Bộ phận bẩn nhất của tôm có gây hại cho sức khỏe không?

Đầu tôm, đường chỉ trên lưng tôm là cơ quan tiêu hóa của loại thủy sản này. Nhiều người e ngại nếu ăn cả hai bộ phận đó sẽ không tốt cho sức khỏe.

Trên mạng xã hội có nhiều tranh cãi ăn tôm như thế nào và chia thành hai quan điểm ăn toàn phần và loại bỏ đầu, đường chỉ sống lưng.

Chị Mai Hạnh (Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết khi ăn tôm, gia đình chị đều bỏ đầu, đường chỉ sống lưng vì đây là các bộ phận bẩn. Nhưng ở nhiều nơi, người dân mua đầu tôm về nấu canh và không bỏ phần chỉ sống lưng. Chỉ lưng của tôm biển rất sạn còn tôm nuôi đỡ hơn. Vì vậy, chị Hạnh đều lấy ghim tăm loại bỏ đường chỉ này.

Ngược lại, chị Hoàng Minh Trang (Hà Đông, Hà Nội) thường xuyên mua tôm về ăn nhưng không bỏ bộ phận nào. Chị tách phần nõn dành cho con; vỏ và đầu hấp sơ rồi cho vào máy xay, lọc bỏ bã lấy nước nấu canh rau muống, rau ngót, rau cải để bổ sung canxi.

Bộ phận bẩn nhất của tôm có gây hại cho sức khỏe không?-1
Tôm là món ăn giàu dinh dưỡng. Ảnh: Doãn Phong.

Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa (Hà Nội) cho biết, bộ phận tiêu hóa của tôm bao gồm dạ dày và đường ruột. Dạ dày nằm ở đầu và ruột chính là đường chỉ kéo dài từ đầu tới đuôi. 

Tôm ăn tạp gồm xác động vật thủy sinh, rong, tảo. Về mặt dinh dưỡng, đầu tôm, đường chỉ trên lưng tôm không có giá trị, bẩn. Người nội trợ có thể loại bỏ các bộ phận này để món ăn được sạch, không gây sạn. Đặc biệt, khi nấu cho trẻ ăn, nên loại bỏ hai bộ phận trên để đảm bảo vệ sinh, do đường ruột trẻ còn yếu. Người lớn khỏe mạnh có thể ăn toàn bộ con tôm (trừ trường hợp tôm nhiễm độc hoặc ươn nát).

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Tiến sĩ Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, tôm là thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho mọi người. Tùy theo sở thích, bạn có thể chọn tôm to hay nhỏ. Một số tôm nuôi ở vùng nhiễm kim loại nặng có thể gây hại nhưng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Do đó, vị chuyên gia này khuyến cáo người dân tốt nhất nên mua hàng có nguồn gốc, được nuôi trồng, đánh bắt ở vùng nước an toàn.

Nhiều người còn cho rằng ăn nhiều tôm bổ sung canxi. Theo Tiến sĩ Ngữ, tôm không phải nhiều canxi nhất trong các loại thực phẩm, thậm chí tôm càng to, sống ở vùng nước càng sâu càng có thể nhiễm kim loại nặng. Tốt nhất hằng ngày các gia đình nên ăn thực phẩm đa dạng. 

Phải ăn cả vỏ tôm để lấy canxi là một quan điểm sai lầm. Thực chất, vỏ tôm là lớp màng bảo vệ phần thân. Trong các loại vỏ của động vật, chỉ vỏ ốc có canxi nhưng thuộc dạng vô cơ nên con người không thể tiêu hóa được.

Lưu ý khi ăn tôm

Theo các chuyên gia, bạn nên ăn tôm chín để tránh nhiễm ký sinh trùng. Một số người muốn ăn tôm tái, sống cần chọn loại sống ở vùng nước an toàn. Những người dị ứng tuyệt đối không ăn. Tôm càng là loại thủy sản có hàm lượng purin cao, người bệnh gout cần kiêng.

Người tiêu dùng cũng không nên ăn tôm chết quá lâu chứa chất histamine gây hại cho cơ thể.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/co-nen-an-dau-tom-va-duong-chi-tren-lung-tom-khong-2259615.html

sức khỏe

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao