Thể loại: Lãng mạn, hài hước
Đạo diễn: Nguyễn Thành Vinh
Diễn viên chính: Thúy Vân, Đàm Phương Linh, Anh Tú và Đình Quân
Đánh giá: 4/10
Chuyện phim Bao giờ hết ế xoay quanh nữ doanh nhân thành đạt có tên Thiên Kim (Thúy Vân). Ở tuổi 30, cô chẳng thể tìm nổi một tấm chồng bởi lời nguyền “sát phu” của gia tộc. Không những thế, nhân vật còn bị tay người yêu Johnny (Anh Tú) lừa dối và trộm hết sạch tài sản sau một đêm mặn nồng.
Trước sức ép từ phía gia đình, Thiên Kim đành tìm đến Hòa (Đình Quân) - một chàng tài xế đang thiếu tiền chữa bệnh hiểm nghèo cho mẹ - để nhờ anh đóng giả làm bạn trai.
Một bản hợp đồng tình yêu nhanh chóng được phác thảo, và tiếp sau đó là hàng loạt tình huống tréo ngoe.
Câu chuyện tình yêu thiếu cảm xúc
Đề tài “hợp đồng tình yêu” không còn quá xa lạ với khán giả trên màn ảnh rộng. Mới đây, Tìm vợ cho bà với sự góp mặt của S.T Sơn Thạch và Jang Mi cũng chọn lấy mô-típ quen thuộc đó, nhưng thất bại trong việc chinh phục khán giả. Đáng tiếc thay, Bao giờ hết ế cũng không khá khẩm hơn.
Với những tác phẩm điện ảnh chọn đề tài “hợp đồng tình yêu”, việc thể hiện cá tính của từng nhân vật ở đầu phim rất quan trọng. Song, Bao giờ hết ế đã bỏ qua hoàn toàn điều đó.
Người xem chỉ biết đến Thiên Kim và Hòa qua một vài phân cảnh và lời dẫn truyện ngắn ngủi. Từ đây, tính cách cũng như quá trình nảy sinh tình cảm giữa hai nhân vật trở nên mông lung, thiếu nhất quán xuyên suốt thời lượng bộ phim.
Chọn mô-típ "hợp đồng tình yêu", nhưng "Bao giờ hết ế" không lột tả rõ tính cách đôi nhân vật chính ở đầu phim.
Nếu như trong Tìm vợ cho bà cách đây ít lâu, Long (S.T Sơn Thạch) tổ chức hẳn một buổi “thử vai” để tìm người phù hợp cho “vai diễn bạn gái”, thì Thiên Kim của Bao giờ hết ế bèn chọn ngay anh chàng tài xế taxi dù họ chỉ mới đi chung xe đúng một lần.
Sau lần ra mắt gia đình thành công, Thiên Kim là người chỉ cho Hòa cách nói dối rằng anh sắp về Dubai để nhanh chóng kết thúc hợp đồng. Song, chỉ ít lâu sau, cô lại đi tìm đến tận nhà và tự nhận là bạn gái của anh. Và nữ doanh nhân giàu có bỗng nhiên hòa nhập với cuộc sống của xóm lao động nghèo khó một cách đầy khó hiểu.
Từ những kẻ xa lạ, bộ đôi nhanh chóng nảy sinh tình cảm mà chẳng có tình tiết nào đáng giá. Mới bị bạn trai phản bội, Thiên Kim dễ dàng cởi mở với người mà cô mới quen được ít ngày. Chuyện cả hai phải lòng nhau chẳng khác nào “câu chuyện cổ tích thời hiện đại”.
"Chàng" tỏ ra nhạt nhòa hơn "nàng" rất nhiều.
Nếu như hình tượng người phụ nữ xinh đẹp và thành đạt của Thiên Kim không mới, thì anh chàng tài xế taxi Hòa lại tỏ ra quá nhạt nhòa. Sự lệch pha khiến trường đoạn cả hai cùng nhau đi chơi hoặc chia sẻ kỷ niệm ở vùng quê bị gượng ép.
Ngay cả lời nguyền “sát phu” của gia đình Thiên Kim - chi tiết then chốt của câu chuyện - cũng không được giải quyết rốt ráo. Cho tới cuối tác phẩm, việc gia đình cô bị ám ra sao, cần lời hóa giải như thế nào, vẫn chưa hề được giải đáp.
Khán giả cứ thế chỉ biết nghe theo lời giải thích từ nhân vật dù chúng chẳng hề hợp lý. Nếu chỉ cần tình yêu thật lòng để phá vỡ lời nguyền thì tại sao gia đình cô gái lại chứng kiến bốn thế hệ làm góa phụ?
Cốt truyện chắp vá và nhiều phi lý
Bao giờ hết ế có thời lượng ngắn, với phần nhịp phim khá dồn dập. Song, thay vì tập trung vào phát triển câu chuyện tình yêu của hai nhân vật chính, tác phẩm lại sa đà vào vô số tình huống không liên quan khiến tổng thể câu chuyện trở nên rời rạc.
Dàn “phản diện” trong phim gần như không nắm giữ bất cứ vai trò gì ngoại trừ tấu hài, dù họ chiếm không ít thời lượng. Sự xuất hiện của Hồng Thanh, Phát La... trong những vai phụ “vô thưởng vô phạt” chỉ càng khiến câu chuyện trở nên rối rắm. Thậm chí, nhân vật Johnny hay cô bạn thân Liễu (Đàm Phương Linh) cũng có thể cắt bỏ mà không gây ảnh hưởng tới nội dung.
Cách xây dựng và giải quyết mâu thuẫn trong phim ngây ngô tới mức khó tin. Người xem gần như phải “chạy đua” với các nhân vật để có thể hiểu chuyện gì đang diễn ra. Chẳng hiểu sao nhân vật của Anh Tú là một ca sĩ nổi tiếng mà người thân của anh lại chẳng hề hay biết. Hay nhóm giang hồ đòi nợ lại dễ tin vào lời nguyền để dẫn tới phần cao trào và cái kết quá ư phi lý.
Nhiều tình huống khiên cưỡng xuất hiện xuyên suốt tác phẩm.
Mảng hài của Bao giờ hết ế thì được dàn dựng theo phong cách cũ kỹ, ồn ào. Chuyện lợi dụng “giới tính thứ ba” để câu tiếng cười bị vô duyên và phản cảm. Thậm chí, chi tiết Thiên Kim và Hòa bị phục thuốc và nhốt chung với nhau gần như sao chép từ… tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung.
Xét về diễn xuất, chẳng ai trong dàn diễn viên làm tốt vai trò của mình. Đình Quân có vai diễn điện ảnh đầu tay thuộc dạng “thảm họa” khi không thể hiện nổi bất cứ cảm xúc nào của nhân vật. Anh gần như chỉ có một nét mặt trong mọi tình huống. Á hậu Thúy Vân tuy khá hơn một chút nhưng vẫn tỏ ra đuối sức trong các phân đoạn đòi hỏi diễn xuất nội tâm.
Dàn diễn viên phụ như NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thanh Hằng hay NSƯT Thoại Mỹ xuất hiện một cách nhạt nhòa, một phần bởi vai trò của họ trong phim không mấy quan trọng. Cuối cùng, kỹ thuật lồng tiếng kém khiến hình và tiếng thường xuyên lỗi nhịp.
Nhìn chung, Bao giờ hết ế là một trải nghiệm nhạt nhẽo. Bộ phim mang mục đích giải trí, nhưng chỉ khiến người xem cảm thấy khó chịu.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo Zing