sai khi hành xử như vậy. Bởi 2 nam thanh niên không có thái độ chống đối hay manh động sau tình huống đâm xe.

Ý kiến trái chiều vụ CSGT đá vào mặt 2 thanh niên ở Sài Gòn-1
Cảnh sát giao thông chĩa vật giống súng vào nam thanh niên. Ảnh: Cắt từ clip.

Ủng hộ dùng vũ lực để ngăn chặn

"Chẳng CSGT nào không có lý do gì mà lại làm vậy. Tôi giả định là nếu 2 người này cố tình không chấp hành hiệu lệnh CSGT mà chạy ngược chiều tông vào người khác thì mọi người sẽ bình luận gì đây", độc giả Sơn Long chia sẻ quan điểm.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ và đường đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) xác minh làm rõ clip. Tuy nhiên, cảnh sát chưa xác định được đây là khu vực nào.

Theo thông tin đi kèm clip được đăng tải, sự việc được cho xảy ra trên quốc lộ 1, đoạn qua quận 12, TP.HCM.

Nhiều bạn đọc cũng gửi những bình luận đồng tình với ý kiến trên và cho rằng nếu không mạnh tay, 2 nam thanh niên kia sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng cho cả những người đi đúng luật.

"Tôi ủng hộ anh CSGT, 2 thanh niên kia chạy xe như vậy là cố sát rồi, nếu tông trực diện vào người đi đường rất dễ tai nạn nghiêm trọng và chết người", độc giả có nickname Adam viết.

Theo độc giả Lê Quang Đạo, xe của cảnh sát đang rượt đuổi phía sau xuất hiện trong clip nên có vẻ xe của một thanh niên đã vi phạm trước đó và đang trên đường bỏ chạy rồi lao vào xe đi đúng chiều. Xe gây tai nạn đã có dấu hiệu không chấp hành hiệu lệnh của CSGT.

Một người sử dụng mạng xã hội cho biết clip được ghi lại tại khu vực thuộc quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn quận 12. Địa điểm trên thường xuyên xảy ra việc tụ tập, nẹt pô, phóng xe, quậy phá, đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Hành động của CSGT trong clip là cần thiết để trấn áp tình trạng này.

Không cần thiết

Bên cạnh những bình luận ủng hộ hành động của người CSGT, nhiều người gửi ý kiến trái chiều cho rằng không cần thiết phải dùng nắm đấm để giải quyết vụ việc như vậy.

Theo đoạn video ghi lại, 2 nam thanh niên sau va chạm không mang hung khí, không có dấu hiệu phản kháng hay có hành vi chống đối những người thi hành công vụ.

"Trên cương vị là cảnh sát thì khi người ta không phản kháng thì không được lạm dụng bạo lực. Anh CSGT này sai hoàn toàn", một độc giả bức xúc.

Nhiều bình luận còn cho rằng, CSGT trong clip có dấu hiệu lạm quyền và hành xử côn đồ, cần phải xử lý nghiêm.

"CSGT hay bất cứ người nào làm ở cơ quan công quyền thuộc hành pháp đều có nghĩa vụ giúp đỡ, hướng dẫn người dân cũng như ngăn chặn những hành vi trái pháp luật đã được nhà nước quy định. Việc hai thanh niên chạy ngược chiều gây tai nạn thì đã có tòa án tức xét xử và đình đoạt", ý kiến của độc giả VTA.

Nhiều suy đoán do clip chưa rõ ràng

Theo clip ghi lại, những tranh cãi cũng xuất hiện khi nhân vật trong clip không chỉ dùng tay, chân đánh thanh niên đi ngược chiều gây va chạm mà cả người đi đúng chiều cũng bị dùng vũ lực khống chế.

"CSGT có quyền bắt giữ nhưng không được đánh người vi phạm như trong clip. Kể cả khi gây tai nạn. Người thanh niên đi đúng chiều bị người đi ngược chiều đâm không có tội tình gì sao mà lại đánh họ?", độc giả tên Cường viết.

Một bạn đọc suy đoán khi xảy ra tai nạn có tới 3 chiếc xe ngược chiều là xe của người gây tai nạn, 1 chiếc đi với tốc độ trung bình sau đó quay đầu lại, còn 1 chiếc thì nghi của CSGT và cơ động đang đuổi theo thanh niên gây tai nạn.

Hành động đi ngược chiều tốc độ cao có thể thanh niên đó phạm tội gì đó nghiêm trọng hơn (có thể cướp giật), còn bạn bị đâm không biết cố tình hay vô ý nhưng có vẻ cố tình muốn cản thanh niên chạy ngược chiều. Khi CSGT đến hỏi có thể câu trả lời của anh này làm cảnh sát giao thông nổi giận.

"2 người tông xe nhau đều mặc đồ đen, còn một người bị lôi lên vỉa hè mặc áo mận chín nên khả năng CSGT đuổi theo nhóm cướp và đen đủi thay chúng bị tông xe ngã nhào. CSGT và CSCĐ liền tiến tới tóm luôn", độc giả Lê Thanh giả định.

Sau khi tua chậm và xem kỹ lại đoạn clip, nhiều suy đoán, giả định được đưa ra. Nhiều người tỏ ra khó hiểu khi theo hình ảnh ghi lại, vị CSGT đã dùng vũ lực với cả người phóng nhanh gây tai nạn lẫn người bị va chạm dẫn tới ngã xe.

Hầu hết độc giả đều bày tỏ ý muốn được nghe lời giải thích từ chính CSGT trong clip, cơ quan chức năng và những người trong cuộc.

Không dùng vũ lực trấn áp khi người vi phạm chửi bới

Theo thông tư 65/2012/TT-BCA ban hành ngày 30/10/2012 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ, CSGT khi làm nhiệm vụ sẽ được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị cho CSGT gồm súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn sơn, hoặc gậy/côn điện và còng số 8.

Lực lượng làm nhiệm vụ được phép dùng công cụ hỗ trợ và vũ thuật nếu nhận thấy đối tượng có hành vi xâm hại tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân hoặc của chính mình. Trong bất kỳ trường hợp nào, đối tượng chỉ chửi bới lăng mạ mà không tấn công vũ lực, CSGT không được phép sử dụng dụng vũ thuật. Trách nhiệm của CSGT là dùng lý lẽ thuyết phục để người đó nhận thức được vấn đề và chấm dứt hành vi.

Nếu đối tượng vẫn cố tình hiểu sai và tiếp tục chửi bới, CSGT phải báo cáo lên cấp trên để đề nghị công an phường, xã sở tại hỗ trợ giải quyết. Biện pháp cuối cùng là cùng các lực lượng phối hợp khống chế, yêu cầu về trụ sở công an phường giải quyết, lập biên bản xử phạt. Hành vi chửi bới, lăng mạ cũng chưa thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Zing


tai nạn giao thông cảnh sát giao thông

Tin tức mới nhất