Ziqi (12 tuổi) giành được suất vào trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Đây là khoảnh khắc đáng tự hào đối với gia đình cô bé.
Theo Sixth Tone, các trường múa và khiêu vũ có tỷ lệ cạnh tranh cao, hàng nghìn sinh viên đăng ký mỗi năm nhưng chỉ có 30 người được nhận. Nếu được đào tạo tại đây, Ziqi có thể thực hiện ước mơ của cuộc đời mình là trở thành giáo viên khiêu vũ chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, gia đình cảm thấy lo lắng cho Ziqi. Để có thể thi vào trường nghệ thuật chuyên nghiệp, cô bé phải thực hiện chế độ giảm cân nghiêm ngặt.
Cân nặng của cô bé nhanh chóng giảm từ 34kg xuống chỉ còn 25kg. Bố mẹ cô bé cảm thấy rất lo lắng khi con gái họ trông giống như "tờ giấy".
Mối lo ngại của công chúng Trung Quốc về văn hóa giảm cân tại nhiều trường dạy khiêu vũ đang gia tăng. Khi sự cạnh tranh cho các vị trí ngày càng khốc liệt, học sinh sẽ phải ép cân một cách không có điểm dừng.
Giáo viên giải thích các đặc điểm ngoại hình để đánh giá thí sinh đăng ký nhập học vào Học viện Múa Bắc Kinh - trường dạy múa hàng đầu tại Trung Quốc (Ảnh: Sixth Tone).
Chú trọng vào ngoại hình, "bỏ quên" kỹ năng
Những vấn đề tương tự tồn tại ở các học viện khiêu vũ trên khắp thế giới. Nhưng tình hình bên trong các trường học tại Trung Quốc đặc biệt đáng lo ngại.
Nhiều người trong ngành cho biết, giáo viên tập trung quá mức vào hình thể của vũ công. Họ thúc giục các cô gái giảm cân quá mức cho phép.
Không ít sinh viên cảm thấy cơ hội thành công tốt nhất của họ không phải cải thiện kỹ thuật khiêu vũ mà nằm ở việc thu nhỏ vòng eo.
Tại Trung Quốc, các kỳ thi tuyển sinh nổi tiếng là căng thẳng. Ở các trường hàng đầu, hàng chục nghìn ứng viên cạnh tranh khốc liệt vì chỉ có 20-30 suất.
Các ứng viên cùng tham gia thi loại qua 3 vòng kiểm tra kéo dài vài tháng. Những bài kiểm tra này không chỉ tập trung vào khả năng của thí sinh mà còn đánh giá ngoại hình một cách chi tiết.
Các huấn luyện viên Trung Quốc rất chú trọng đến điều kiện thể chất. Ở hầu hết trường hàng đầu, giám khảo sẽ chỉ xem xét những học sinh tuân theo hình dạng cơ thể được gọi là "ba dài, một thấp, một cao, hai 12".
Cụ thể là tay dài, chân dài, cổ dài, đầu nhỏ, mu bàn chân dày, các chi dưới dài hơn thân mình ít nhất 12cm và sải tay dài hơn chiều cao ít nhất 12cm.
Các chỉ số học sinh cần có để được thi tuyển vào trường múa và khiêu vũ tại Trung Quốc (Ảnh: Sixth Tone).
Gia tăng số trẻ em học khiêu vũ để... kiếm được nhiều tiền
Khi tầng lớp trung lưu của Trung Quốc tăng lên, nhiều người tiêu dùng trả tiền tham gia các lớp học khiêu vũ. Điều này giúp giáo viên dạy khiêu vũ kiếm được nhiều tiền hơn.
Ngày nay, các vũ công dễ dàng giành được danh tiếng và cơ hội việc làm nhờ mạng xã hội.
"Với hy vọng con sẽ trở thành ngôi sao, các bậc cha mẹ thường bắt con phải học khiêu vũ hoặc tham gia những kỳ thi vào trường nghệ thuật. Năm 2022, số lượng ứng viên tăng gần gấp đôi so với năm 2021", Xie Tianli - người sáng lập Feeling Dance, studio khiêu vũ ở Thâm Quyến (Trung Quốc) chuyên chuẩn bị cho học sinh tham gia các cuộc thi khiêu vũ - cho biết.
Xue Ping - một trong những giáo viên tại Feeling Dance - tiết lộ, một số trẻ chỉ ăn thức ăn lỏng trước kỳ thi để trông "rất gầy".
Điều này thậm chí còn trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ đại dịch, khi các kỳ thi diễn ra trực tuyến và học sinh lo lắng họ trông "nặng nề" hơn trước máy quay.
"Một số em có thể gặp vấn đề về tâm lý trong kỳ thi tuyển sinh do giảm cân quá mức và cơ thể đạt đến giới hạn cho phép", Xue nói.
Các cô gái tập luyện với đầu được bọc trong nhiều lớp màng bọc thực phẩm (Ảnh: Sixth Tone).
Một video lan truyền trên Xiaohongshu - nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc - cho thấy, nhóm cô gái đang tập luyện với đầu được bọc trong nhiều lớp màng bọc thực phẩm.
Những video này thu hút hàng chục triệu lượt xem, gây ra phản ứng mạnh mẽ từ người dùng. Nhiều bình luận chỉ trích hoạt động này là "khủng khiếp" và bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe của các cô gái.
Tuy nhiên, không ít người chỉ ra bản chất của các kỳ thi ở trường nghệ thuật đã khuyến khích phương pháp đào tạo này.
"Nếu bạn không đủ gầy, bạn sẽ bị loại ngay từ vòng đầu tiên", một người dùng mạng xã hội viết.
Quy trình tuyển chọn quá khắt khe
Đối với Xue, mô hình tuyển chọn mà các trường nghệ thuật Trung Quốc sử dụng là "bất thường và quá khắt khe". Luciana Bracco - giáo viên dạy khiêu vũ đến từ Mexico, đã làm việc ở Thâm Quyến (Trung Quốc) từ năm 2020 - đồng ý với quan điểm này.
Bracco cho hay: "Tại Trung Quốc, cơ thể gầy gò một cách đáng sợ mới có thể học khiêu vũ. Nhiều cô gái không đáp ứng được yêu cầu về cơ thể, nhưng lại có mọi thứ để trở thành vũ công nổi tiếng, vẫn bị loại".
Bracco cũng từng là nạn nhân của việc bị ép cân quá mức. Khi cô 16 tuổi, các giáo viên dạy khiêu vũ buộc cô phải ăn kiêng. Kết quả là cô mắc chứng rối loạn ăn uống trong nhiều năm sau đó.
Giáo viên đo chiều dài thân của một bé gái đang học múa tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc (Ảnh: Liu Guanguan).
Một số sinh viên tại trường nghệ thuật Trung Quốc nói với Sixth Tone, họ cũng bị rối loạn ăn uống. Nhiều người dùng đến các phương pháp cực đoan để giảm cân, chẳng hạn ăn khăn giấy hoặc uống sữa tắm để gây nôn sau khi ăn.
Đối với không ít sinh viên, sự đối xử mà họ nhận được tại các trường nghệ thuật Trung Quốc đã ám ảnh họ suốt nhiều năm.
Ye Xiaolong (20 tuổi) vượt qua kỳ thi tuyển sinh khiêu vũ vào năm 2015. Tuy nhiên, anh ít khi được các giáo viên chú ý vì cổ, tay và chân bị cho là quá ngắn.
Wen Rouyue (21 tuổi) cũng có trải nghiệm tương tự. Cô được nhận vào một trường múa hàng đầu tại Trung Quốc vào năm 12 tuổi. Nhưng ước mơ được khiêu vũ trên sân khấu của cô không thành hiện thực vì giáo viên cho rằng, thể hình cô không đẹp.
Bắt ép con phải thực hiện đam mê của mình
Trong nhiều trường hợp, lựa chọn học khiêu vũ của trẻ là do mẹ của họ - những người mơ ước trở thành vũ công khi còn nhỏ.
Li Qian là một trong những phụ huynh đó. Khi còn nhỏ, cô đam mê nghệ thuật và khiêu vũ, nhưng chưa bao giờ có cơ hội được đào tạo bài bản. Giờ đây, cô hy vọng con gái Lingxi (12 tuổi) có thể có cuộc sống mà cô bị từ chối.
Li đăng ký cho Lingxi học khiêu vũ khi còn nhỏ. Từ năm lớp 3, Lingxi đã có vóc dáng phù hợp để trở thành vũ công hạng 3. Li quyết định đăng ký cho con gái mình tham gia kỳ thi.
Nhiều cô bé phải thực hiện ước mơ thay mẹ của mình (Ảnh: Liu Guanguan).
Trong kỳ nghỉ hè, cô bé dành cả tháng để tập luyện mỗi ngày từ 7h sáng đến 9h tối. Khi học kỳ mới bắt đầu, cô bé chuyển sang tập luyện vào cuối tuần.
Theo Xue, kiểu lịch trình đào tạo này đang trở nên phổ biến khi sự cạnh tranh giành suất vào các trường nghệ thuật ngày càng khó.
Giống như các bậc cha mẹ khác, Li dành nhiều thời gian để lo lắng về ngoại hình của con gái mình. Li đồng ý các vũ công cần giữ dáng nhưng cô phàn nàn rằng, tiêu chí tuyển chọn của các trường nghệ thuật tại Trung Quốc quá khắt khe.
Theo Dân Trí