Lop Nur vẫn luôn là vùng đất nhiều bí ẩn thu hút các nhà khoa học, nhà khảo cổ, nhà thám hiểm cùng nhiều khách du lịch. Không chỉ vậy, với nhiều câu chuyện dân gian, truyền thuyết trôi nổi trên dòng thời gian, Lop Nur là cội nguồn của nhiều bộ phim, các bộ truyện giả tưởng, tiểu thuyết trinh thám.
Trong cuốn tiểu thuyết kinh dị lữ hành Tây Xuất Ngọc Môn, tác giả Vĩ Ngư đã chắp nối, xây dựng lại hình ảnh quan ải Ngọc Môn Quan trong lịch sử.
Mặc dù thêm thắt nhiều yếu tố kỳ bí nhưng trong lịch sử, quan ải này là một nơi cực kỳ trọng yếu, là cửa ngõ thông thương của con đường tơ lụa cổ đại. Và quan trọng hơn hết, Ngọc Môn Quan cũng liên quan đến sự kỳ lạ, đầy bí ẩn của Lop Nur.
Muốn băng qua Lop Nur theo hướng Đông -Tây có thể chọn cách đi từ Ngọc Môn Quan. Trong nhiều tài liệu cổ có ghi lại, cung đường du lịch bí ẩn bắt đầu từ Ngọc Môn Quan đến thành phố ma Yardang, địa điểm Bành Gia Mộc mất tích, gò thánh liễu, thị trấn Lop Nur, hồ Tâm, mộ Dư Thuần Thuận và sau cùng đến Long Thành.
Theo Tây Xuất Ngọc Môn, có một truyền thuyết kỳ lạ về sa mạc: "Từ xưa đến nay, người chết giữa lòng sa mạc đều không tìm thấy xác. Bởi vì luôn có những hồn ma vô hình ẩn núp dưới những đồi cát trùng điệp. Chúng mang thi thể con người xuôi theo gió lốc trong sa mạc mênh mông, trôi dạt đến nơi xa hàng trăm hàng nghìn dặm".
Ngoài ra, bài đồng dao đáng sợ khi nhắc đến Ngọc Môn Quan trong Tây Xuất Ngọc Môn có câu: "Ngọc Môn Quan, Quỷ Môn Quan,... xuất quan một bước máu chảy cạn. Ngươi kim ốc tàng kiều vui sướng hưởng lạc, đâu màng ta nhập quan nước mắt chứa chan...".
Vậy ngoài thực tế, Ngọc Môn Quan là nơi như thế nào?
Ngọc Môn Quan
Đôn Hoàng có 2 ải Ngọc Môn Quan và Dương Quan. Bởi tương truyền, Ngọc Môn Quan còn được gọi là Âm Quan. Đây là điểm giao thoa trên con đường tơ lụa cổ đại thông thương hai nhanh Nam và Bắc.
Hướng về phía Bắc gọi là Tây Xuất Ngọc Môn, sẽ đi qua Lop Nur, Lâu Lan. Còn phía Nam gọi là Tây Xuất Dương Quan, qua sa mạc Taklamakan, đều là những cung đường khó đi. Taklamakan trong tiếng Uyghur có nghĩa là "Có vào mà không có ra".
Ngọc Môn Quan được xây dựng năm nào?
Ngọc Môn Quan được xây dựng vào khoảng năm 111 TCN, nằm ở sa mạc Gobi, cách Đôn Hoàng 90km về phía Tây Bắc. Ngọc Môn Quan là quan ải được giữ nguyên hiện trạng.
Nó là đài đất vuông vuông được đắp bằng đất vàng, tính cả thời gian ra vào lẫn đi dạo hết một vòng cũng chưa tới 5 phút. Theo sử sách ghi chép lại đây là nơi sứ giả và các đoàn thương nhân qua lại nườm nượp nhưng, trên thực tế quy mô còn lại hơi nhỏ.
Ngọc Môn Quan là đài đất hình vuông, đắp bằng đất vàng, tường thành được bảo quản tốt. Quan ải cao 10m, dài từ Đông sang Tây là 24m, rộng khoảng 26,4m và có diện tích khoảng 633m2.
Ngọc Môn Quan thời xưa
Thời xưa chỉ là một con đèo nhỏ nằm ở phía Tây Đôn Hoàng, là con đường huyết mạch quan trọng kết nối khu vực Trung Á với Trung Quốc. Nơi đây có nhiều nước nhỏ như Cao Xương, Khâu Từ, Nhu Nhiên, Vu Điền,... được gọi chung là Tây Vực.
Dưới thời nhà Hán, một tuyến phòng thủ được thành lập từ Tửu Tuyền (Cam Túc) thuộc hành lang Hà Tây kéo dài về phí tây và Ngọc Môn Quan chính là thành lũy cuối cùng ngăn cách giữa Trung Nguyên và Tây Vực. Chỉ cần bước qua Ngọc Môn quan là sẽ tiến vào vùng đất hoang vu, khắc nghiệt, đầy rẫy bí hiểm, khó lường.
Thời kỳ hưng thịnh, Ngọc Môn Quan từng đông đúc và náo nhiệt khi hàng vạn người Tây Vực lẫn Trung Nguyên đến đây giao thương.
Lúc bấy giờ ở đèo Ngọc Môn, tiếng chuông lạc đà vang khắp cõi trời xanh, tiếng người reo hò, tiếng ngựa hí, đoàn buôn tấp nập, sứ giả đến rồi đi, cảnh tượng thật là phồn vinh.
Dưới sự biến đổi của lịch sử, nắng gió sa mạc và dòng chảy thời gian, Ngọc Môn Quan nay chỉ còn tàn tích đứng chơ vơ giữa biển cát mênh mông. Cạnh Ngọc Môn Quan là đoạn trường thành thời Hán vương vãi vài vết tích.
Tàn tích Ngọc Môn Quan sừng sững trên ngọn đồi nằm trên sa mạc Gobi hẹp từ Đông sang Tây. Đứng trên đỉnh đèo cổ, phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy đầm lầy, khe núi, Vạn Lý Trường Thành uốn lượn, những cây hồ dương cao và thẳng, những cây thánh liễu đỏ rực, những ngọn lau sậy đung đưa trong gió cát.
Tất cả những thứ ấy làm nên một Ngọc Môn Quan thần bí.
Những tàn tích lặng lẽ cô đơn trong sương lạnh gió nóng của sa mạc, chứng kiến sự biến đổi của thời đại và chất chứa trong mình bao bí mật bị thời gian vùi lấp...
Bí ẩn Ngọc Môn Quan
Ngọc Môn Quan thật đang ở đâu?
Năm 1907, nhà thám hiểm người Anh gốc Hungary Marc Aurel Stein đào được nhiều sách cổ bằng thẻ tre thời nhà Hán ở gần đây. Sau khi khai quật được thành cổ Lâu Lan thì nơi này cũng được cho là ải Ngọc Môn trong lịch sử.
Được cho là nơi thông thương của con đường tơ lụa cổ đại, tuy nhiên Ngọc Môn Quan của hiện tại hơi nhỏ. Có nhiều lời đồn cho rằng Ngọc Môn Quan vẫn chưa được tìm ra.
Vốn dĩ với trình độ khoa học hiện đại, Thành cổ Lâu Lan và Thành cổ Tinh Tuyệt chôn sâu dưới lòng sa mạc còn được phát hiện thì cửa ải Ngọc Môn chắc chắn sẽ được tìm ra. Những lời đồn thổi lan truyền rằng Ngọc Môn Quan thực sự vẫn đang ở... trong lòng đất và bị "phong hóa" rồi.
Điều kiện sa mạc khắc nghiệt, xây thành đắp lũy đều cần sử dụng vật liệu tại chỗ như lau sậy, đất vàng, thánh liễu, hồ dương và đất nện. Gió bão vùng Tây Bắc rất mạnh, cuốn cát thành lốc có thể thổi tảng đá to lăn lông lốc.
Chưa biết chừng Ngọc Môn Quan thực sự đã bị gió cát bào mòn từ lâu thì sao?
Ngọc Môn Quan - Nơi trấn yểm cổ đại?
Ngọc Môn Quan và Dương Quan được Hán Vũ Đế xây dựng sau khi Trương Khiên đi sứ Tây Vực. Ngọc Môn nằm ở phía Bắc núi Thiên Sơn, đèo Dương Quan nằm ở phía Nam núi Thiên Sơn.
Theo quan niệm dân gian, núi phía Nam gọi là Dương, phía Bắc gọi là Âm. Con đèo nằm ở phía Nam thì gọi là Dương Quan. Còn đèo ở phía Bắc gọi là Âm Quan. Từ đó, âm hưởng Bắc Nam hình thành nên bố cục Âm - Dương hài hòa.
Tuy nhiên, đèo phía Bắc thường được gọi là đèo Ngọc Môn. Phải chăng cái tên này chứa đựng bí mật?
Có thể nói rằng, thời nhà Hán rất thịnh hành tư tưởng âm dương ngũ hành. Trong cuốn Sơ Lược Về Lịch Sử Nhà Hán có nhắc tới tín ngưỡng ở Tây Vực thời Hán là sự hòa hợp âm dương.
Cũng như Vua tượng trưng cho Dương, Hậu tượng trưng cho Âm. Tương tự, Âm Quan và Dương Quan cũng là một chỉnh thể không thể tách rời.
Gọi là đèo Ngọc Môn vì theo góc nhìn văn hóa dân gian, ngọc có chức năng xua đuổi tà ma. Vào thời Hán, các quý tộc khi qua đời, họ được đặt ngọc bội lên người hoặc người quá cố mặc quần áo bằng ngọc chỉ vàng. Làm như vậy là để mong người quá cố không bị quấy rầy ở cõi âm.
Chính vì ý nghĩa này mà Ngọc Môn Quan đi vào văn học, thơ ca một cách rất sâu sắc và nhiều bí ẩn với cái tên "Cổng Ma", "Cổng Tử Thần" gắn liền cùng chết chóc.
Trong Hậu Hán Thư, Ban Siêu cũng mang sứ mệnh đến Tây Vực và sống trong 31 năm. Gần cuối đời, Ban Siêu gửi mong muốn được trở lại Trung Nguyên: "Không dám nhìn Cửu Tuyền, nhưng mong được sinh ra ở đèo Ngọc Môn". Nhà vua liền cảm động, cho Ban Siêu trở về triều.
Câu nói ấy có nghĩa là có thể đi qua ải Ngọc Môn - cánh cổng ma quái dẫn vào vùng đất nguy hiểm, để trở về quê hương của chính mình. Nếu nói "mong được sinh ra ở đèo Ngọc Môn" có nghĩa là sẵn sàng hy sinh vì bảo vệ nước nhà.
---
Ngày nay, Ngọc Môn Quan được nhiều du khách ghé thăm khi đi thăm quan vùng sa mạc này. Đứng ở Ngọc Môn Quan, như thể tái hiện được cả vùng không gian lẫn thời gian giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và hiện đại.
Mang trong mình nhiều câu chuyện bí ẩn, Ngọc Môn Quan vẫn mãi là khởi nguồn cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Tàn tích còn lại cũng là minh chứng cho lịch sử lâu đời của Trung Quốc, đồng thời là cánh cửa "trấn yểm" trước khi bước vào vùng đất "tam giác quỷ" Lop Nur.
Theo Phụ nữ Việt Nam