Vào mùa hè, mồng tơi dường như là loại rau không thể thiếu trên mâm cơm gia đình. Bát canh rau mồng tơi nấu cùng cua đồng, thịt băm hay mướp hương… quả thực dễ trôi cơm không ngờ.
Dù là loại rau giàu dinh dưỡng, nhưng các chuyên gia cho rằng việc ăn rau mồng tơi sai cách không hề tốt. Thậm chí, nó gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu bảo quản và sử dụng sai cách.
1. Ăn chung với thịt bò
Thịt bò và mồng tơi được xếp vào danh sách những thực phẩm "kỵ" nhau. Ấy thế nhưng nhiều người ăn lẩu lại có thói quen kết hợp 2 món này.
Khi ăn chung, thịt bò có thể làm mất đi tính nhuận tràng của mồng tơi. Người bị táo bón mà ăn thịt bò với mồng tơi còn có thể khiến bệnh tình nặng thêm.
2. Ăn quá nhiều
Rau mồng tơi chứa nhiều axit oxalic. Chất này có thể làm giảm sự hấp thụ canxi và sắt của cơ thể. Nếu bạn ăn nhiều rau mồng tơi dần dà sẽ làm giảm khả năng hấp thụ canxi và sắt.
Bên cạnh đó, rau mồng tơi còn có hàm lượng purin cao. Hợp chất này khi đi vào cơ thể có khả năng chuyển hóa thành axit uric, làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
Rau mồng tơi còn có hàm lượng chất xơ phong phú nhưng ăn quá nhiều sẽ phản tác dụng khiến dạ dày bị khó chịu, có thể khiến bệnh táo bón nặng thêm. Vì thế kể cả thèm đến mấy, bạn cũng chỉ nên ăn rau mồng tơi 2 - 3 lần/tuần.
3. Ăn rau mồng tơi chưa chín kỹ
Theo kinh nghiệm dân gian, lá và thân rau mồng tơi khá nhớt và cứng. Nếu ăn sống rau mồng tơi, bạn có thể bị đầy bụng, khó tiêu, hại dạ dày.
Chưa kể, bạn còn có nguy cơ đối mặt với việc nhiễm ký sinh trùng bám trên rau. Vì vậy hãy thực hiện đúng nguyên tắc "ăn chín uống sôi" để bảo đảm sức khỏe.
4. Ăn rau mồng tơi khi lạnh bụng
Nếu như bạn đang bị lạnh bụng, tiêu chảy thì không nên ăn rau mồng tơi. Đây là loại rau nhuận tràng, có tính hàn dễ khiến cho bệnh tình của bạn trở nặng hơn nếu ăn phải.
Ying Ying
Theo Vietnamnet