Bánh cao sằng là một món ăn đường phố độc đáo ở Lạng Sơn, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Dù được làm từ những nguyên liệu đơn giản nhưng lại mang hương vị đặc trưng và trở thành món ăn vặt ưa thích của người dân địa phương và du khách.

Bánh cao sằng nghe lạ tai nhưng là đặc sản độc đáo của người dân xứ Lạng-1
Ảnh: Internet

Theo tiếng địa phương, “cao” là bánh còn “sằng” là tầng, xếp các tầng bột lên cho thật dày. Cao sằng có nghĩa là bánh nhiều tầng. Bánh được làm từ gạo tẻ, có độ dày gấp 10 lần so với bánh phở thông thường.

Cao sằng là một sự kết hợp giữa ẩm thực Trung Quốc và Việt Nam. Theo một số thông tin, ban đầu, món này được người Hoa mang đến Lạng Sơn trong quá trình giao thương, sau đó bánh đã được chế biến phù hợp với khẩu vị của người Việt.

Bánh cao sằng nghe lạ tai nhưng là đặc sản độc đáo của người dân xứ Lạng-2
Ảnh: Internet

Bánh cao sằng là một món ăn bình dân vì nguyên liệu chế biến khá đơn giản, gồm gạo tẻ, thịt lợn và hành khô. Gạo tẻ được ngâm qua đêm, sau đó được xay nhuyễn và nhào thành bột. Phần bột tiếp tục được đem hấp cách thủy khoảng 40 phút cho đến khi chín thành khối. Bánh cao sằng khi chín có màu mật ong trong suốt, mềm, dẻo, dai.

Bánh cao sằng nghe lạ tai nhưng là đặc sản độc đáo của người dân xứ Lạng-3
Ảnh: Internet

Phần nhân của bánh được làm từ thịt lợn băm nhỏ và hành khô. Thịt và hành khô sau khi xào chín sẽ được phết lên trên mặt bánh, mang lại một mùi vị đậm đà hơn. Bánh sau đó được cắt thành từng miếng hình chữ nhật vừa ăn, đặt vào trong bát nhỏ và thêm phần nhân thịt. Khi ăn, người ta thường kèm theo nước giấm pha đường, ớt, mắm rươi để rưới lên mặt bánh.

Bánh cao sằng nghe lạ tai nhưng là đặc sản độc đáo của người dân xứ Lạng-4
Ảnh: Internet

Bánh cao sằng với độ mềm mịn hòa quyện cùng thịt xào thơm ngọt, lạc rang bùi bùi và hương vị chua ngọt của nước chấm tạo thành một sự kết hợp hoàn hảo. Đây là một lựa chọn tuyệt vời để thỏa mãn bụng đói vào buổi chiều, đồng thời là một món ăn thú vị để trải nghiệm khi đến Lạng Sơn.

Theo VTC