"Thợ nữ làm sao xăm đẹp được bằng thợ nam"
Trước khi tới tiệm xăm của Trương Hồng Vân (SN 1996, Hải Phòng), một khách hàng nam của cô được nhiều bạn bè khuyên không nên để thợ nữ xăm hình cho mình.
Nhưng qua tìm hiểu và xem các video cô chủ trẻ tỉ mẩn, cẩn thận đi từng mũi kim trên da của khách, chàng trai vẫn quyết định thử. Anh cho rằng, việc vội vàng phán xét khi chưa trải nghiệm dịch vụ có phần không công bằng với thợ xăm nữ.
Ra về với hình xăm ưng ý do Hồng Vân thực hiện, anh chàng khiến bạn bè bất ngờ. Một số người từng không tin tưởng tay nghề của Vân cũng đặt lịch qua tiệm cô xăm.
Trong 6 năm theo nghề, Hồng Vân từng gặp rất nhiều câu chuyện tương tự. Không chỉ bị nghi ngờ năng lực, cô còn thường xuyên nghe lời phán xét như xăm hình là "giang hồ", "ít học". Đây cũng là điều không ít thợ xăm nữ phải trải qua.
Hồng Vân từng gặp không ít ánh mắt dò xét về nghề nghiệp của mình.
"Học đại học sao lại chọn nghề xăm?"
Hồng Vân từng thi đỗ thủ khoa chuyên ngành Thiết kế, Đại học Mở Hà Nội. Tuy nhiên, vì một số lý do, cô không thể tiếp tục con đường học tập.
Sau khi nghỉ học, cô gái Hải Phòng vô tình biết về nghề xăm và lập tức thấy hứng thú vì từ bé đã yêu thích hội họa, nghệ thuật.
Vân bắt đầu học xăm vào cuối năm 2015 khi ngành này còn khá mới mẻ ở Việt Nam và mạng xã hội chưa phổ biến. Bởi vậy, nhiều người vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm như "hình xăm chỉ dành cho người nghịch ngợm, chơi bời".
Hồng Vân từng nghe nhiều lời dị nghị khi thi đỗ đại học mà theo đuổi nghề xăm hình.
"Tôi là thợ xăm nữ nên lại càng khó để mọi người đón nhận. May mắn là tôi được bố mẹ ủng hộ, tạo động lực tinh thần để tiếp tục theo đuổi nghề", cô nhớ lại.
Tuy nhiên, vì gia đình không có điều kiện kinh tế, Vân phải tự xoay xở để trang trải chi phí học hành, sắm sửa đồ nghề. Ngày nào cô cũng phải đi bán hàng thuê từ sáng sớm, đến trưa ăn qua loa, rồi chiều tranh thủ đi học xăm tới tối muộn.
Nghĩ lại, Vân thấy mình thật sự can đảm, nghị lực và lì lợm theo đuổi đam mê đến cùng, một phần cũng nhờ bạn trai (hiện là chồng) luôn ở bên động viên và hỗ trợ cô.
Năm 2017, Vân dốc hết vốn liếng để mở tiệm riêng tại nhà. Thời gian đầu, cô khá ế khách vì là thợ mới, tiếng tăm chưa có. Thêm vào đó, thấy Vân là phụ nữ, nhiều người cũng sợ tay nghề của cô không thể bằng những thợ xăm nam khác.
Vân đành lấy lỗ làm lãi, làm mẫu tặng hoặc lấy chi phí vừa đủ sắm đồ để xăm cho khách và nhờ mọi người giới thiệu cho nhau. Lúc này, không ít người xung quanh cũng bàn tán, nói ra nói vào rằng: "Học đại học tốt thế sao lại chọn về làm xăm?" hay "Làm nghề này tương lai mù mịt".
"Nghe vậy, tôi khá buồn nhưng bố mẹ ủng hộ vì quan niệm nghề gì cũng quý, miễn là làm bằng sức lao động chân chính. Tôi tự nhủ mình phải cố gắng trau dồi tay nghề, học hỏi kinh nghiệm để xã hội thay đổi cái nhìn về nghề xăm theo hướng tích cực hơn", cô nói.
Được là chính mình
Nữ thợ xăm Vũ Hà Anh (SN 2000, Thái Bình) lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn. Bố mẹ chia tay, cô và em trai kém 2 tuổi ở với mẹ, bố cũng đã có hạnh phúc mới.
Sau một lần khúc mắc với bố, Hà Anh đi xăm dòng chữ "Cho con một lần là con gái nữa" lên tay. Năm ấy, cô mới 14 tuổi. Từ hình xăm đầu tiên, Hà Anh dần đam mê, cô cũng nhận thấy xăm hình không xấu như mọi người nghĩ.
Sau này, vì hoàn cảnh gia đình, Hà Anh không học hết cấp 3, dù từng có 10 năm là học sinh giỏi, nhiều năm làm lớp trưởng. Cô lăn lộn làm thêm đủ nghề để phụ giúp mẹ nuôi em trai ăn học.
Hà Anh phải vượt qua sự phản đối của gia đình cũng như khó khăn kinh tế, lời bàn tán từ người xung quanh để theo đuổi đam mê.
Cuối năm 2021, cơ duyên đưa Hà Anh đến với nghề xăm. Những bước chân đầu tiên đầy khó khăn với cô gái mới chập chững đôi mươi vì không có người thân ở bên hay giúp đỡ.
"Tôi vừa học, vừa làm, vừa phát triển tay nghề cũng như tự lo cuộc sống một mình ở Hà Nội. Em trai là động lực lớn nhất để tôi cố gắng hơn mỗi ngày", cô kể.
Trong nửa năm đầu, Hà Anh học bắt đầu từ dựng hình khối, hình cơ bản đến vẽ lên da giả, tập đi nét, vào màu, đánh bóng, nhìn nhận sáng - tối… Khi tay nghề cứng hơn, cô mới được phép ghi dấu lên da người.
"Mỗi khi cầm máy xăm lên, tôi cảm thấy tự tin hơn và được là chính mình", cô nói.
Theo thời gian, hình xăm trên người Hà Anh ngày càng nhiều, đến nay là khoảng 15 hình. Lời dị nghị dành cho cô gái Thái Bình không ít nhưng cô chỉ tổn thương khi điều đó đến từ người thân như "Con gái xăm trổ nhiều khó lấy chồng", "Thiếu gì nghề mà lại chọn xăm trổ".
Người duy nhất luôn ủng hộ Hà Anh sống đúng với con người mình là em trai. Thậm chí, khi bạn bè của nam sinh chế giễu chị gái xăm nhiều, cậu đứng lên bảo vệ và chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ vì chị làm thợ xăm.
Để gia đình yên tâm hơn, Hà Anh cố gắng trau dồi tay nghề và kiếm được tiền lo cho người thân. Dần dần, những ánh nhìn thiếu thiện cảm dành cho lựa chọn của cô cũng dịu bớt đi.
Mỗi khách hàng là một câu chuyện
Hiện tại, khách hàng đến với Hồng Vân xăm hình có cả nam và nữ, làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như luật sư, bác sĩ, nhân viên văn phòng.
Mỗi người tới lại mang theo câu chuyện của riêng mình, đôi khi cô giúp họ chữa lành những tổn thương trong quá khứ, từ vết sẹo bỏng, sẹo mổ đến vết cắt trên tay… khiến ai ra về cũng vui và tự tin hơn.
Trong đó, câu chuyện khiến Vân không thể nào quên là một cô gái đem theo tấm hình chụp cùng người yêu vừa qua đời vì tai nạn để lưu lại kỷ niệm. Trước đấy, chàng trai cũng từng lui tới tiệm của cô.
Thương xót cho tình yêu đẹp nhưng buồn, Vân xăm tặng cô gái như món quà nhỏ để an ủi tinh thần.
Ở bất kỳ ngành nghề nào, tình trạng phụ nữ bị quấy rối cũng có thể xảy ra, không riêng đối với thợ xăm nữ. Tuy nhiên, Hồng Vân may mắn vì tất cả khách hàng tìm đến cô đều lịch sự và thoải mái.
"Lắng nghe nhiều người, xa lạ và thân quen đều có, tâm sự và chia sẻ về công việc, cuộc sống của họ giúp tôi biết thêm được nhiều thứ mới mẻ, thú vị. Tôi cũng nhận ra những thiếu sót mà bản thân cần phải trau dồi thêm", cô chia sẻ.
Thời gian đầu mới theo nghề, Hà Anh từng nản lòng và muốn từ bỏ vì xăm không đẹp, khách chưa biết tới nên không kiếm ra tiền để lo cho gia đình. Lúc này, người thầy dìu dắt từ đầu và một vị khách gốc Việt ở Mỹ đã động viên, truyền động lực cho cô.
"Tôi nhận ra công việc nào cũng cần thời gian vì khởi đầu bao giờ cũng gian nan. Điều quan trọng là phải tin bản thân làm được thì mới có thể đạt được điều mình muốn", cô nói.
Đến nay, sau 2,5 năm làm nghề, tệp khách hàng của Hà Anh ở nhiều độ tuổi, trải dài từ 18 đến 60, trong đó khoảng 40% là nữ.
Nhờ phát triển trên mạng xã hội, cô được khách hàng từ Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Đức, Anh đặt lịch sang Việt Nam để xăm. Thậm chí, có những vị khách cọc tiền trước cả năm và kiên nhẫn chỉnh sửa bản vẽ tới lần thứ 6 để có hình xăm ưng ý.
Hà Anh may mắn chưa gặp phải trường hợp khách hàng nam có lời nói hay hành vi không lịch sự với mình.
Theo cô, để tránh tình trạng này, các thợ xăm nữ có thể thẳng thắn trao đổi với khách về những giới hạn. Nếu cảm thấy không an toàn, họ hoàn toàn có thể từ chối phục vụ.
Ước mong lớn nhất của Hà Anh trong những năm tới là trở thành thợ xăm có tiếng và giỏi tay nghề, không chỉ để có thể nuôi gia đình, mà còn nhằm chứng minh định kiến thợ nam xăm đẹp hơn thợ nữ hay thợ nữ chỉ thực hiện được những hình nhỏ là không đúng.
"Tôi hy vọng nghề xăm hình ngày càng được nhiều người đón nhận tích cực như những ngành nghề khác để thợ xăm chúng tôi có động lực đóng góp nhiều hơn", cô gái 23 tuổi chia sẻ.
Theo Dân Trí