Ăn cua bị sốc phản vệ, chuyên gia khuyến cáo nhóm người cần hạn chế!

Sau 30 phút ăn cua, bệnh nhi kêu mệt, nổi mẩn đỏ toàn thân, ngứa ngáy sau đó khó thở và bất tỉnh...

Vừa qua, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tại Vĩnh Long cho biết đã tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhi 15 tuổi nguy kịch vì bị sốc phản vệ do dị ứng thức ăn.

Ăn cua bị sốc phản vệ, chuyên gia khuyến cáo nhóm người cần hạn chế!-1

Được biết, sau 30 phút ăn cua, bệnh nhi nổi mẩn đỏ toàn thân, ngứa. Gia đình tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng tình trạng nổi mày đay nhiều hơn. Bệnh nhi than mệt, khó thở sau đó bất tỉnh nên được gia đình đưa vào viện cấp cứu.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khó thở, mạch nhẹ, huyết áp khó đo. Các bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp sốc phản vệ (phản vệ độ III) nguy hiểm đến tính mạng nên lập tức bệnh nhi được xử lý theo phác đồ sốc phản vệ. Hiện, bệnh nhi đã ổn định và tiếp tục được theo dõi.

Các bác sĩ cho biết, cua, ghẹ là loại thủy sản đứng đầu nguyên nhân gây dị ứng, do đó người mẫn cảm cần cẩn thận, nên ăn ít một, nếu dị ứng, nổi mề đay, ngứa ngáy, nôn nao, đau đầu, chóng mặt, khó thở… cần tới bệnh viện ngay kẻo hôn mê, tụt huyết áp… có thể dẫn tới tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo: Cha mẹ biết con mình có cơ địa dị ứng cần lưu ý tránh những thức ăn mà trẻ bị dị ứng trước đây. Những trường hợp dị ứng nhẹ, cần chú ý để giảm bớt, không ăn những thức ăn dị ứng. Những trường hợp phản ứng dị ứng nặng, gây sốc phản vệ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong nhanh chóng.

Dấu hiệu cảnh báo bạn bị dị ứng thức ăn

Các triệu chứng của dị ứng do ăn cua có thể khác nhau giữa mỗi người. Đôi khi tình trạng ăn cua bị dị ứng xảy ra rất nhẹ và ngắn, nhưng cũng có trường hợp dị ứng phát tác nghiêm trọng và nguy hiểm hơn gây ra sốc phản vệ.

Ăn cua bị sốc phản vệ, chuyên gia khuyến cáo nhóm người cần hạn chế!-2

Khi có những dấu hiệu sau đây, người bệnh cần đi khám sớm:

- Thở khò khè, ho khan, cổ họng tắc nghẹn, khàn giọng

- Buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu hoặc đau bụng, tiêu chảy

- Ngứa và phát ban, sưng môi, lưỡi, mặt hoặc tay chân

- Chóng mặt do dị ứng và có thể ngất xỉu…

Phản ứng nghiêm trọng, bạn có thể nhận biết qua các triệu chứng như cổ họng bị sưng gây khó thở, tụt huyết áp nghiêm trọng, tim đập nhanh, mất ý thức… Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân bị sốc phản vệ do dị ứng sẽ có nguy cơ tử vong.

Nhóm người cần cảnh giác khi ăn cua

Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu: Trong giai đoạn ba tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu hạn chế ăn cua đồng, do cua đồng dễ gây sảy thai và dễ gây lạnh bụng, đau bụng.

Người vừa ốm dậy: với những người mới khỏe lại sau bệnh, đường tiêu hóa còn chưa được phục hồi hoàn toàn cũng chưa vội ăn cua đồng vì dễ bị lạnh bụng, rối loạn tiêu hóa.

Người bị tiêu chảy, người bị hen: Cua đồng có tính hàn, lạnh, do đó có thể khiến người đang bệnh lại bị nặng thêm. Những người đang bị ho hen, cảm cúm cũng không được ăn cua.

Người mắc bệnh tim mạch, người bị gút: vì gạch cua có chứa nhiều cholesterol, nhiều sodium và purines, nên người huyết áp cao, bệnh tim mạch, bệnh gút cần hạn chế ăn cua.

Theo suckhoedoisong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://giadinh.suckhoedoisong.vn/song-khoe/tu-vu-nam-sinh-15-tuoi-nguy-kich-vi-bi-soc-phan-ve-do-an-cua-chuyen-gia-khuyen-cao-nhom-nguoi-nay-nen-han-che-20220317122606701.htm

mẹo vặt ăn uống

Tin tức mới nhất