Trước đó, vào tối 7/8, trang Facebook cá nhân tên Trần Khoa đã đăng tải nội dung "bác sĩ Khoa" rút ống thở của mẹ để cứu một sản phụ sắp sinh đôi. Sau đó, một số tài khoản khác đã chia sẻ thông tin này và được lan truyền chóng mặt.
Đến sáng 8/8, các đơn vị chức năng của TP.HCM vào cuộc xác minh và phát hiện câu chuyện đó hoàn toàn không có thật. Những hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội về hai em bé song sinh được cho là con của sản phụ được nhường máy thở là ảnh cũ, được chỉnh sửa từ ảnh gốc chụp tại bệnh viện Từ Dũ từ ngày 21/7.
Ngoài ra, hình ảnh cá nhân trên Facebook "bác sĩ Khoa" thực ra là ảnh của Phó Giáo sư Toh Wei Seong, hiện đang sinh sống tại Singapore.
Câu chuyện bịa đặt đăng tải sai sự thật trên Facebook tên Trần Khoa
Tài khoản giả nhưng sống thật trên mạng
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 9/8 vừa qua, Sở đã làm việc với 2 chủ tài khoản Facebook Nguyễn Đức Hiển và Hoàng Nguyên Vũ, xử phạt mỗi người 5 triệu đồng vì chia sẻ thông tin sai sự thật.
Sáng nay (10/8), ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM nhận định có nhóm hoạt động với sự tham gia của một số tài khoản giả nhưng có tương tác thật, liên quan vụ tin hư cấu về "bác sĩ Khoa" rút ống thở của mẹ cứu sản phụ song thai. Hay nói cách khác, các tài khoản là giả nhưng tương tác là thật.
"Chúng tôi chưa xác định được danh tính người sử dụng tài khoản Facebook Trần Khoa. Tuy nhiên, qua tổng hợp dữ liệu ban đầu, tài khoản này có tham gia một nhóm Facebook, đăng tải nhiều câu chuyện không có thực và có tương tác với nhau", ông Thọ nhận định.
Tài khoản là giả mạo nhưng tương tác là thật
Cũng theo lời ông Thọ, nhóm tự lập ra, có những tài khoản giả mạo tham gia nhưng cố tình tương tác, trao đổi với nhau trong nhóm để thành một tài khoản có thật, sống thật.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Đức Thọ cho biết, tới đây Sở sẽ còn mời những người liên quan lên làm việc về việc đăng thông tin giả "bác sĩ rút ống thở cứu sản phụ". Sở cũng đồng thời phối hợp với Công an để tiếp tục điều tra xem nhóm nào dựng lên tin giả này, xử lý theo quy định.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở TT&TT TP.HCM phối hợp với cơ quan có thẩm quyền như Bộ TT&TT để tổng hợp, xác định việc các tài khoản này có hành vi giả mạo để trục lợi khi dịch bệnh tại TP.HCM.
"Sở TTTT sẽ phối hợp với các ngành để xử lý các thông tin ảnh hưởng đến chính sách của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 hoặc tạo sự hoang mang cho người dân", Lao Động dẫn lời ông Thọ.
Có thể thấy, nếu câu chuyện "bác sĩ Khoa" rút máy thở của mẹ nhường cho thai phụ không bị lật tẩy, sẽ có rất nhiều người bị lừa.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, chị H.G đọc được thông tin trên Facebook "Trần Khoa" và chat với nick này, bàn bạc với nhóm hoạt động thiện nguyện để tặng máy thở cho bệnh viện nơi bác sỹ Khoa công tác. Vừa ngỏ ý xong, tài khoản "Trần Khoa" đã giới thiệu ngay người nhận máy.
Ảnh chụp tin nhắn tài khoản Facebook Trần Khoa nhận quà của nhà hảo tâm sau câu chuyện giả mạo.
Bên cạnh việc tạo dựng tài khoản trên mạng xã hội để đăng tải thông tin sai sự thật và sẵn sàng nhận quà tặng, đến nay còn thấy, tài khoản facebook "Trần Khoa" còn tham gia một group trên mạng gọi là "nhà 82" (nhóm chuyên kêu gọi góp tiền từ thiện).
Đã có rất nhiều người tham gia nhóm và gửi tiền từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, những nhà hảo tâm lại chưa hề gặp bất kể ai trong nhóm này mà chỉ thông qua một người khác.
Hiện tại, mục đích dàn dựng câu chuyện giả mạo về "bác sĩ Khoa" vẫn đang là một ẩn số, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.
HT (t/h)
Theo Vietnamnet