Những miếng lòng béo bùi, dai dai luôn mang lại sức hấp dẫn khó cưỡng, dù là ăn không hoặc biến tấu với kiểu nào đi nữa. Nếu đã quá quen với món cháo lòng thì tại sao không thử đổi gió thưởng thức lòng lợn khi kết hợp với sợi bún và nước dùng đậm vị?
Món ăn tuy dân dã này có thể chinh phục mọi tâm hồn yêu ẩm thực ngay khi liệt kê những thành phần “topping” trên tô bún.
Bún lòng hấp dẫn và thơm ngon nhưng ít được biết đến so với các loại bún khác. (Ảnh: mokhoet_hanoi)
Bún lòng là sự kết hợp hoàn hảo giữa các nội tạng của lợn như tim, gan, dồi trường, bao tử, phèo non… ăn cùng sợi bún dẻo dai quen thuộc và nước dùng xương.
Sự kết hợp giữa hai nguyên liệu quen thuộc bún và lòng đã tạo nên một món ăn dân dã nhưng dễ gây "nghiện". (Ảnh: chubehanoi)
Điểm then chốt để có một tô bún lòng ngon đó là chủ quán phải lựa chọn được lòng heo tươi, ngon. Công đoạn tiếp theo cũng không kém phần quan trọng đó là sơ chế một cách kỹ lưỡng với rượu, giấm và chanh để loại bỏ hoàn toàn nhớt và mùi tanh.
Các thành phần gồm gan, phèo, dồi, dạ dày, bao tử được luộc chín vừa tới và vớt ra nhanh chóng, sao cho giữ được vị ngọt, mềm tự nhiên. Nếu nấu quá lâu, lòng sẽ bị dai và khô, mất ngon.
Bún lòng với loạt "topping" hấp dẫn như dồi, tim, gan, lòng non... (Ảnh: chubehanoi)
Nước dùng của món bún này cũng khá đơn giản với việc hầm xương ống cho đến nhừ, rồi tiếp tục cho thêm hành tây, sả, gừng, hành khô vào đun tiếp. Cuối cùng chỉ cần nêm nếm gia vị vừa ăn nữa là món bún lòng đã sẵn sàng để phục vụ.
Nước dùng tuy đơn giản nhưng vẫn đủ sự đậm đà, ngọt ngon từ xương ống. (Ảnh: amymyht)
Những tô bún được bày ra với loạt thành phần hấp dẫn dồi, tim, gan, lòng non,... phủ đầy bề mặt, điểm tô thêm một chút rau thơm, hành lá. Hơi nóng từ tô bún phả khói nghi ngút hòa cùng hương lòng lợn xộc vào mũi khiến thực khách chỉ muốn cầm đũa thưởng thức ngay lập tức.
Để tăng hương vị phong phú của món bún lòng, một số nơi còn cho thêm măng chua.
Và tất nhiên, những thực khách sành ăn không thể quên cho vào một chút tiêu, ớt, giấm tỏi để bữa ăn thêm phần hấp dẫn.
Bún lòng có thể ăn kèm rau thơm để tăng thêm hương vị. (Ảnh: bachuaviahe)
Tuy đơn giản và dân dã từ cách nấu đến nguyên liệu, nhưng vị ngọt từ nước dùng ninh hàng giờ cộng hưởng với cái bùi béo của miếng lòng dai mềm, ăn cùng với sợi bún dẻo mịn đã tạo nên một món ăn gây “nghiện” từ lúc nào không hay.
Một số nơi còn cho thêm măng vào bún lòng. (Ảnh: phuonganh.uni)
Còn gì tuyệt vời hơn một bữa sáng chào ngày mới với món bún lòng vừa dễ ăn, ngon miệng nhưng cũng đầy bổ dưỡng.
Bún lòng tuy không nổi danh như nhiều loại bún đặc sản khác nhưng chắc chắn là món ăn xứng đáng nhận về những lời xuýt xoa tán thưởng và sự giới thiệu rộng rãi trong danh sách ẩm thực Việt Nam.
Theo VTC