Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa cho biết, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển và mở rộng về phía Đông Nam nên những ngày này nắng nóng mở rộng ra toàn bộ khu vực phía Tây Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên.
Nhiệt độ cao nhất toàn vùng phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 39 độ. Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất từ 35-36 độ.
Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, miền Trung đang trải qua đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè. Ảnh: Phạm Hải
Các địa phương có khả năng xảy ra nhiệt độ cao nhất là khu vực Điện Biên, Lai Châu, Sơn La. Ở Trung Bộ là các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị với nhiệt độ có thể đạt phổ biến 35-38 độ, riêng một số nơi có thể đạt trên 39 độ như Mường La, Sông Mã, Tương Dương, Quỳ Hợp, Tuyên Hóa.
Riêng khu vực Hà Nội, trong các ngày 31/3 và 1/4 có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất từ 35-36 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-16h.
Đợt nắng nóng này ở các tỉnh Bắc và Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 2/4.
Theo ông Hưởng, đây là đợt nắng nóng đầu tiên trong năm 2021 của các tỉnh Bắc và Trung Bộ. So với năm trước, nắng nóng ở Trung Bộ xảy ra muộn hơn (từ ngày 8-9/3/2020).
Mùa hè năm nay, nắng nóng không khắc nghiệt
Ông Hưởng cũng thông tin, nhiệt độ trung bình trong các tháng 4-5 trên cả nước phổ biến xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Riêng khu vực Bắc và Trung Trung Bộ trong tháng 4, nhiệt độ thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 0,5-1 độ C.
Từ tháng 6-12, nhiệt độ trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ năm trước. Do vậy, nắng nóng trong mùa hè tại khu vực Bắc và Trung Bộ không gay gắt và kéo dài như năm 2020.
Trong tháng 4 tới, ngoại trừ đợt nắng nóng nêu trên thì chỉ xuất hiện khoảng 1-2 đợt và tập trung ở các tỉnh phía tây Bắc Bộ và vùng núi phía tây Bắc Trung Bộ, nhưng cũng không kéo dài, mỗi đợt xảy ra khoảng 2-4 ngày, và không quá gay gắt, ông Hưởng nói.
Thông tin về tình trạng xâm nhập mặn ở Trung Bộ, Nam Bộ, ông Hưởng cho biết, từ sau tháng 3, xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao; ở các sông Vàm Cỏ tiếp tục tăng cao trong các đợt từ 9-14/4, 24-30/4; trên sông Cái Lớn tăng cao trong các đợt từ 31/3-7/4, 15-24/4.
Từ tháng 5, xâm nhập mặn ở ĐBSCL giảm dần.
Trong tháng 4, 5 nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, sau đó mở rộng ra các tỉnh khác ở Trung Bộ. Tình trạng khô hạn cục bộ xảy ra gay gắt hơn tại những nơi ở xa vùng cấp nước của công trình thủy lợi.
Theo Vietnamnet