Trước tình trạng sụt giảm thu nhập cùng lạm phát hoành hành, tầng lớp trung lưu tại Hàn Quốc dần biến mất. Đi cùng đó là tình trạng phân cực, mất cân bằng trong thói quen tiêu dùng của người trẻ thuộc xứ sở kim chi.
Ăn trưa ở cửa hàng tiện lợi, đi xe đạp, mua đồ cũ
Mỗi khi Kang Won Jin (25 tuổi, người Hàn Quốc) tiêu một xu thay vì tiết kiệm, anh sẽ bị mọi người trên mạng chê trách.
Hay khi mua một chiếc ô trị giá 10.000 won (khoảng 178.000 đồng) vì trời mưa bất chợt, Won Jin sẽ bị "cấm uống cà phê Starbucks trong một tuần". Theo đó, một số người cho rằng: "Anh nên dùng báo hoặc tờ rơi, thay vì mua ô để che mưa".
Chàng trai họ Kang tự nguyện chia sẻ những khoản chi hàng ngày, chấp nhận sự chỉ trích của mọi người trên mạng chỉ với mục đích: Thắt chặt chi tiêu.
Theo The Korea Herald, Kang Won Jin là thành viên của "cộng đồng những người trẻ Hàn Quốc cùng nhau tiết kiệm". Diễn đàn này hoạt động thông qua các phòng trò chuyện, gọi là "geojibang" - có nghĩa là "phòng xin ăn của người ăn xin".
Nhóm trò chuyện có tên "geojibang" với hình ảnh đại diện là người ăn xin. Đây là nơi người dùng kiểm tra thói quen chi tiêu của nhau (Ảnh: Chụp màn hình).
Bên trong các nhóm chat (trò chuyện), những người dùng ẩn danh sẽ kiểm tra chi tiêu hàng ngày của nhau, chia sẻ mẹo tiết kiệm và thông tin về ưu đãi, bao gồm các sự kiện khuyến mãi tại cửa hàng tiện lợi, gói cước điện thoại giá rẻ...
Trên ứng dụng trò chuyện KakaoTalk, có đến 500 phòng "geojibang" với đa dạng người dùng thuộc nhiều nhóm tuổi khác nhau.
Một trong số đó là phòng chat có khẩu hiệu "tiết kiệm cực độ, tiêu dùng ý nghĩa", tập hợp hơn 360 người trẻ thuộc lứa 20 tuổi đang tìm việc làm.
Một trong những quy tắc của nhóm là không được đăng ảnh hàng hiệu, đồ xa xỉ để tránh việc mua sắm khi chưa suy nghĩ kỹ.
Bên cạnh đó, những thành viên dày dặn kinh nghiệm khuyến khích mọi người sử dụng xe đạp công cộng, thay vì đi xe bus hay tàu điện ngầm để tiết kiệm tối đa chi phí. Đặc biệt, đặt thức ăn qua các ứng dụng giao hàng bị coi là "tội ác không thể tha thứ".
Để tiết kiệm chi phí tối đa, người trẻ Hàn Quốc lựa chọn những hộp cơm được chế biến sẵn trong cửa hàng tiện lợi. Bữa cơm có giá tối thiểu 350 won (khoảng 6.000 đồng) sau khi sử dụng các mã giảm giá (Ảnh: Yonhap).
Lạm phát tăng cao, nền kinh tế trì trệ và thị trường việc làm suy thoái liên tục đẩy người trẻ Hàn Quốc vào lối sống buộc phải tiết kiệm.
Không chỉ vậy, theo các chuyên gia, mạng xã hội và các nền tảng truyền thông trực tuyến đang khuếch đại quyết tâm cá nhân, biến nó thành trào lưu thuộc phạm vi xã hội.
"Duy trì thói quen tiết kiệm là nhiệm vụ khó khăn. Geojibang là sự kết hợp của các yếu tố: Ẩn danh, luôn được cập nhật và giao tiếp theo thời gian thực, biến tiết kiệm thành hoạt động vui vẻ và thú vị", Kwak Geum Joo - giáo sư tâm lý học, Đại học Quốc gia Seoul - cho hay.
Bữa ăn xa xỉ và những chuyến du lịch nước ngoài
Ngược lại, một bộ phận người trẻ Hàn Quốc lại chạy theo lối sống sang chảnh, bất chấp việc thu nhập của họ có khả năng đáp ứng được những chi tiêu xa xỉ này hay không.
"Omakase" là một trong những loại hình phục vụ đồ ăn đắt đỏ được nhiều người Hàn ưa chuộng. Đây là phong cách ẩm thực truyền thống đến từ Nhật Bản - nơi đầu bếp là người quyết định thực đơn, giới thiệu tên và nguồn gốc của những nguyên liệu được sử dụng.
Với mỗi bữa ăn theo kiểu "omakase", mỗi người sẽ phải chi trả 200.000-300.000 won (khoảng 3,5-5,3 triệu đồng).
Tại Nhật Bản, đối tượng khách hàng chủ yếu của omakase là những người thuộc độ tuổi trung niên. Ngược lại, ở Hàn Quốc, người ta thường thấy các cặp đôi trẻ tuổi hẹn hò, cùng thưởng thức bữa ăn sang trọng.
Tại Hàn Quốc, nhà hàng phục vụ theo phong cách "omakase" là địa điểm hẹn hò yêu thích của nhiều người trẻ có thu nhập cao (Ảnh: Amy Hemmings).
Vào cuối tuần và ngày nghỉ, nhiều người trẻ sẽ tự thưởng cho mình những chuyến du lịch xa hoa.
Theo dữ liệu từ công ty thương mại điện tử Hàn Quốc Interpark, doanh số bán vé máy bay của họ đạt 173,1 tỷ won (hơn 129 triệu USD) vào tháng 4, tăng 144% so với cùng kỳ năm trước.
Kim Hyung Nam - người vừa trở về từ kỳ nghỉ tại Osaka, Nhật Bản - đã bị sốc khi thấy quá nhiều người trẻ Hàn Quốc đến thăm thành phố này. "Cảm giác như tôi chưa từng rời Hàn Quốc vậy. Vào kỳ nghỉ sau, tôi sẽ du lịch đến một nơi xa hơn", anh nói.
Các chuyến du lịch xa hoa là hoạt động thường xuyên của giới nhà giàu Hàn Quốc (Ảnh: @hoiinni).
Các chuyên gia tại xứ sở kim chi cho biết, tầng lớp trung lưu ở đất nước này đang giảm dần do ảnh hưởng của nền kinh tế bị suy thoái.
"Những hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Họ dần trở thành nhóm người thu nhập thấp do giá cả tăng cao và thu nhập giảm sút. Vì thế, văn hóa tiết kiệm trở nên phổ biến hơn bao giờ hết", Kim Kwang Seok - nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kinh tế và Công nghiệp Hàn Quốc - chia sẻ.
"Những người có thu nhập cao thường ít bị tổn thương bởi việc sụt giảm thu nhập ròng. Họ vẫn sẽ tiếp tục thói quen tiêu dùng xa xỉ, điều này khiến sự phân cực trong tiêu dùng của người trẻ Hàn Quốc được thể hiện rõ ràng hơn", ông nói.
Theo Dân Trí