Ánh nắng mặt trời là một trong những thủ phạm gây lão hóa da, làm tăng nguy cơ ung thư da, vì vậy kem chống nắng là sản phẩm vô cùng quan trọng đối với những người muốn bảo vệ sức khỏe làn da.
Nắng 7 giờ sáng có bị đen da không? (Ảnh: AARP).
Ánh nắng mặt trời cũng là thứ không thể thiếu cho sự sống. Thiếu nó, da sẽ không thể có đủ vitamin D, chất rất cần cho sự phát triển xương. Vì thế, các chuyên gia khuyên nên để da tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên vào lúc sáng sớm để tổng hợp vitamin D cho cơ thể.
Nhưng nắng 7 giờ sáng có làm đen da không? Câu hỏi này được rất nhiều phụ nữ coi trọng làn da trắng sáng đặt ra.
Nắng 7 giờ sáng có làm đen da không?
Câu trả lời là có. Trên thực tế, ánh nắng mặt trời ở thời điểm nào cũng chứa tia cực tím UVA và UVB.
Dù lượng UVA và UVB trong nắng sớm khá thấp nhưng nếu chịu tác động của hai loại tia cực tím này trong thời gian dài và liên tục, da của bạn vẫn bị tối màu, sạm đen. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với ánh nắng trong khoảng thời gian trước 10h và sau 16h sẽ không gây cháy nắng hoặc bỏng rát da.
Dù vậy, bạn đừng vì thế mà chủ quan bởi ở hai khung giờ kể trên, trong ánh nắng ít nhiều vẫn có tia tử ngoại, nếu tiếp xúc trong thời gian quá dài sẽ khiến DNA trong tế bào bị phá vỡ, từ đó gây những hậu quả khôn lường.
Tùy thời điểm mà ánh nắng Mặt trời có cường độ chiếu sáng khác nhau, mức độ ảnh hưởng tới da cũng khác nhau. Dựa theo cường độ chiếu sáng thì từ 10h đến 15h là khoảng thời gian ánh nắng gây đen da nhanh nhất, nên hạn chế ra ngoài, hoặc áp dụng các biện pháp bảo vệ da để tránh tia tử ngoại.
Tia UV có thể dễ dàng xuyên qua lớp quần áo để tấn công da. Vì thế, bên cạnh các vật dụng chống nắng, bạn nên thoa kem chống nắng.
Thường xuyên bôi kem chống nắng để bảo vệ da tốt nhất (Ảnh: Journal).
Lợi ích của ánh nắng lúc sáng sớm
Như trên đã nói, ánh nắng Mặt trời không hoàn toàn gây hại mà rất cần thiết cho cơ thể. Ánh nắng lúc sáng sớm được các nhà khoa học chứng minh là tốt nhất, đem lại các lợi ích sau:
Duy trì xương chắc khỏe
Một trong những cách tốt nhất và dễ nhất để bổ sung vitamin D cho cơ thể chính là ra ngoài và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời buổi sáng.
Cơ thể chúng ta sản xuất vitamin D khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Vitamin D giúp duy trì lượng canxi và ngăn ngừa tình trạng đau nhức xương khớp, xương giòn, mỏng hoặc biến dạng.
Giảm lo âu
Sự gia tăng melatonin trên da do tiếp xúc với ánh nắng buổi sáng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện các chứng lo âu. Mặc dù nghiên cứu mới chỉ là sơ bộ nhưng nó cho thấy, ánh sáng Mặt trời có thể giúp thư giãn tinh thần và giảm các triệu chứng lo âu như thế nào.
Cải thiện tâm trạng
Ánh sáng mặt trời không chỉ cần thiết để tạo ra vitamin D mà còn giúp tăng lượng dopamine và serotonin, hai loại hormone điều chỉnh tâm trạng thiết yếu, được cơ thể sản xuất dưới sự xúc tác của nắng sớm.
Nắng buổi sáng giúp con người cảm thấy sảng khoái. (Ảnh: Deborah King).
Nhiều loại thuốc chống trầm cảm hiện nay hoạt động theo cơ chế khuyến khích cơ thể tăng sản sinh serotonin. Nó cùng với dopamin là hai loại hormone tạo cảm giác dễ chịu mà cơ thể chúng ta tiết ra để phản ứng với những kích thích nhất định.
Các nghiên cứu cho thấy tâm trạng của nhiều người được cải thiện đáng kể sau khi phơi nắng sáng.
Tăng tuổi thọ
Thói quen đi dạo dưới ánh mặt trời buổi sáng có thể tăng tuổi thọ. (Ảnh: Verywell Health).
Trong một nghiên cứu trên 30.000 phụ nữ ở Thụy Điển, các nhà khoa học đo lường tác động của ánh nắng Mặt trời và tuổi thọ.
Họ phát hiện, những người dành nhiều thời gian dưới ánh nắng mặt trời vào buổi sáng có thể tăng tuổi thọ lên đến hai năm so với những người dành ít thời gian bên ngoài.
Theo VTC