Đầu năm 2023, anh Trần ở Bắc Kinh kiện công ty mình từng làm việc ra tòa, tố cáo lãnh đạo nhiều lần dùng quyền lực để trừng phạt thể xác nhân viên, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của anh.

Trần cũng nộp bằng chứng là ảnh chụp cuộc trò chuyện nhóm làm việc, cho thấy công ty đã nhiều lần đưa vào "danh sách đen" những quản lý nhóm không hoàn thành mục tiêu kinh doanh.

Công ty buộc những người này leo 28 tầng nhà công ty 3 lần hoặc chạy bộ 10km vào buổi tối, sáng hôm sau lúc 7h phải chạy bộ, đồng thời vẫn phải đến công ty đúng giờ để chấm công.

Anh Trần cho biết, trong 4 ngày từ 4/7 đến 7/7 năm 2022, đêm nào anh cũng bị công ty ép chạy bộ 10km. Sau đó, vì không thể chịu đựng nổi, anh làm đơn xin nghỉ việc. Trần cho rằng công ty dùng cách này để đàn áp, cô lập, ép nhân viên nghỉ việc, xâm phạm quyền lợi của nhân viên.

Bị công ty bắt chạy 10km mỗi đêm vì không đạt KPI, chàng trai đâm đơn kiện-1
(Ảnh minh họa)

Trần khẳng định anh bị ép nghỉ, yêu cầu công ty trả lương làm thêm giờ, bồi thường theo đúng luật lao động. Tuy nhiên, phía bị đơn phản bác, nói rằng các biện pháp tập luyện thể dục thể thao mà công ty đề ra là để giúp người quản lý nhóm tỉnh táo, tăng cường lòng tự trọng, giúp nhân viên ý thức rõ ràng mục tiêu.

Bị đơn khẳng định đây không phải là hành vi bất hợp pháp, vì vậy anh Trần không thể căn cứ Điều 38 Luật Hợp đồng lao động để nói rằng các nội quy của công ty là sai luật, từ đó xin nghỉ việc và yêu cầu bồi thường.

Sau khi xác minh, tòa án nhận thấy mục tiêu hàng ngày mà công ty đặt ra quá cao, không phù hợp, dẫn đến ít nhất 40% các quản lý nhóm không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Hơn nữa, các biện pháp kỷ luật chạy bộ, leo cầu thang do công ty áp đặt cũng quá khắc nghiệt và có tính bắt buộc cao, xâm phạm đến quyền của nguyên đơn và những người khác, được coi là hình thức trừng phạt thân thể.

Trong phiên tòa xét xử diễn ra cách đây ít ngày, tòa án nhận định, nội quy của công ty trên vi phạm các quy định của pháp luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người lao động. Nguyên đơn có quyền xin nghỉ việc và yêu cầu đơn vị sử dụng lao động bồi thường kinh tế.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố công ty phải trả cho anh Trần số tiền 95.208 nhân dân tệ (khoảng 334,5 tiệu đồng) tương ứng với 4 năm làm việc và 24.256 nhân dân tệ (khoảng 86,8 triệu đồng) tiền làm thêm giờ.

Bị đơn không đồng ý nên đã kháng cáo, nhưng tòa phúc thẩm vẫn giữ nguyên phán quyết, và phán quyết này có hiệu lực thi hành ngay.

Theo VTC