Đầu năm học, một phụ huynh có con học trường THCS điểm của một tỉnh ở Tây Nguyên cho biết, nhà trường phát động cuộc thi làm lồng đèn để tìm hiểu về Tết Trung thu

Ngay trong buổi họp phụ huynh, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã đưa ra đề nghị trích quỹ mua lồng đèn cho lớp để nộp lên trường dự thi. 

Chị lên tiếng phản đối, không đồng ý với việc "mua sản phẩm để các con dự thi". Người mẹ nói rõ, trường đã triển khai cuộc thi như vậy, cần phải để các con tự làm, tốt xấu gì cũng phải là sản phẩm do chính tay các con thực hiện.  

Bà mẹ chua chát với chiếc lồng đèn cô nhờ phụ huynh giúp-1
Sau đề nghị của cô giáo, lớp nộp lồng đèn do phụ huynh bỏ tiền ra để cho học sinh dự thi (Ảnh: PHCC).

Mục đích thi làm lồng đèn là để các con hiểu về ý nghĩa ngày Tết Trung thu, rèn luyện khả năng sáng tạo, tinh thần làm việc, được thể hiện năng lực của mình... Nếu mua đèn cho các con nộp thì không cần thiết phải tổ chức phong trào cho mất công, lãng phí.

Trường hợp các con không làm được, có nghĩa nhiệm vụ đó quá sức của trẻ. Khi đó, phụ huynh cần đề nghị trường thiết kế phong trào, chương trình phù hợp hơn với học trò. 

Nhiều phụ huynh đồng tình với ý kiến của chị nên việc mua đèn lồng cho con nộp dự thi được gác lại. 

Nhưng sau đó, khi học sinh nộp những chiếc đèn lồng mình tự làm, giáo viên cho rằng việc làm đèn mất thời gian, ảnh hưởng đến việc đi học thêm và sản phẩm chưa tốt để dự thi. Thế là cô lên tiếng "nhờ phụ huynh lớp giúp luôn việc này". 

Những chiếc đèn lồng của học sinh làm bị bỏ lại, thay vào đó, sản phẩm nộp lên dự thi là do phụ huynh bỏ tiền ra mua. 

Người mẹ chua chát, mặn đắng khi những nỗ lực chị lên tiếng trước lớp không có ý nghĩa, lại phải chứng kiến sự việc diễn ra trước mắt như một trò hề. 

Phong trào tổ chức cho học sinh nhưng các con bị tạt thẳng gáo nước lạnh khi không được tin tưởng, bị từ chối và đáng sợ nhất còn phải nhìn thấy sự dối trá khi nhìn sản phẩm đính tên mình thật ra được mua bằng tiền.   

Một hoạt động rất nhỏ của học sinh lại dễ dàng trở thành trò gian lận của người lớn ngay trước mặt những đứa trẻ. 

Đau lòng thay những câu chuyện như vậy không hề cá biệt ngay trong môi trường giáo dục. 

Gần đây nhất đây là sự việc ở Trường THTP Gia Định liên quan đến cáo buộc gian lận tại Cuộc thi Genius Olympiad. Theo đó, một nữ sinh đã lên tiếng "tố" nam sinh khác sao chép đề tài của mình đi dự thi và đoạt giải. 

Bài thi được xác định có gian lận. Kết quả kiểm tra qua một công cụ so sánh văn bản xác định rằng hai tác phẩm có 86% điểm tương đồng.  

Đáng chú ý, cả hai em học sinh này đều được hướng dẫn bởi cùng một giáo viên, cũng là người gợi ý đề tài, nộp đề án dự thi. 

Xin nhắc lại câu chuyện của tiến sĩ Bùi Trân Phượng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen) chia sẻ trong một tọa đàm kể về một sinh viên Việt Nam ưu tú, xuất sắc được xét đi học ở nước ngoài theo chương trình hợp tác giáo dục. 

Kết quả đầu tiên khi sang học ở trường bạn của cô nữ sinh ưu tú ấy là bài luận điểm 1. Lý do là trong bài luận của mình, cô sinh viên sử dụng, sao chép nguyên văn từ nhiều nguồn tài liệu nhưng không ghi trích dẫn.

Cô sinh viên bị sốc. Bởi từ bé, cô đã quen với việc trước khi thi học kỳ hay thi học sinh giỏi, cô giáo luôn làm sẵn những bài văn mẫu, yêu cầu học sinh học thuộc và đến ngày vào thi chỉ việc chép lại.

Đó là "đạo văn", là lấy của người khác thành của mình nhưng được "hợp thức hóa" ngay trong trường học.

Người ta lấy của người khác làm của mình một cách hồn nhiên. Như cô sinh viên ưu tú không biết là mình đang gian dối. 

Hay từ chiếc đèn lồng phụ huynh mua sẵn kể trên, liệu rồi các em sẽ bị quen với sự gian dối từ những việc rất nhỏ cho đến lúc không còn phân biệt nổi thế nào là gian dối?

Bà mẹ chua chát với chiếc lồng đèn cô nhờ phụ huynh giúp-2
Theo GS Hồ Ngọc Đại, giáo dục phải chân thực và coi trọng học trò (Ảnh: Lê Đăng Đạt).

Trong buổi trao đổi mới đây về giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại cho hay, điều quan trọng nhất của giáo dục là coi trọng học sinh. Khi được coi trọng, đứa trẻ lớn lên sẽ có lòng tự trọng. 

Coi trọng học trò là phải để các em tự làm mọi việc, tự thao tác bằng tay, mô tả qua ngôn ngữ và cuối cùng là đi vào đầu đứa trẻ. Người lớn chỉ cung cấp nguyên liệu chứ không được làm thay đứa trẻ. 

Trách nhiệm của giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh là phải đưa đến thông tin cho trẻ một cách chân thực, hiện đại và khoa học. 

Theo Dân Trí