Ăn Tết nhà ngoại: Đừng biến nhà chồng thành nhà trọ

Nhiều em gái trẻ hùng hồn tuyên bố: “Cả năm đã sống ở nhà nội, Tết phải về với nhà ngoại”. Các em có nghĩ đến cảnh trong lúc mình cùng bố mẹ đẻ vui vẻ đón Tết thì bố mẹ chồng sau một năm vất vả phục vụ con cháu lại phải lủi thủi đón giao thừa trong “nhà trọ” của con dâu?

Đời sống hiện đại với guồng quay công việc khiến rất nhiều cô gái trẻ không thể làm dâu theo đúng kiểu truyền thống là chăm lo đầy đủ việc nhà và chăm sóc cha mẹ chồng.

Ở nhiều gia đình, việc nhà hầu hết đổ lên đầu hai “ô sin già” chỉ có làm chứ không có lương: nào đưa đón bọn trẻ đi học, nào chợ búa cơm nước giặt giũ…

Ăn Tết nhà ngoại: Đừng biến nhà chồng thành nhà trọ-1

Con dâu vì quá bận công việc, nhiều khi chỉ rửa được cái bát, cái đũa sau bữa cơm. Mà thậm chí có khi còn chẳng thu xếp được thời gian ăn cơm chung với bố mẹ chồng. Nhà chồng không khác gì nhà trọ, chỉ là chỗ tối về ngủ nghỉ mà thôi.

Ấy vậy mà cứ đến dịp lễ Tết, con dâu lại nhấm nháy con trai đưa cháu về tuốt ông bà ngoại, viện cớ quanh năm đã sống với ông bà nội, giờ ngày tư ngày Tết phải về nhà ngoại để ông bà đỡ quạnh hiu.

Tôi không có ý định phán xét bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Đúng là cũng có nhà đẻ được mỗi một cô con gái, gả chồng cho con rồi nhưng vẫn muốn con về với mình mỗi dịp Tết đến xuân về cho vui cửa vui nhà vì nhà quá neo người.

Cũng có trường hợp nàng dâu không hợp mẹ chồng nên tránh tối đa những dịp sống chung để đỡ gây mất hòa khí trong gia đình, nhất là trong những dịp đầu xuân năm mới.

Nhưng trong thực tế, không hiếm trường hợp cố tình về nhà bố mẹ đẻ thực chất chỉ là trốn trách trách nhiệm của dâu con trong ngày Tết. Bởi về với bố mẹ đẻ thì sẽ được chiều chuộng hơn, thậm chí không phải động tay động chân làm việc nhà, lại không bị đánh giá là lười nhác.

Các em gái trẻ trung năng động hỡi. Tôi không có quyền bảo các em nên ăn Tết ở nhà nội hay nhà ngoại. Tôi chỉ muốn các em thử cố gắng hình dung một bức tranh đón giao thừa khá tương phản: khi các em viên mãn ấm êm trong vòng tay của bố mẹ đẻ thời khắc năm cũ trôi qua và năm mới tới, khi các em nâng ly rượu chúc mừng tân xuân với bố mẹ đẻ của mình, thì ở cái nơi quanh năm chẳng khác gì nhà trọ của các em, lại đang có một ông bố và một bà mẹ già lủi thủi ngồi bên nhau chỉ vì cái tội trót làm “nhà nội”. Phải chăng họ đáng phải trải qua cảnh này sau một năm quần quật chăm lo cho con cháu? Liệu các em có chút nào động lòng?

Kể từ khi làm lễ bái gia tiên khi lấy chồng, các em nên nghĩ nhà chồng thực sự là gia đình của mình và sống có trách nhiệm với gia đình ấy. Rồi các em cũng sẽ có con, và nhiều em cũng sẽ có con trai, sẽ trở thành mẹ chồng. Gieo trái ngọt sẽ hưởng quả lành các em ơi.

Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Tết không chỉ có một ngày. Nhưng riêng giao thừa và mồng một, hãy ở bên nhà nội, để tri ân, để trải lòng, để cùng nhau hướng đến một gia đình thực sự hạnh phúc, an vui. Đấy là cá nhân tôi nghĩ thế.

Tôi tin rằng bố mẹ đẻ của các em sẽ không phật lòng khi con gái, con rể và các cháu đón giao thừa, mồng một ở nhà nội rồi mồng hai, mồng ba sẽ về với nhà ngoại. Cả hai bên nội, ngoại đều viên mãn.

Có thể có em phản biện lại tôi rằng thế thì tại sao lại không thể đổi sang “mồng một Tết ngoại mồng hai Tết nội”, sao cứ phải suy nghĩ cổ hủ và phong kiến theo kiểu nội trước ngoại sau??? Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh rằng tôi không có ý định tranh cãi mà chỉ giãi bày quan điểm của cá nhân mình.

Tôi thực sự coi nhà chồng là một gia đình chứ không phải là một “nhà trọ”. Và mỗi dịp Tết đến xuân về, ở nhà nội, lo việc nhà nội chính là dịp để tôi bày tỏ tấm chân tình của tôi với gia đình mình. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Theo Infonet


Tết Nguyên Đán

Tin tức mới nhất