170 công nhân bị ngộ độc, phải nhập viện sau khi ăn cơm hộp

Sau khi ăn cơm hộp vào trưa chủ nhật (1.6) tại Cty, đến tối cùng ngày, hàng loạt công nhân có biểu hiện ngộ độc thực phẩm và đã phải nhập viện vào sáng hôm sau (2.6). Do không đủ giường điều trị, nhiều công nhân phải nằm dưới sàn bệnh viện.


Hình ảnh công nhân phải cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Lâm Hoa sáng 2.6

Nhập viện ồ ạt, công nhân nằm tràn xuống cả sàn bệnh viện

Khoảng 7 giờ 30 ngày 2.6, hàng loạt công nhân của Cty Nienshing (chuyên sản xuất hàng may mặc tại KCN Phúc Khánh, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đã ồ ạt nhập viện cấp cứu vì bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng: Đau bụng, buồn nôn, đi ngoài. Rất may, không ai trong tình trạng nguy kịch.

Hầu hết công nhân được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Lâm Hoa, còn lại là ở Bệnh viện đa khoa Hoàng An và Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình (đều ở thành phố Thái Bình). Tổng cộng tại 3 bệnh viện này có khoảng 170 công nhân được cấp cứu.

Hơn 9 giờ sáng cùng ngày, có mặt tại Bệnh viện đa khoa Lâm Hoa (nơi có 120 công nhân nhập viện), phóng viên Lao Động nhận thấy các công nhân bị ngộ độc đã nằm kín 5 phòng điều trị tại khoa Nội. Mỗi giường điều trị có 3 công nhân, nằm ken đặc, so le với nhau, khuôn mặt ai cũng đau đớn, khó chịu, tái xanh tái xám.

Còn tại khoa hồi sức cấp cứu, số lượng công nhân nhập viện quá đông, không đủ giường nằm nên bệnh viện phải bố trí cho công nhân nằm ở dưới sàn nhà để điều trị. Các bác sỹ, nhân viên điều dưỡng rất bận rộn truyền nước, cho công nhân uống thuốc, thăm khám các bệnh nhân. Cũng do số lượng công nhân nhập viện quá đông, bệnh viện đa khoa Lâm Hoa đã phải chuyển bớt các công nhân bị ngộ độc sang Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Được biết bệnh viện đa khoa Lâm Hoa là nơi đăng ký khám chữa bảo hiểm y tế của công nhân Cty Nienshing.

Nằm tại phòng 303 của khoa Nội, cố nén cơn đau trong người, chị Nguyễn Thị Hà (48 tuổi, quê ở xã Vũ Công, huyện Kiến Xương) cho biết, chị bị đau bụng, đi ngoài nhiều lần từ bắt đầu từ 12 giờ đêm 1.6 đến sáng ngày 2.6. Đến sáng, chị cố gắng nhịn đau để đi làm. Đến Cty, do không chịu nổi cơn đau nữa, chị đã cùng các công nhân khác lên ôtô của Cty để đến bệnh viện cấp cứu.

Chị Hà cho biết, nguyên nhân của ngộ độc có thể là do vào trưa chủ nhật (1.6), công nhân đã dùng cơm hộp tại Cty. Bữa trưa gồm các món: trứng ốp lết; chả thịt lợn; cải bắp xào và canh cải nấu gion. Ăn xong, buổi chiều công nhân chưa bị, nhưng đến tối bắt đầu bị các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm.

Tạm thời đóng cửa cơ sở cơm hộp Dũng Hợp

Ông Lê Văn Diện - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Bình- đã trực tiếp có mặt tại bệnh viện đa khoa Lâm Hoa để theo dõi việc điều trị cho các công nhân và tìm hiểu vụ việc. Ông Diện cho biết, Cty Nienshing có tổng cộng 6.000 công nhân, nhưng trưa 1.6 do là ngày chủ nhật nên chỉ có 700 công nhân đi làm thêm. Số lượng 700 suất cơm hộp trưa 1.6 đều do cơ sở làm cơm hộp Dũng Hợp (thành phố Thái Bình) cung cấp với giá khoảng 10.000 đồng/suất. Ông Diện cho biết với các triệu chứng ngộ độc thực phẩm của công nhân như trên, Chi cục nghi ngộ độc do vi khuẩn. Ông cũng cho biết Chi cục đã tạm thời đóng cửa cơ sở cung cấp cơm hộp Dũng Hợp, không cho cơ sở này cung cấp suất ăn trong một tuần để cơ sở này cải thiện điều kiện vệ sinh, tẩy uế cho đến khi cơ quan chức năng thẩm định lại điều kiện sản xuất.

Được biết, đây không phải lần đầu cơ sở Dũng Hợp làm hàng trăm công nhân bị ngộ độc. Vào tháng 8.2012, các suất cơm hộp của cơ sở này cũng đã làm 160 công nhân làm việc ở 6 doanh nghiệp đóng tại Khu công nghiệp Phúc Khánh (thành phố Thái Bình) phải nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Trong số 6 doanh nghiệp có công nhân bị ngộ độc này cũng có tên Cty Nienshing.

Ông Phạm Văn Dịu- Giám đốc Sở Y tế Thái Bình- cho biết, sau khi nắm bắt được sự việc, ông đã chỉ đạo cho cấp dưới xuống Cty Nienshing để điều tra thu thập thông tin, lấy mẫu để xét nghiệm làm rõ nguyên nhân ngộ độc; chỉ đạo các bệnh viện tập trung tích cực điều trị cho các công nhân nhập viện.

Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo cho các nhân viên xuống dưới các xã, huyện nơi có công nhân của Cty Nienshing thường trú để nắm bắt thêm số lượng các công nhân bị ngộ độc, bởi có thể đã có những công nhân bị ngộ độc ngay từ đêm và đã đến các cơ sở y tế địa phương để điều trị, sáng hôm sau không đi làm tại Cty.

Được biết, sau khi khảo sát ở các xã, cơ quan chức năng mới có thể đưa ra con số chính xác tổng cộng có bao nhiêu công nhân bị ngộ độc thực phẩm trong vụ việc này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Hình ảnh công nhân phải cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Lâm Hoa sáng 2.6

















* Xem thêm clip có thể bạn quan tâm:


Hơn 730 công nhân Thanh Hóa bị nghi nhiễm độc thần kinh
Theo Lao Động

Tin tức mới nhất