Bát cơm chan canh cua đưa Ẩm Thực Mẹ Làm ra thế giới-1
Bát cơm chan canh cua đưa Ẩm Thực Mẹ Làm ra thế giới-2Bát cơm chan canh cua đưa Ẩm Thực Mẹ Làm ra thế giới-3

Trong căn nhà ngói cũ ở huyện Phú Bình, tỉnh miền núi Thái Nguyên, chủ kênh YouTube Ẩm Thực Mẹ Làm - Đồng Văn Hùng (27 tuổi) đọc cho mẹ - bà Dương Thị Cường (59 tuổi) nghe những dòng bình luận dài của người xem. 

“Xem những video của kênh Ẩm thực mẹ làm, tôi như thấy quê nhà đang hiện lên trước mắt. Các món cua rang lá lốt, canh cua nấu rau lang, mướp hương, rau muống xào, tép đồng rang… gắn liền tuổi thơ tôi”, một bình luận của người Việt xa xứ, đang sống ở châu Âu.

Hơn 4 năm qua, bà Cường và Hùng luôn tựa vào tình cảm ấy của người xem bốn phương để nỗ lực phát triển kênh.

Khởi nguồn của Ẩm Thực Mẹ Làm đơn giản là câu chuyện nhắc nhở những đứa con đi xa nhớ về mẹ, về bữa cơm quê nhà. Ấy vậy, việc xuất phát từ trái tim thường chạm đến trái tim. Ẩm thực mẹ làm không còn gói gọn trong câu chuyện gia đình mà góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới.

Ai xa quê đều khắc khoải nhớ nhà, nhớ mẹ tựa cửa ngóng chờ. Đồng Văn Hùng cũng mang nỗi nhớ ấy khi đi làm xa.

Nỗi nhớ của chàng trai Thái Nguyên còn xen lẫn lo lắng. Bởi, bà Cường, mẹ của Hùng ở nhà thui thủi một mình.

Sinh Hùng ra trong nghèo khó, bà Cường bấm bụng nuôi con bằng mớ rau ngoài vườn, con cá bắt ở ruộng. Bữa ăn của 2 mẹ con lắm lúc chỉ có rau luộc chấm mắm.

“Thỉnh thoảng, mẹ con tôi mới ăn được quả trứng, thịt được con gà. Bữa cơm chủ yếu là rau cỏ mình trồng, ngon nhất là bắt được con cua con ốc nấu nồi canh. Hùng thích nhất món canh cua mẹ nấu”, bà Cường kể.

Bát cơm chan canh cua đưa Ẩm Thực Mẹ Làm ra thế giới-4

Hùng đi học, mọi thứ không được đầy đủ như bạn bè. Cậu buồn nhưng hiểu hoàn cảnh một mẹ một con, không giận dỗi, trách cứ mẹ. Cậu thương mẹ, chủ động phụ giúp việc nhà, đồng áng.

Đúng như năm xưa mong ước của mẹ “có con để bầu bạn”, Hùng có thể tâm sự với mẹ mọi chuyện vui buồn.

Càng lớn, Hùng càng giống mẹ ở nét chân chất, hiền hậu. Thậm chí, cách làm việc chậm rãi, điềm đạm, ít nói cũng chẳng khác bà Cường.

Thương mẹ, Hùng không vào đại học mà chọn đi làm, kiếm tiền ở Bắc Ninh. Con trai vắng nhà, bà Cường lo đồng áng một mình, ăn cơm cũng một mình.

Hết trách yêu mấy con chó, bà quay sang nói chuyện cùng đàn gà. Chiều về, bà bỏ cuốc ngoài hiên, nấu vội bữa cơm chiều. Bữa cơm nghèo, nay càng hiu quạnh, bà ngồi góc nào cũng thấy chông chênh. Nghe tiếng chó sủa, bà bưng bát cơm, ra cửa ngóng chờ…

Bát cơm chan canh cua đưa Ẩm Thực Mẹ Làm ra thế giới-5

Hùng đi làm được vài hôm, hồ hởi gọi điện về hỏi thăm mẹ. Nghe con trai kể: “Mẹ ơi, làm công ty được ăn cơm ngon lắm”, bà Cường chỉ im lặng.

Bà Cường không giận mà chỉ xót, thương con hơn 18 năm chưa có bữa cơm đủ món. Hôm nào cũng quanh quẩn mấy món đơn giản, sơ sài.

Cơm công ty có nhiều món, lại thay đổi thường xuyên. Thế nên, Hùng thích thú là chuyện đương nhiên.

Bát cơm chan canh cua đưa Ẩm Thực Mẹ Làm ra thế giới-6

Thế nhưng, lẽ đời không ai thương con bằng mẹ, sơn hào hải vị cũng không bằng bát cơm trắng chan canh mẹ nấu.

“Lúc đầu, tôi thấy cơm công ty ngon lắm nhưng dần dà lại chán, nhớ cơm nhà hơn. Cơm mẹ nấu vẫn là ngon nhất trên đời”, Hùng tâm sự.

Hùng nhớ nhất món canh cua của mẹ.

Hùng nói: “Chắc do được ăn từ nhỏ, tôi thấy canh cua mẹ nấu được nêm nếm gia vị vừa ăn. Tôi nhớ những bữa cơm có mẹ và ngoại, 3 người quây quần, gắp cho nhau cọng rau, con cá.

Ngoại mất, nhà chỉ còn 2 mẹ con. Mâm cơm giản dị nhưng đầm ấm. Món nào ngon mẹ đều nhường tôi”.

Mấy lần về thăm nhà, Hùng đều được mẹ “chiêu đãi” món canh cua ngon nhất trần đời. Hùng chậm rãi chan canh vào bát cơm trắng dẻo thơm.

Hết làm công nhân, Hùng chuyển qua làm thợ chụp ảnh. Cậu ra Hà Nội mưu sinh, đau đáu về bữa cơm một mình của mẹ.

Tháng 2/2019, Hùng tập tành sáng tạo nội dung trên YouTube. Cậu thử nghiệm bằng món canh cua mẹ nấu.

Bát cơm chan canh cua đưa Ẩm Thực Mẹ Làm ra thế giới-7

Tranh thủ lúc về thăm nhà, Hùng nhờ mẹ ra vườn hái rau nấu canh cua, cho mình quay lại làm video. Bà Cường nghĩ con trai quay chơi, làm kỷ niệm. Bà không ngờ Hùng đưa video bà nấu canh lên YouTube.

Thời điểm đó, các nền tảng mạng xã hội không hiếm nội dung bẩn, câu view, bất chấp các giá trị đạo đức để kiếm tiền. Hùng chưa nghĩ đến việc kiếm tiền bằng YouTube, càng không muốn lấy hình ảnh của mẹ để câu view. Cậu chỉ mong video của mình nhắc nhở những người con xa quê nhớ bữa cơm gia đình, về thăm cha mẹ thường xuyên hơn.

Video bà Cường ra vườn hái rau khoai lang, bắt cua về nấu canh đậm chất mộc mạc, bình yên, nhanh chóng thu hút người xem. Video đầu tiên có hơn 20.000 lượt xem chỉ sau khoảng 5 ngày đăng tải.

Hùng nhớ lại: “Kênh chỉ mới có khoảng 200 người đăng ký nhưng lượt xem lại vượt xa con số đó. Tôi chia sẻ video đầu tiên lên Facebook cá nhân, không dùng thủ pháp câu kéo kênh để tăng view.

Những lượt xem mà video đó có được đều đến rất tự nhiên. Có lẽ, nó chạm đến cảm xúc và nỗi nhớ của nhiều người”.

Vì không xác định kiếm tiền từ YouTube, Hùng vẫn duy trì công việc chụp ảnh ở Hà Nội. Thỉnh thoảng, Hùng về nhà và tranh thủ quay cảnh mẹ làm đồng, nấu ăn.

Bất ngờ, sau 3 tháng, kênh Ẩm thực mẹ làm của Hùng được 100.000 người đăng ký theo dõi. Điều này cho Hùng động lực quay về Thái Nguyên, cùng mẹ phát triển kênh.

Về phần mình, bà Cường biết con trai đăng video lên mạng liền ngại ngùng, không muốn tiếp tục quay. Tuy nhiên, Hùng động viên: “Mẹ lên hình đẹp lắm. Mọi người đều khen mẹ đẹp, hiền hậu”.

Các bạn trẻ trong làng cũng khen bà Cường lên hình rất đẹp, thích xem video của kênh. Nhờ vậy, bà tự tin hơn, cứ làm những công việc đồng áng thường ngày, chân thật, không phải diễn xuất.

Bát cơm chan canh cua đưa Ẩm Thực Mẹ Làm ra thế giới-8

Người trong làng dần quen với hình ảnh bà Cường ra đồng có cậu con trai xách máy quay theo sau. Mẹ lặng lẽ làm việc, con loay hoay chỉnh máy, tìm góc quay đẹp.

Hơn 4 năm, bà Cường dần quen với việc xuất hiện trước ống kính, không còn ngại ngùng như những ngày đầu. Thế nhưng, chất mộc mạc, dáng vẻ tảo tần của người mẹ chốn thôn quê vẫn không thay đổi.

Bà Cường cười tươi, chia sẻ: “Bây giờ, hai mẹ con làm việc ăn ý hơn. Hồi trước, tôi chưa quen, con bắt làm đi làm lại cũng thấy phiền lòng.

Lúc không quay, tôi nấu ăn nhanh hơn, còn lúc quay thì phải làm chậm, cẩn thận, mất nhiều thời gian.

Lắm lúc, mùa hè nóng nực, tôi cũng mệt, chán nản. Thấy vậy, Hùng động viên tôi cố gắng, hoàn thanh video chỉn chu hơn”.

Trong mỗi video, bà Cường còn nhắc lại những kỷ niệm thời trẻ. Đó là những câu chuyện mà bà từng trải qua. Khoảng thời gian gian nan, vất vả nhưng ẩn chứa những bài học làm người.

Bát cơm chan canh cua đưa Ẩm Thực Mẹ Làm ra thế giới-9

Cuộc đời bà Cường bao năm buồn hiu hắt, nay ngày một vui hơn nhờ con cháu cận kề và người xem muôn phương yêu thích.

Từ lúc Hùng lấy vợ, video nấu ăn của kênh Ẩm thực mẹ làm ngoài bà Cường còn có thêm con dâu, cháu nội. Bà cười nhiều hơn, ăn thấy ngon hơn. Niềm vui của bà chân thật, lan tỏa khiến người xem vui lây.

Bà Cường đọc các bình luận của người xem trẻ tuổi bằng trái tim của một người mẹ. Bà xúc động khi nhiều bạn trẻ bình luận “thấy bữa cơm của kênh mà nhớ mẹ mình”. Nhiều người còn gọi điện, nói “bác giống mẹ cháu quá” làm bà rơi nước mắt.

Nổi tiếng, bà Cường và Hùng vẫn giản dị trong cách ăn mặc lẫn lời nói. Bà tâm sự: “Tính tình của tôi từ xưa đến nay vẫn thế, không có gì thay đổi. Chỉ là, bây giờ tôi thấy vui và phấn khởi hơn thôi. Mình người quê thì vẫn là người quê, mỗi ngày vẫn ra đồng cày cấy”.

Hùng cũng như mẹ, không chạy theo đồng tiền, không tận dụng sự nổi tiếng để ra thật nhiều video. Anh chăm chút từng khâu, quay từng công đoạn đúng với thực tế nên mất nhiều thời gian.

Chờ đợi riết thành quen, khán giả của kênh Ẩm thực mẹ làm luôn háo hức, thấy có video mới liền vào xem ngay. Mỗi tháng, Hùng chỉ đăng tải khoảng 2-3 video, thậm chí đôi tháng mới ra 1 video.

Sau 1 năm phát triển, kênh Ẩm thực mẹ làm không chỉ được người xem trong nước yêu thích mà còn có nhiều lượt theo dõi từ người xem các nước trên thế giới.

Đầu năm 2021, video Mẹ gói bánh chưng, làm bữa cơm tất niên đón Tết cổ truyền của kênh được giới thiệu trên Fanpage YouTube có gần 100 triệu lượt theo dõi. Bà Cường và Hùng vỡ òa cảm xúc, vui mừng xen lẫn tự hào.

Bước ngoặt này góp phần thay đổi suy nghĩ và mục tiêu phát triển kênh của chàng trai Thái Nguyên.

Đồng Văn Hùng chia sẻ: “Niềm vinh dự được xuất hiện trên Fanpage YouTube là sự ngẫu nhiên, không nằm trong mong đợi của tôi. Lúc đầu, mẹ con tôi chỉ muốn giới thiệu món ăn gia đình nhưng lại được mọi người ủng hộ, trong đó có nhiều người nước ngoài.

Sự ngẫu nhiên ấy vô tình góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam. Từ đó, tôi bắt đầu nhận thức về trách nhiệm quảng bá văn hóa, du lịch, ẩm thực của đất nước ra thế giới.

Tôi lên ý tưởng, hướng đến nội dung đặc sắc hơn, vừa lan tỏa giá trị về gia đình, vừa góp phần giới thiệu Việt Nam tươi đẹp, hiếu khách”.

Trước những đóng góp và sáng tạo tích cực, kênh YouTube Ẩm thực mẹ làm được đánh giá là kênh YouTube số 1 của Việt Nam truyền tải thông điệp về nét đẹp văn hóa, ẩm thực truyền thống, tình yêu gia đình, hình ảnh con người Việt Nam đến bạn bè trong và ngoài nước.

Hiện tại, kênh đã đạt hơn 1 triệu người theo dõi trên YouTube, dành nút vàng YouTube và hơn 700.000 người theo dõi trên Facebook, hơn 200.000 người theo dõi trên TikTok… Năm 2020, kênh được YouTube chọn là đại diện Việt Nam thi Chương trình YouTube FanFest trên toàn thế giới.

Đồng Văn Hùng vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen với thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Thái Nguyên đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số” năm 2021. Cùng năm, Hùng được Ban chấp hành Tỉnh đoàn tặng bằng khen “Gương mặt trẻ triển vọng Thái Nguyên”.

Gần đây, Đồng Văn Hùng tiếp tục được tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” của tỉnh.

Hùng cho biết, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thường xuyên động viên, khuyến khích Hùng phát triển kênh Ẩm thực mẹ làm, góp phần quảng bá nét đẹp quê nhà nói riêng và Việt Nam nói chung.


Bát cơm chan canh cua đưa Ẩm Thực Mẹ Làm ra thế giới-10

Nhận được sự khích lệ kịp thời, mẹ con Hùng phấn khởi, nảy ra nhiều ý tưởng mới.

Bà Cường bộc bạch chân tình: “Tôi cảm ơn mọi người. Mẹ con tôi được mọi người yêu thương mới dần dà khá lên, không khổ như xưa nữa”.

Tiếp lời của mẹ, Hùng tiết lộ, mình đang mở rộng việc quảng bá văn hóa, du lịch đất nước bằng cách đưa mẹ đi chơi. Trong các chuyến du lịch của cả nhà, Hùng quay lại cảnh bà Cường nếm thử đặc sản, tìm hiểu ẩm thực và trải nghiệm văn hóa ở các địa phương.

Hùng hy vọng những chuyến đi chơi có đầy đủ thành viên, kết hợp giữa làm việc và vun đắp tình cảm gia đình sẽ kéo dài bất tận.

Theo Vietnamnet