Bài học chống dịch 'xương máu' của châu Âu: Chỉ vaccine vẫn chưa đủ

Dù đã đạt mức tiêm chủng cao, nhưng hiện nay "ván cược vaccine" đang khiến một loạt quốc gia châu Âu chao đảo và vội vàng tái phong tỏa toàn quốc.

Bài học chống dịch xương máu của châu Âu: Chỉ vaccine vẫn chưa đủ-1
Các nhân viên y tế tại bệnh viện Munchen Klinik Schwabing chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 trong phòng điều trị tích cực ở Munich, Đức ngày 12/11 (Ảnh: Reuters).

Sau thành công của chiến dịch tiêm chủng trong nửa đầu năm nay, lãnh đạo các nước trong khu vực đã công bố dỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại, mở cửa tiếp nhận khách du lịch và ca ngợi trạng thái bình thường mới sau một cơn ác mộng kéo dài.

Tuy nhiên, "niềm vui ở lại chưa lâu" khi số lượng các ca nhiễm tiếp tục được ghi nhận ở mức cao kỷ lục. Câu hỏi được đặt ra là: "Chỉ vacccine thôi có thực sự hiệu quả"?

Mặc dù là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất châu Âu (89,1% người trên 12 tuổi và 3/4 dân số đã được tiêm chủng), vào đầu tuần này, Ireland đã phải áp dụng trở lại lệnh giới nghiêm nửa đêm với các khách sạn, quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng vọt.

Tương tự, chính phủ Bồ Đào Nha cũng đang cân nhắc ban hành các biện pháp mới trong bối cảnh tình trạng lây nhiễm đang tăng dần lên dù 87% dân số được tiêm chủng.

Những tuần gần đây, số liệu ca nhiễm tăng đột biến tại Đức và Áo đã gióng một hồi chuông cảnh báo về sự chủ quan vào thành tựu của chiến dịch tiêm chủng.

Áo sẽ bắt đầu lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 22/11, chỉ vài ngày sau khi nước này áp đặt lệnh cấm vận đối với những người chưa được tiêm vaccine.

Nhìn chung, vaccine vẫn đang hoạt động rất tốt. Tuy nhiên thực tế hiện nay lại đưa đến một đáp án khác, bởi ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao cũng không đủ để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Biến chủng Delta nguy hiểm

Bài học chống dịch xương máu của châu Âu: Chỉ vaccine vẫn chưa đủ-2
Nhân viên kiểm tra thẻ xanh y tế của khách hàng tại một quán cafe ở Paris, Pháp (Ảnh: New York Times).

Theo Sam McConkey, người đứng đầu khoa Y tế Quốc tế và Y học Nhiệt đới tại Đại học Y khoa và Khoa học Sức khỏe (RCSI) ở Dublin (Ireland), với khả năng lây nhiễm của biến chủng Delta hiện nay, không quốc gia nào có thể thực sự coi mình là "đã đạt mức tiêm chủng cao".

Mặc dù giáo sư ngành miễn dịch học Charles Bangham của trường Imperial College, London cho rằng vaccine "tiếp tục cung cấp khả năng bảo vệ rất tốt, bao gồm khả năng miễn dịch chống lại bệnh nặng và tử vong", tuy nhiên, "biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn rất nhiều" và "thực tế một số quốc gia đang nới lỏng việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa".

Hôm 18/11, Đức ghi nhận hơn 65.000 ca mắc Covid-19 mới trong ngày và Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel gọi tình hình của đất nước là "thảm kịch".

Không chỉ các quốc gia ở Trung và Đông Âu đang phải hứng chịu làn sóng dịch bệnh mới mà cả các quốc gia giàu có ở Tây Âu cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề và một lần nữa phải áp đặt các lệnh hạn chế.

Slovakia, đất nước với tỷ lệ tiêm chủng thấp (mới chỉ có 45,3% trong tổng số 5,5 triệu dân số được tiêm chủng đầy đủ), đã ghi nhận thêm 8.342 trường hợp nhiễm bệnh vào ngày 16/11.

Cộng đồng "Zero vaccine"

Bài học chống dịch xương máu của châu Âu: Chỉ vaccine vẫn chưa đủ-3
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 tại phòng điều trị tích cực trong bệnh viện ở Maastricht, Hà Lan ngày 10/11 (Ảnh: Reuters).

Ngày 17/11, Phó Thủ tướng Ireland Leo Varadkar nói rằng những người chưa tiêm vaccine đang "gây ra rất nhiều rắc rối" và Ireland "sẽ không áp đặt những hạn chế như hiện tại" nếu tất cả mọi người đều được tiêm chủng.

Ông Varadkar cho biết, khoảng 50% bệnh nhân đang phải điều trị tích cực ở Ireland hiện chưa được tiêm chủng. Do vậy, hiện nay Ireland vẫn có khoảng 1 triệu người trên tổng số 5 triệu dân chưa chưa được bảo vệ.

Các bộ trưởng Đức cũng đang kêu gọi nhiều người dân hưởng ứng tiêm vaccine hơn và bắt đầu ban hành những hạn chế đối với nhóm người chưa tiêm chủng bằng cách yêu cầu giấy chứng nhận tiêm chủng tại một số địa điểm công cộng, bên cạnh tăng cường các kế hoạch ứng phó với Covid-19.

Bắt đầu từ ngày 22/11, Slovakia sẽ cấm những người chưa được tiêm chủng đến tất cả cửa hàng và trung tâm mua sắm nếu không cần thiết. Họ cũng sẽ không được phép tham dự bất kỳ sự kiện tụ tập đông người nào và sẽ phải xét nghiệm 2 lần một tuần.

Hy Lạp cũng đang có chính sách hướng đến nhóm người chưa được tiêm chủng. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đã công bố một loạt hạn chế mới vào ngày 18/11 đối với những người chưa tiêm vaccine.

Họ không được tham gia các địa điểm công cộng bao gồm quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng và phòng tập thể dục ngay cả đã xét nghiệm âm tính.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định những nỗ lực đó là quá muộn, bởi theo giáo sư Reintjes, "trong thời gian ngắn không thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng có khả năng ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới".

Theo các chuyên gia, nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng cũng có thể trở thành nguồn lây nhiễm. Ông McConkey cho biết "khoảng 10% dân số trên 12 tuổi vẫn chưa được tiêm chủng và chúng ta đang chứng kiến một làn sóng dịch bệnh ở nhóm người đó".

Khả năng miễn dịch của vaccine suy giảm

Bài học chống dịch xương máu của châu Âu: Chỉ vaccine vẫn chưa đủ-4
Người dân xếp hàng chờ trước xe buýt tiêm chủng tại Vienna ngày 18/11 khi chính phủ Áo áp lệnh cấm đối với những người chưa tiêm vaccine đầy đủ (Ảnh: Reuters).

Việc triển khai tiêm vaccine của châu Âu đã tăng tốc nhanh chóng trong những tháng đầu năm 2021, tuy nhiên hiệu quả miễn dịch bị suy giảm đặt ra thách thức lớn với các quốc gia.

Hai nghiên cứu được công bố vào tháng trước đã xác nhận khả năng miễn dịch của 2 mũi tiêm Pfizer bắt đầu giảm sau 2 tháng hoặc lâu hơn, mặc dù khả năng bảo vệ chống lại các ca bệnh nặng và tử vong vẫn còn mạnh.

Các nghiên cứu cho thấy kết quả tương tự đối với các loại vaccine khác đang được sử dụng tại châu Âu là AstraZeneca và Moderna.

Theo giáo sư Tobias Kurth khoa Sức khỏe cộng đồng và dịch tễ học, đồng thời là Giám đốc của Viện Y tế Công cộng tại Bệnh viện Đại học Charité ở Berlin: "Phản ứng miễn dịch của những người được tiêm chủng đang giảm sau một khoảng thời gian nhất định.

Trong chiến dịch tiêm chủng ở Đức vào đầu năm nay, chúng tôi nhận thấy một số nhóm tuổi và một số người mất khả năng miễn dịch nhanh chóng đối với Covid-19".

Israel đã tiến hành nghiên cứu trên 4.800 nhân viên y tế và cho thấy mức độ kháng thể của họ giảm nhanh chóng mặc dù đã tiêm hai liều vaccine, đặc biệt là ở nam giới, những người từ 65 tuổi trở lên và những người bị ức chế miễn dịch.

Kết quả tương tự với nghiên cứu ở Qatar khi khả năng bảo vệ của 2 mũi Pfizer chỉ đạt cao nhất trong tháng đầu tiên, còn sau đó sẽ bắt đầu suy yếu.

Những phát hiện trên khiến cho tình trạng hiện nay ở châu Âu càng thêm cấp bách và chiến dịch triển khai các mũi tăng cường đang được các lãnh đạo đặc biệt quan tâm.

Duy trì các biện pháp phòng ngừa

Bài học chống dịch xương máu của châu Âu: Chỉ vaccine vẫn chưa đủ-5
Sinh viên tự xét nghiệm Covid-19 trước khi bắt đầu giờ học tại Dresden, Đức ngày 18/11 (Ảnh: Reuters).

Bất kể tỷ lệ tiêm chủng của một quốc gia có ấn tượng đến đâu, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh rằng chỉ riêng vaccine không thể ngăn chặn được hoàn toàn dịch bệnh.

Do các lệnh hạn chế khác nhau giữa các quốc gia và việc tuân thủ các lệnh này cũng không đồng nhất đã đem đến những kết quả khác biệt. Điều này có nghĩa là ngay cả những quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như Ireland cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong làn sóng dịch bệnh mới.

Tuy nhiên, tình trạng đó lại không xảy ra ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hai quốc gia với tỷ lệ tiêm chủng lần lượt là 80% và 87% trên tổng dân số mặc dù trong những tháng gần đây, chính phủ hai nước cũng tiến hành nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội.

Theo giáo sư Ana M Garcia, khoa Y tế Dự phòng và Y tế Công cộng tại Đại học Valencia, điểm mấu chốt chính là: "Người Tây Ban Nha rất tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, chủ yếu là sử dụng khẩu trang và đảm bảo khoảng cách tiếp xúc".

Dù đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng bán đảo Iberia vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp một cách thận trọng.

Ở Bồ Đào Nha, quy định đeo khẩu trang vẫn bắt buộc khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng. Ngày 16/11, Thủ tướng Antonio Costa đã cảnh báo rằng các biện pháp hạn chế có thể quay trở lại nếu các ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng.

Đặc biệt trong mùa đông tới, mọi người ở trong nhà nhiều hơn và theo giáo sư Reintjes "mùa đông là thời cơ tốt nhất để virus lây lan". Do vậy, thay vì chỉ cố gắng đạt tỷ lệ tiêm chủng để ngăn Covid-19, việc tuân theo các biện pháp phòng chống dịch là bước đi hiệu quả làm giảm thiểu tác động nghiêm trọng của làn sóng dịch bệnh hiện nay.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/the-gioi/bai-hoc-chong-dich-xuong-mau-cua-chau-au-chi-vaccine-la-chua-du-20211121233852181.htm

SARS-CoV-2 COVID-19

Tin tức mới nhất