5 ngày cách ly xã hội đầu tiên, cả thành phố dường như ngừng lại, hồi hộp chờ đợi ca nhiễm mới được công bố để xem khu phố mình có bị phong tỏa hay không. Những nét mặt thấp thỏm. Những nụ cười âu lo.

Người dân ở "tâm dịch" Đà Nẵng chứng kiến nhiều lần đầu tiên "bất đắc dĩ": Số ca nhiễm tăng nhanh chóng, 3 ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 và những chính sách cách ly nghiêm nghặt nhất từ trước tới nay. Thế nhưng, trong những ngày u ám vì bóng ma dịch Covid-19, Đà Nẵng vẫn ấm áp tình người.

5 ngày cách ly xã hội và tình người ở tâm dịch Đà Nẵng-1

“Đà Nẵng cách ly xã hội 6 quận. Dừng toàn bộ chuyến bay đi/đến Đà Nẵng cùng các tuyến vận tải cố định từ 0h ngày 28/7. Phong tỏa Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng".

Thông báo của Khang khiến cả nhóm bạn sợ hãi. Lúc đó là 23h ngày 27/7, Nguyễn Trung Khang (28 tuổi, ngụ Vũng Tàu) và nhóm bạn 5 người vẫn còn ở Hội An để hưởng thụ những ngày cuối trong chuyến du lịch hè của “hội độc thân vui vẻ”. Cuộc vui vốn để thoát ly khỏi căng thẳng nay lại trở thành hành trình mắc kẹt ở Đà Nẵng.

Tin tức về cuộc tháo chạy khỏi Đà Nẵng của nhiều khách du lịch lại càng khiến nhóm Khang thêm thấp thỏm. Sau khi trấn tĩnh, cả nhóm chấp nhận thực tế rằng việc chạy đua rời Đà Nẵng vào lúc đó là bất khả thi khi cách sân bay hơn 30 km. Nhóm quyết định sẽ tới sân bay vào sáng hôm sau, trước thời gian bay dự kiến 1 ngày, để tìm cơ hội đổi vé rời Đà Nẵng.

5 ngày cách ly xã hội và tình người ở tâm dịch Đà Nẵng-2

Sáng 28/7, phố xá vắng tanh, sân bay cũng không một bóng người, chỉ lác đác vài nhân viên. Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng dừng hoạt động hoàn toàn. Khang và cả nhóm thất thểu rời sân bay, bao nhiêu âu lo về những ngày bấp bênh đổ ập về.

“Bây giờ các em như vậy có bay được không?”, chị Phan Thị Ngọc Dung (32 tuổi), chủ một hostel trên đường Điện Biên Phủ - nơi cả nhóm từng đặt chỗ 2 ngày trước, hỏi thăm qua điện thoại. Hôm đó, TP Đà Nẵng đã đề nghị các cơ sở lưu trú du lịch không nhận khách mới để đảm bảo cách ly xã hội.

“Công an phường nói mình không nên nhận vì dịch bệnh rất phức tạp”, chị Dung kể lại. Đó là buổi sáng ngày cách ly xã hội đầu tiên, số ca nhiễm tăng 3 ngày liên tục, vẫn chưa thể xác định F0 và Đà Nẵng đang ráo riết truy vết các ca nghi nhiễm. Dù vậy, chị Dung vẫn quả quyết thuyết phục ngành chức năng cho phép nhận nhóm khách này.

Không chỉ vậy, chị còn giảm 60% giá phòng cho cả nhóm 6 người. 15 ngày ở Đà Nẵng, chị chỉ thu 600.000 đồng/người. Nếu tình hình dịch phức tạp hơn, phải cách ly xã hội quá 14 ngày, chị dự định sẽ chỉ lấy tiền điện, nước chứ không tính phí nữa. Thế là nhờ mắc kẹt ở Đà Nẵng mà nhóm Khang có chuyến du lịch siêu tiết kiệm, rẻ bất ngờ.

“Nếu không có chị Dung che chở, nhóm mình cũng không biết xoay xở thế nào. Đà Nẵng hiếu khách quá, giữ mình ở lại tận 15 ngày, vậy thì mình phải ở thôi”, Khang nói đùa trong tiếng cười của cả nhóm bạn.

Ngày 28/7, Đà Nẵng còn 314 du khách mắc kẹt vì thực hiện lệnh cách ly xã hội. Sở Du lịch TP đã thu xếp 5 khách sạn cho các du khách lưu trú với giá chỉ từ 250.000 đến 600.000 đồng/đêm.

5 ngày cách ly xã hội và tình người ở tâm dịch Đà Nẵng-3

Ngày 29/7, sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, thêm Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk phát hiện ca nhiễm Covid-19. Các ca nhiễm đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng. Dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng giữa các tỉnh thành.

14h, trời nắng chang chang, ông Nguyễn Đình Lộc (54 tuổi, ngụ quận Cẩm Lệ) nép mình sau tủ điện cạnh chốt phong tỏa ở ngã tư Đống Đa - Quang Trung. Hôm nay, ông đưa vợ đi chạy thận. Ngồi bên kia hàng rào phong tỏa là vợ ông - bà Nguyễn Thị Lục (49 tuổi).

Ông ở ngoài lúc nào cũng phải đeo khẩu trang, mấy tỉnh đều có người nhiễm rồi, không biết chỗ nào có dịch đâu”, bà Lục dặn chồng từ bên kia hàng rào khi thấy ông kéo khẩu trang xuống để thở.

Cuộc chạy thận của 2 vợ chồng lần này khác hẳn với 6 tháng vừa qua. Bệnh viện Đà Nẵng - nơi vợ ông chạy thận - đã bị cách ly từ 26/7, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Từ khi nghe tin, suốt mấy ngày, ông Lộc thấp thỏm không biết những ngày tới làm sao đưa vợ vào viện. Hai vợ chồng chỉ dùng chiếc điện thoại “hai màu”, muốn cập nhật tin tức gì phải chịu khó canh nghe đài, hóng tivi, rồi hỏi người xung quanh để biết tình hình.

Hôm đầu tiên Đà Nẵng phong tỏa 3 bệnh viện, ruột gan 2 vợ chồng như lửa đốt. Ông nghe kể nhiều người chạy thận đến viện từ sáng sớm cũng phải quay về, chờ thông báo mới từ bác sĩ.

Bệnh viện phong tỏa, bác sĩ phải cách ly, các chiến sĩ ở chốt canh gác thương mấy thì thương cũng không thể cho bệnh nhân vào viện. “Con thương cô chú lúc này lại thành hại cô chú về sau. Trong này có ca nhiễm, nếu cô chú vào thì xác định tinh thần là phải cách ly 14 ngày”, một chiến sĩ giải thích với các bệnh nhân.

5 ngày cách ly xã hội và tình người ở tâm dịch Đà Nẵng-4

Tính đến ngày 29/7, có 3 ca dương tính với Covid-19 liên quan đến khoa Thận nhân tạo. Trưa ấy, ông Lộc chợp mắt mấy chục cái liền, mỗi lần tỉnh dậy lại mong hiện thực này lùi xa.

Ngay chiều cùng ngày, vợ chồng ông nghe tin bệnh viện đã sắp xếp khu cách ly riêng tại khách sạn ở quận Sơn Trà cho các bệnh nhân chạy thận và sẽ có xe đưa đón vào viện theo lịch. Ông Lộc thở phào nói đùa rằng vợ “sướng nhất nhà” vì chạy thận còn được ở khách sạn miễn phí, việc nhà thì vào tay ông hết. Mấy chục năm cuộc đời, hai vợ chồng chỉ gắn bó với buôn rau bán cá chứ mấy khi biết mùi khách sạn thế nào.

Chiều 30/7, trên đường lên viện, hai vợ chồng vẫn lo lắng chưa yên. “Bao giờ bác sĩ ra đón bà thì tôi về”, ông Lộc nói rồi hướng mắt về con đường Quang Trung chờ bóng xe cấp cứu. Gần 4h chiều, xe của Bệnh viện Đà Nẵng tới đón. Ông Lộc nhìn chiếc xe khuất bóng mới an tâm đi về.

5 ngày cách ly xã hội và tình người ở tâm dịch Đà Nẵng-5

Từ 13h ngày 30/7, tất cả hoạt động kinh doanh ăn uống, giải khát, kể cả bán hàng qua mạng, bán hàng mang về tại Đà Nẵng phải dừng hoạt động để cách ly xã hội.

Đó là dòng thông báo mà chị Nguyễn Thu Trang (36 tuổi, chủ hàng bún) đọc được trên Facebook đêm 29/7. Chị lặng người. Đây là chuyện mà cả hai vợ chồng chị đều không tính đến.

Từ đầu năm đến nay, doanh thu quán chị giảm hơn 70% so với mọi năm, bằng mức giảm của lượng khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng (tính đến tháng 2/2020 theo Sở Du lịch Đà Nẵng). Thế nhưng, Đà Nẵng cách ly xã hội, chị Trang vẫn không quá lo vì cho rằng mình vẫn có thể bán hàng mang về, có thể cầm cự được thêm một đợt dịch nữa, vẫn khá hơn nhiều người.

Nhưng việc bán hàng mang về cũng phải dừng hoạt động. Chị hụt hẫng, nhưng không bi quan.

Dừng cả bán mang về là lần đầu, chứng tỏ tình hình rất căng. Mình không làm gì cũng coi như một kiểu góp sức lúc này. Còn sức khỏe, sau còn làm ra tiền”, chị nói.

Nghỉ bán đột ngột tất nhiên kèm theo nhiều mối lo toan. Nguồn thu duy nhất của hai vợ chồng không còn, phải sống nương vào số tiền tiết kiệm đã cạn dần suốt từ đầu năm. 20 triệu tiền thuê mặt bằng cũng chưa biết làm sao cáng đáng. Nhưng chị lạc quan rằng Việt Nam sẽ sớm vượt qua đợt dịch này như hồi tháng 4 và chị cũng sớm được mở hàng trở lại.

Đúng 13h, vợ chồng chị đóng quán, hưởng thụ những ngày “bắt buộc” rảnh rỗi. Kinh doanh tự túc như anh chị, chẳng khi nào có ngày nghỉ. Hai vợ chồng gọi đây như dịp "Nhà nước tạo điều kiện cho mình nghỉ". Chiều, hai vợ chồng tính ra bãi biển tập thể dục, chuyện đã lâu lắm chưa làm.

Buôn bán ngày đêm, hai vợ chồng cũng chẳng có thời gian cho nhau. Dịp này coi như lỗ vật chất nhưng lợi tinh thần, lấy lỗ làm lời”, chị vui vẻ chia sẻ.

5 ngày cách ly xã hội và tình người ở tâm dịch Đà Nẵng-6

Ngày 31/7, Đà Nẵng có thêm 45 người dương tính Covid-19, số ca nhiễm lớn nhất được công bố trong 1 ngày kể từ đầu mùa dịch. Cùng ngày, Việt Nam công bố 2 ca đầu tiên tử vong vì Covid-19.

Mỗi khi nghe thông tin số ca nhiễm Covid-19 liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng ngày càng tăng, chị Nhi vẫn không mất bình tĩnh. Từ dấu hiệu về những người nhập cảnh trái phép, về những ca nhiễm ban đầu, về số liệu truy vết, chị Trần Thảo Nhi (31 tuổi, bác sĩ Khoa Lão, Bệnh viện Đà Nẵng) và các đồng nghiệp đã cảm nhận được đây là một cuộc chiến dài.

“Chồng mình ở Khoa Nội hô hấp - nơi đã có ca nhiễm Covid-19 - nguy cơ cao hơn rất nhiều so với các khoa thông thường nhưng anh cũng không quá căng thẳng. Bọn mình tin tưởng vào bệnh viện”, chị giãi bày. Chị bảo rằng nhân viên y tế phải vững vàng thì người dân mới có thể an tâm được.

Cùng ở trong một bệnh viện, cùng thuộc hệ nội của các khoa lâm sàng, khoảng cách chỉ là vài dãy hành lang nhưng chị Nhi vẫn không thể gặp chồng - anh Huy, bác sĩ ở Khoa Nội hô hấp. Đứa con gái gần 4 tuổi cũng đành gửi ở nhà để ông bà nội chăm sóc.

Chia cắt là tình cảnh chung của rất nhiều gia đình trong các bệnh viện đang bị phong tỏa ở Đà Nẵng.

13h ngày 26/7 trở thành thời khắc đáng nhớ của vợ chồng chị Nhi cùng hơn 2.000 nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng khi nhận lệnh phong tỏa toàn viện, người giãn cách với người, khoa cách ly với khoa. Họ tạm gác những âu lo riêng tư để gánh vác trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng.

Mọi người bắt đầu chuỗi ngày sống như một chiếc đồng hồ. Cứ đến 7h, 12h, 18h sẽ có tình nguyện viên đưa cơm đến từng khoa cho nhân viên y tế và bệnh nhân. Mọi nhu yếu phẩm, nhu cầu cần thiết đều được chuyển qua những “shipper” này. Tất cả các nhân viên y tế thay phiên nhau chăm sóc bệnh nhân, cả ngày lặp đi lặp lại hành trình từ phòng bệnh ra hành lang rồi vào phòng nghỉ.

5 ngày cách ly xã hội và tình người ở tâm dịch Đà Nẵng-7

Mỗi ca trực, những y bác sĩ như chị Nhi lại “tự xông hơi” trong bộ đồ phòng hộ suốt 12 tiếng đồng hồ. Mặt ai cũng có 2 đường kẻ song song như mặt mèo, vành tai ửng đỏ vì dây khẩu trang, da tay nhăn nheo vì đeo găng tay cao su hàng giờ đồng hồ liên tục. Đây trở thành một cuộc sống “bình thường mới” của hàng nghìn nhân viên y tế ở Bệnh viện Đà Nẵng.

Điện thoại là sợi dây liên lạc duy nhất giữa chị Nhi với gia đình và thế giới bên ngoài hành lang bệnh viện, gọi điện cho chồng, Facetime với con hay nhắn tin với người thân, bạn bè.

“Người nhà lo cho mình, gọi điện động viên. Nhưng mình thì lo cho người ở ngoài hơn. Ba mẹ lớn tuổi, em bé thì nhỏ. Mình ở trong này mặc đồ bảo hộ còn yên tâm, ngoài đó không biết thế nào”, chị Nhi bồn chồn chia sẻ.

Nhớ con nhưng chị Nhi vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều đồng nghiệp. Rất nhiều y bác sĩ, điều dưỡng đang cách ly trong viện phải xa con khi con chưa kịp cai sữa mẹ. Còn cô con gái 4 tuổi của chị vẫn còn chưa biết “cách ly” là gì và chỉ nghĩ ba mẹ đang đi trực như bao ngày bình thường khác.

Ngày cách ly xã hội thứ 4, chị Nhi nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Những ngày này, chỉ một từ "âm tính" lại trở thành niềm hạnh phúc lớn lao cho mỗi người dân Đà Nẵng, đặc biệt là những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch.

5 ngày cách ly xã hội và tình người ở tâm dịch Đà Nẵng-8

Ngày 1/8, Việt Nam có bệnh nhân thứ ba tử vong vì Covid-19 tại Đà Nẵng.

Bà Sâm sợ xem tin tức những ngày này, nhưng lại càng sốt ruột hơn nếu bỏ lỡ bất kỳ bản tin 6h và 18h nào. Đó là khung giờ công bố các ca nhiễm Covid-19 mới được phát hiện. Bà sợ rằng sẽ thấy tên con mình được đánh số trong danh sách ấy.

“Con gái gọi về nhà, nhìn lớp da trên hai bàn tay teo lại lại vì bận đồ bảo hộ cả ngày. Tội lắm”, bà Đinh Thị Sâm (54 tuổi) trầm ngâm kể.

Chị Bùi Thị Mỹ Hạnh (29 tuổi, con gái bà Sâm) là điều dưỡng tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng. Con rể bà, anh Nguyễn Duy Thanh (37 tuổi), cũng là cán bộ Phòng vật tư bệnh viện.

13h chiều 26/7, Bệnh viện Đà Nẵng phong tỏa, anh Thanh đang làm việc trong viện nên ở lại cách ly luôn. Còn chị Hạnh khi đó ở nhà, gấp gáp dàn xếp để lo cho đứa con 2 tuổi vẫn còn chưa cai sữa mẹ, gửi gắm lại hết cho ông bà nội, ngoại.

Bà Sâm chẳng kịp gặp con, chỉ nghe con thở gấp trong điện thoại trước lúc rời nhà, tiếng đi như chạy: “Con đi làm là con cách ly luôn, có chi bà ngoại chăm em giúp con”. Sáng 27/7, chị Hạnh gói ghém đồ đạc và quần áo cho 2 vợ chồng, vào viện bắt đầu cuộc chiến.

5 ngày cách ly xã hội và tình người ở tâm dịch Đà Nẵng-9

Tối hết ca, cởi bộ đồ bảo hộ, chị Hạnh mới có thời gian điện về cho gia đình. Đứa con trai 2 tuổi cứ nhìn thấy mẹ trên màn hình điện thoại là khóc òa lên. Thằng nhỏ chưa biết gì, chỉ biết mẹ vắng nhà. Còn chị Hạnh lúc nào cũng trong tình trạng bầu sữa căng lên nhức nhối nhưng lại không thể cho con bú mớm, nỗi nhớ con lại càng đầy thêm.

Những ngày đầu mới vào viện, chị Hạnh chưa có kết quả xét nghiệm, cả nhà đều lo chung một nỗi lo mà không ai dám nói. Sợ rằng chỉ một từ “xét nghiệm” sẽ khiến những giọt nước mắt không ngừng rơi.

Cùng bị cách ly trong Bệnh viện Đà Nẵng - tâm dịch của tâm dịch - anh Thanh vẫn chỉ có thể nhìn vợ qua lớp cửa của Khoa Thận nhân tạo mỗi lần có dịp chuyển đồ tiếp tế lên khoa. Nhưng như thế vẫn may mắn hơn nhiều gia đình khác trong viện. Biết vợ làm trong khoa thận rất căng thẳng, anh cũng chẳng biết động viên sao, lời an ủi nào dường như cũng không trọn vẹn.

Kết quả xét nghiệm âm tính của chị Hạnh giải tỏa nỗi âu lo cho cả gia đình. Bà Sâm quyết định không thể lo lắng mãi, xắn tay áo lên giúp sức ở tất cả những điểm cách ly nóng nhất trong thành phố. Con bà chiến đấu bên trong, bà sẽ chiến đấu bên ngoài.

Biết con thiếu thảm để nghỉ ngơi, bà gửi cả chục tấm thảm và hàng trăm thùng nước, sữa, nhu yếu phẩm khác vào cho các nhân viên y tế trong viện. Bà cũng tập hợp nhà hảo tâm thu gom đồ, tiếp tế cho các điểm phong tỏa, cách ly của thành phố.

"Thay vì ngồi ở nhà lo lắng cho con thì đi như ri sẽ vơi đi, quên đi cái phần mình lo cho con. Làm thế này cũng là gián tiếp đỡ bớt phần vất vả cho con mình", bà Sâm tâm sự.

Số hàng hóa bà Sâm gửi vào viện hòa vào cả núi nhu yếu phẩm mà hàng nghìn nhà hảo tâm ở Đà Nẵng quyên góp cho tuyến đầu chống dịch. Từ ngày cách ly xã hội thứ hai, các chốt phong tỏa gần cửa viện đều ngập trong núi hàng từ thiện của người dân Đà Nẵng. Ai cũng muốn "chung tay góp sức cho tuyến đầu chống dịch".

Những ngày này, Đà Nẵng nới rộng khoảng cách giữa người với người nhưng rút ngắn quãng đường giữa trái tim với trái tim.

5 ngày cách ly xã hội và tình người ở tâm dịch Đà Nẵng-10

Theo Zing