Tăng huyết áp là một nguyên nhân gây tử vong sớm trên toàn cầu. Các biến chứng do tăng huyết áp gây ra đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo một điều tra gần đây của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh/thành phố của nước ta, tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên là 25,1%, nghĩa là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp.
Khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh cần nghiêm túc tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Việc kết hợp thay đổi lối sống lành mạnh như sinh hoạt điều độ, tập luyện phù hợp và ăn uống khoa học, bỏ thuốc lá, rượu bia, tránh các chất có hại cho mạch máu cũng rất hiệu quả để kiểm soát huyết áp.
Người bệnh tăng huyết áp cần tuân thủ điều trị và thực hành lối sống lành mạnh.
Về chế độ ăn uống, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo người bị tăng huyết áp nên ăn chủ yếu các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, sữa ít béo, thịt gia cầm không da, cá và dầu thực vật không phải nhiệt đới. AHA cũng đề xuất hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, rượu, natri, thịt béo và đường bổ sung.
Theo ThS.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người bị tăng huyết áp cần chú ý ăn nhạt, giảm ăn muối; Không ăn mỡ động vật và phủ tạng; Ăn dầu thực vật vừa phải; Tăng cường ăn nhiều rau xanh và trái cây ít ngọt.
Thực hành lối sống lành mạnh, trong đó có chế độ ăn uống tốt sẽ giúp phòng ngừa và ứng phó với tình trạng tăng huyết áp. Dưới đây là một số loại đồ uống giúp hỗ trợ kiểm soát và phòng ngừa tăng huyết áp một cách tự nhiên:
1. Sữa ít béo
Sữa là một trong những thức uống lành mạnh nhất vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng và cung cấp:
- Kali;
- Canxi;
- Vitamin D;
- Phốt pho...
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh quốc, uống sữa ít béo thay vì sữa nguyên kem có thể giúp giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp vì sản phẩm từ sữa nguyên kem có chứa acid palmitic có thể làm tắc nghẽn mạch máu.
Trong một nghiên cứu năm 2019 trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, những người uống nhiều sữa trong vòng 6 tuần (bao gồm 5-6 khẩu phần sữa ít béo, sữa chua và phô mai), giảm cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, trung bình khoảng 4,5 và 3 điểm so với khi họ ăn một hoặc ít hơn 1 khẩu phần sữa mỗi ngày trong 6 tuần.
2. Nước pha hạt chia giúp giảm huyết áp
Hạt chia chứa đầy acid béo omega-3 và chúng giúp làm giãn mạch máu và giảm huyết áp cao. Một nghiên cứu cho thấy những người uống nước chanh hạt chia trong vòng 12 tuần đã giảm huyết áp, giảm lượng đường trong máu và giảm viêm.
Để chuẩn bị, hãy ngâm hạt chia trong một ít trong nước trong nửa giờ và uống nước trong ngày, có thể thêm nước cốt chanh vào nước sau khi pha.
Nước chanh hạt chia tốt cho người bệnh tăng huyết áp.
3. Nước ép lựu tốt cho người tăng huyết áp
Loại quả màu đỏ này là nguồn cung cấp kali có lợi trong việc giảm huyết áp. Nước ép lựu chứa nhiều chất chống oxy hóa gấp 3 lần so với trà xanh và rượu vang đỏ. Theo một số nghiên cứu, uống nước ép lựu mỗi ngày giúp rất nhiều trong việc giảm huyết áp.
4. Nước uống giấm táo
Những người quan tâm nhiều về sức khỏe đều biết lợi ích sức khỏe của giấm táo. Giấm táo chứa nhiều chất dinh dưỡng bao gồm kali. Giấm táo loại bỏ natri không cần thiết và các chất độc hại ra khỏi cơ thể và các enzyme có trong nước ép giúp điều hòa huyết áp.
Trộn giấm táo với một vài giọt mật ong trong một cốc nước nóng uống khi bụng đói mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Giấm táo cũng có thể dùng với nước chanh vì nó có tác dụng kỳ diệu trong việc giảm huyết áp cũng như loại bỏ các bệnh tật. Lưu ý không lạm dụng giấm táo.
5. Nước uống từ cỏ cà ri
Thức uống này chứa chất xơ giúp kiểm soát huyết áp. Ngâm hạt cỏ cà ri trong nước qua đêm và uống nước này khi bụng đói vào buổi sáng hỗ trợ kiểm soát huyết áp.
Để kiểm soát huyết áp, người bệnh cần tuân thủ điều trị. Về chế độ ăn, tốt nhất không nên tập trung vào một hay vài loại thực phẩm cụ thể mà thay vào đó hãy tập trung cho một chế độ ăn uống lành mạnh . Nên hỏi ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng về những thực phẩm nên ăn, nên kiêng.
GS. Maya Vadiveloo, trợ lý giáo sư về khoa học dinh dưỡng và thực phẩm tại Đại học Rhode Island và Phó Chủ tịch Ủy ban Dinh dưỡng của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ giải thích: Các thực phẩm như trái cây, rau quả và sữa ít béo rất giàu vi chất dinh dưỡng. Tất cả các chất dinh dưỡng này phối hợp với nhau để điều hòa huyết áp. Đây là thay thế tốt cho những thực phẩm như đồ ăn nhanh nhiều muối và nhiều cholesterol có thể làm tăng huyết áp, gây hại cho tim mạch.
Theo Sức khoẻ đời sống