Bạn biết những sự thật gì về biểu tượng 'bông hoa tím' gây tranh cãi Facebook?

"Tất tần tật" những gì bạn cần biết về biểu tượng bông hoa tím mà Facebook mới cập nhật thời gian gần đây.

Loài hoa thạch thảo xuất hiện từ rất lâu, cũng là loài hoa được nhiều người yêu mến. Nhưng mới đây, nhờ Facebook cập nhật thêm biểu tượng được cho là hình bông hoa thạch thảo, thông tin về loài hoa này bỗng trở nên "nóng rẫy".


Hoa thạch thảo thường có 4 màu.

Hoa thạch thảo

Hoa thạch thảo còn được gọi là cúc cánh mối (vì cánh hoa mỏng nhẹ như cánh con mối), hay cúc Nhật. Tên tiếng Anh là European Michaelmas Daisy, tiếng Pháp là Oeil de Christ.

Theo tìm hiểu, tên gọi thạch thảo trong tiếng Việt được cho là ảnh hưởng từ cách dịch của Bùi Giáng trong bài thơ L'adieu của Guillaume Apollinaire. (Anh đã hái nhành hoa thạch thảo), viết dựa trên truyền thuyết hoa thạch thảo, sau đó được cố nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài Mùa thu chết.

Hoa thạch thảo có nguồn gốc từ nước Ý và thường có bốn màu là tím, hồng, trắng, xanh. Thạch thảo màu hồng tượng trưng cho may mắn. Thạch thảo trắng tượng trưng cho sự che chở, mong mỏi, nhớ nhung. Thạch thảo xanh là nỗi cô đơn, sự hâm mộ thán phục. Và thạch thảo tím biểu tượng cho tín ngưỡng và sự thiêng liêng.

Thạch thảo là loài hoa có bề ngoài mỏng manh nhưng bên trong lại mạnh mẽ, phi thường hoàn toàn khác biệt. Thạch thảo ít bệnh tật, ưa ánh sáng nhưng vẫn có thể phát triển trong điều kiện khắc nghiệt. Loài hoa này cũng là một trong số ít loại cây có thể phát triển khi đất bị ngập úng, đồng thời vẫn có thể chịu hạn rất tốt.


Hoa thạch thảo là loài hoa có vẻ đẹp riêng biệt.

 

Điều mang ý nghĩa đặc biệt cho loài hoa này đó là thời điểm hoa thạch thảo nở rộ lại chính là thời điểm những loài hoa khác tàn lụi. Nó biểu thị cá tính, sự khác biệt, sự chín chắn nhưng cũng là nỗi cô đơn, lẻ loi đến não nề.

Truyền thuyết hoa thạch thảo

Truyền thuyết kể về mối tình của đôi trai gái tên Ami và Edible ở một vùng ngoại ô. Hai người sống và lớn lên bên nhau từ thuở bé. Edible là chàng trai khôi ngô tuấn tú, được bao cô gái trong làng yêu mến nhưng anh lại chỉ để ý đến cô gái có đôi môi hồng xinh tên Ami.

Điều trớ trêu thay, nàng Ami chỉ đồng ý lấy người có thể thỏa mãn yêu cầu đem về cho cô một bông hoa lạ mà nàng yêu thích.

Trên đường Ami đi hái nấm và Edible săn bắn trở về, Ami bắt gặp một bông hoa nàng thích. Vì muốn lấy Ami làm vợ, Edible leo lên vách đá cheo leo để hái hoa, nhưng không may sau khi thả bông hoa xuống cho Ami, Edible trượt chân và bỏ mạng tại nơi đây.

Trước khi ra đi, Edible nở một nụ cười mãn nguyện và nói với Ami "xin đừng quên tôi". Để tưởng nhớ chàng trai, Ami hàng ngày lặng lẽ chăm sóc bụi hoa tím, cho đến một ngày cô chìm dần vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ sâu, Ami và Edible gặp lại và bên nhau mãi mãi.

Cũng từ truyền thuyết này, một số người cho rằng loài hoa thạch thảo là loài hoa dùng để tưởng niệm những người đã khuất.



Nhiều bạn trẻ luôn chọn thạch thảo là hoa để lưu lại kỷ niệm đẹp.


Thạch thảo tượng trưng cho một tình yêu nhẹ nhàng và bình dị. Trong tình yêu ấy, tình cảm đong đầy và luôn ẩn hiện đôi mắt dõi theo nhau, lời hứa hẹn sẽ không bao giờ quên, và mãi mãi đi cùng nhau trên những sóng gió, gập ghềnh, ...

Sau câu chuyện về sự nhớ mong và thiêng liêng trong tình yêu giữa Ami và Edible, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn loài hoa này để lưu giữ những kỷ niệm đẹp khi bên nhau.

Tranh cãi xung quanh biểu tượng bông hoa của Facebook
 


Mục biểu tượng cảm xúc trên Facebook.
 

Biểu tượng bông hoa thạch thảo được Facebook cập nhật trong phần thả biểu tượng cảm xúc Reaction với ý nghĩa "Biết ơn" - Thankful, bên cạnh những biểu tượng cảm xúc cũ: thích, yêu, phẫn nộ, buồn, vui.

Nút biểu tượng khá bắt mắt, lại mới được Facebook cập nhật, chỉ nói riêng về tên gọi "biết ơn" mà Facebook đặt cho biểu tượng này cũng đã khiến các Facebooker "điên đảo". Tuy nhiên cũng từ đó, những lùm xùm quanh biểu tượng tôn kính này đã xuất hiện.
 


Một ý nghĩa khác của loài hoa này là tưởng niệm những người đã khuất, người đơn giản thì sử dụng nó thay lời cảm ơn, người sâu sắc hơn thì lấy nó thay lời "nguyền rủa". Tuy nhiên rất nhiều trong số đó không biết ý nghĩa thực sự mà Facebook muốn gửi gắm là gì.
 


Bông hoa tím gây tranh cãi.


Năm ngoái 2016, biểu tượng bông hoa tím này từng xuất hiện 1 lần, cũng trong Ngày của mẹ. Năm nay, nhân dịp Ngày của mẹ (14/5), Facebook đã thêm lại biểu tượng "biết ơn" trong phần Reaction nhằm giúp người dùng có thể bày tỏ lòng biết ơn đối với đấng sinh thành.

Đại diện Facebook cũng xác nhận: "Chúng tôi muốn đưa nút Reaction mới với đóa hoa tím nhằm tôn vinh ngày của mẹ".

Và đây là lý do tại sao Facebook chọn loại hoa thạch thảo, và chọn hoa màu tím chứ không phải những màu khác. Tuy nhiên biểu tượng bông hoa tím này chỉ xuất hiện một vài ngày gần Ngày của mẹ và sau đó sẽ biến mất.
 

Châm Phạm
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/ban-biet-nhung-su-that-gi-ve-bieu-tuong-bong-hoa-tim-gay-tranh-cai-facebook-n-119314.html

ý nghĩa ngày của mẹ ngày của mẹ truyền thuyết Facebook

Tin tức mới nhất