Trần Quốc Anh (26 tuổi) tập làm quen với cảm giác tủi thân khi phải đi làm vào ngày Tết. Bởi năm nay là năm thứ 5 anh làm việc xuyên Tết. Quốc Anh hiện đang làm việc tại một khách sạn ở thành phố Hà Tĩnh.
Trần Quốc Anh chia sẻ rằng, làm việc xuyên Tết giúp anh có mức thu nhập gấp 3 lần (Ảnh: NVCC).
Chàng trai trẻ tâm sự: "Những năm đầu tiên khi đi làm ngày Tết thì mình cũng cảm thấy buồn nhiều, nhưng rồi dần dần mình học cách làm quen với cảm giác đó.
Mỗi ngành nghề có đặc thù riêng, và với ngành dịch vụ mà mình theo đuổi thì làm việc ngày Lễ không còn là điều hiếm thấy. Công việc của mình vào ngày Tết chủ yếu là phục vụ các khách lưu trú đi chơi Xuân, sử dụng các dịch vụ ăn uống tại khách sạn.
Chỗ làm việc của mình có chế độ ưu tiên nhân viên ở xa nên số lượng người ở lại làm xuyên Tết cũng không nhiều. Mỗi ca trực thường sẽ bắt đầu từ 5h45 sáng cho đến 10 giờ tối. Có những năm thì thời gian trực kéo dài hơn, khi hết ca cũng đã đến giao thừa rồi.
Thu nhập cho những ngày làm việc này cũng ổn hơn, với mức lương được nhân 3 lần, thêm các khoản lì xì và có các ngày nghỉ bù khi kỳ nghỉ Tết kết thúc nữa. Mình sẽ gửi tiền về biếu bố mẹ, rồi tập trung hoàn thành tốt công việc và lại tiếp tục hy vọng về những mốc thành công khác trong năm mới.
Dù làm việc ngày Tết không được ở cạnh gia đình nhưng mình sẽ tranh thủ những ngày đầu năm để về thăm nhà. Gia đình luôn ở phía sau động viên vì đây là công việc mà mình đã lựa chọn. Đó cũng chính là động lực để mình cố gắng thật nhiều".
Trần Thế Nghĩa (23 tuổi, Tuyên Quang) cũng chọn làm việc xuyên Tết nhưng với hình thức trực tuyến. Theo chia sẻ của chàng trai này, vì khối lượng công việc vào cuối năm khá nhiều nên anh đành "ôm" việc về nhà dù Tết đã đến.
Thế Nghĩa làm việc ngày Tết với tâm lý khá thoải mái vì công ty anh cho phép làm việc từ xa (Ảnh: NVCC).
Thế Nghĩa kể: "Mình đang làm vị trí Content Marketing tại Hà Nội, nhưng khi Tết đến mình vẫn bận chạy bài cho các dự án còn dang dở, viết các bài trên website và xây dựng định hướng truyền thông cho dự án trong năm mới… Khối lượng công việc khá nhiều nên mình chấp nhận làm online để hoàn thành mọi thứ thật tốt.
Deadline khá dày và làm việc với hình thức trực tuyến có thể gặp nhiều trở ngại khi trao đổi, nhất là vào dịp Tết nhưng bản thân mình vẫn phải cố gắng vì đó là công việc của mình. Hơn thế nữa, làm việc chăm chỉ thì cũng nhận về mức thu nhập nhận xứng đáng với công sức.
Mặc dù vẫn cảm thấy có chút buồn khi thời gian nghỉ Tết ngắn hơn thời sinh viên, nhưng vì đây là công việc mình yêu thích nên mình giữ tâm thế khá thoải mái, không quá nặng nề".
Thanh Thảo (25 tuổi, Nghệ An) quyết định ở lại TPHCM để làm thêm trong đợt Tết Nguyên đán vì đã lỡ chi tiêu quá đà số tiền tiết kiệm. Bởi nếu về quê, cô sẽ không có đủ tài chính.
Làm việc ngày Tết cũng là một trải nghiệm giúp bạn trẻ trưởng thành và trân quý quãng thời gian ở bên cạnh gia đình hơn (Ảnh: Shutterstock).
"Mình đã không tính toán dự trù cẩn thận nên cuối năm rỗng ví. Mình bị sa đà vào các đợt giảm giá, rồi chuyến du lịch cùng hội bạn cũng tiêu tốn một khoản kha khá. Hơn nữa, mình cũng trải qua một đợt nằm viện, phải nghỉ làm nên thu nhập bị hạn chế.
Mình dự định sẽ xin việc làm thêm tại quán cà phê mở xuyên Tết để kiếm thêm thu nhập. Mình cũng gọi điện về cho bố mẹ và nói rằng Tết này sẽ vắng nhà, dù buồn nhưng không còn lựa chọn nào khác.
Mình hy vọng rằng trong năm mới, khi đã có một khoản tiền, mình sẽ về quê để thăm gia đình, bù đắp lại khoảng thời gian Tết không có mặt ở nhà.
Thế nên, đây cũng là bài học về kế hoạch chi tiêu cho mình vào năm mới này. Khi làm bất cứ điều gì cũng cần có sự dự trù và tiết kiệm một khoản cho những điều không may xảy đến bất ngờ".
Theo Dân Trí