Bao Công được biết đến là vị quan vô cùng thanh liêm và không bao giờ khiếp sợ quyền uy. Siêu phẩm truyền hình Bao Thanh Thiên bản 1993 vẫn được công chúng và giới làm phim ca ngợi là tác phẩm xuất sắc nhất trong việc khai thác hình tượng Bao Công.
Bao Thanh Thiên phiên bản 1993 được xem là kinh điển nhất màn ảnh.
Bên cạnh những vụ xử án ly kỳ, hấp dẫn, tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển nhờ sự tham gia của bộ ba huyền thoại: Kim Siêu Quần, Hà Gia Kính và Phạm Hồng Hiên. Đến nay, tuyến nhân vật Bao Công - Triển Chiêu - Công Tôn Sách do dàn nghệ sĩ kỳ cựu này hóa thân vẫn được xem là tượng đài không thể thay thế.
Trong các bộ phim, Bao Chửng được xây dựng theo hình tượng của một vị quan thanh liêm, có cuộc sống giản dị, thậm chí ăn không đủ no. Thế nhưng, trong lịch sử, mức bổng lộc vị quan này khiến hậu thế bất ngờ. Trong suốt thời gian làm quan, bổng lộc của Bao Thanh Thiên mỗi năm thậm chí còn cao hơn tiền thuế một châu phải đóng lên cấp trung ương.
Hình tượng vị quan thanh liêm Bao Công được tái hiện trên màn ảnh.
Theo đó, Bao Công nhận mức bổng lộc cao nhất là khi làm Xu mật Phó sử, tương đương với chức Phó tể tướng. Bên cạnh đó, ông còn đảm nhiệm các chức quan khác như Triều Tản đại phu, Cấp sự trung, Bộ vệ thượng khinh xa. Trong hàng ngũ quan lại Bắc Tống khi đó, ông chỉ đứng sau Tể tướng.
Tuy nhiên ngay từ khi nhậm chức tại phủ Khai Phong, mức thu nhập mà ông được nhận hàng năm cũng rất cao. Chức vụ của Bao Công khi đó là là Trực học sĩ Long Đồ các, Hữu ti lang trung Thượng thư tỉnh, Tri phủ Khai Phong.
Theo quy định về mức lương bổng của quan lại, được vua Tống Nhân Tông quy định trong cuốn Gia Hữu Lộc Lệnh, mỗi năm Bao Công được nhận mức thu nhập là 18000 quan tiền và một số vật phẩm khác như vải vóc, lụa là.
Ngoài ra, tài liệu ghi chép trong cuốn Tống Sử Chức Quan Chí cho hay, là người đứng đầu phủ Khai Phong, mỗi tháng Bao Công nhận được 30 tạ (mỗi tạ 120kg) lương thực, trong đó có 15 tạ gạo, 15 tạ mạch. Ngoài ra mỗi tháng ông còn nhận được 20 bó rơm, 40 bó cỏ khô, 1500 quan “tiền công sử”.
Một phần bổng lộc mà Bao Công nhận được. (Ảnh minh hoạ)
Trong thời bấy giờ, 1000 đồng sẽ bằng 1 quan tiền, tương đương với 1 lượng bạc. Thế nhưng hệ quy đổi này không phải thống nhất trong toàn quốc, mà mỗi địa phương cũng có sự khác biệt tùy theo tình hình thực tế.
Ở thời Tống, 1 lượng bạc có thể mua được 250kg - 400kg gạo. Chính vì vậy, 1 lượng bạc có thể đổi thành 800 - 1900 NDT. Bổng lộc một năm của Bao Chửng là 18000 quan tiền, tương đương với 18.000 lượng bạc. Nếu cho 1 lượng bạc bằng 1000 NDT thì lương một năm của ông phải là 18 triệu NDT (64,3 tỷ VND). Đây thật sự là một con số khá lớn.
Trong tư liệu lịch sử ghi chép, triều Tống đạt được sự phát triển kinh tế và văn hóa chưa từng có. Không chỉ sản lượng nông nghiệp tăng cao chóng mặt, mà nghề in ấn, chế tạo giấy cũng đạt được nhiều thành tựu không kém. Đồng thời, giao dịch ngoại thương cũng trở nên phổ biến hơn.
Tượng đồng Bao Công tại Trung Quốc.
Từ đó, thu nhập tài chính của thời Tống đạt mức cao nhất trong lịch sử, cao gấp 10 lần so với triều Minh và gấp 4 lần so với triều Thanh sau này. Chính vì vậy, lương bổng của Bao Chửng cao cũng là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, những cống hiến của Bao Chửng dành cho thời Tống không thể được đo đếm bằng tiền tài. Cả đời của ông công chính liêm minh, không đam mê quyền quý, luôn cứu giúp dân lành, trừ gian diệt bạo, thu phục lòng dân, tạo nên tiếng thơm muôn đời.
Theo Dân Việt