Bi kịch thần đồng vào đại học năm 13 tuổi: Mẹ ruồng bỏ, trường đuổi học

Nam sinh này bị Viện Khoa học quốc gia cho thôi học do không có khả năng sắp xếp việc học và quản lý cuộc sống.

"Thần đồng phương Đông" 10 năm hiếm gặp

Ngụy Vĩnh Khang được nhìn nhận là một trong những thần đồng Trung Quốc nổi tiếng nhất trong nhiều thập kỷ, theo hãng tin QQ News.

Vĩnh Khang sinh năm 1983 tại quận Hoa Dung, TP Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam. Được mẹ dạy dỗ từ nhỏ, cậu nhanh chóng trở thành thần đồng với loạt thành tích đáng nể.

Bi kịch thần đồng vào đại học năm 13 tuổi: Mẹ ruồng bỏ, trường đuổi học-1
Ngụy Vĩnh Khang cùng cha mẹ.

Năm 2 tuổi, cậu đã thành thạo 1.000 ký tự tiếng Trung, học xong cấp hai khi mới lên 4. Năm 8 tuổi, cậu đỗ vào trường cấp ba trọng điểm của tỉnh.

Năm 13 tuổi, Vĩnh Khang tham gia kỳ thi tuyển sinh Cao Khảo gắt gao và trở thành sinh viên khoa Vật lý của Đại học Tương Đàm với điểm số rất cao.

Năm 17 tuổi, cậu được Trung tâm Vật lý năng lượng cao thuộc Viện Khoa học quốc gia đặc cách nhận vào học khóa thạc sĩ liên thông tiến sĩ. Truyền thông Trung Quốc đặt cho Vĩnh Khang biệt danh “thần đồng Phương Đông” 10 năm hiếm gặp. 

Tại nhà Ngụy Vĩnh Khang, trên các bức tường đều chi chít những công thức toán học, từ vựng tiếng Anh... nhằm giúp cậu dễ dàng ghi nhớ và học hỏi mọi lúc.

Nhờ vào phương pháp giáo dục đặc biệt này, cậu liên tiếp giành được những giải thưởng lớn, trở thành tấm gương "con người ta" hàng triệu phụ huynh Trung Quốc mơ ước.

Bi kịch thần đồng vào đại học năm 13 tuổi: Mẹ ruồng bỏ, trường đuổi học-2
Vĩnh Khang được truyền thông trong nước gọi là "thần đồng phương Đông". 

Tuy nhiên, giống như nhiều "thần đồng nhí" khác, cuộc đời Ngụy Vĩnh Khang không tránh khỏi nốt trầm buồn trước ngưỡng cửa tuổi trưởng thành.

Cậu không những không lấy được bằng thạc sĩ, còn bị nhà trường đuổi học. Cú ngã của thần đồng làm nổ ra cuộc tranh luận lớn về nguyên nhân phía sau.

Năm 2013, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin thần đồng Ngụy Vĩnh Khang bị đuổi học. Tuy nhiên, lý do không phải do khả năng học tập kém mà do chàng trai không có khả năng sắp xếp việc học và quản lý cuộc sống.

Nam sinh không thể tự sinh hoạt như người bình thường dẫn đến hoảng loạn tâm lý, không bắt kịp việc học. Dư luận đất nước tỷ dân bắt đầu đặt dấu hỏi, câu chuyện phía sau dần được hé lộ.

Cuộc sống bị sắp đặt sẵn

Vĩnh Khang là niềm hy vọng lớn nhất của mẹ cậu, bà Tằng Học Mai, với ước nguyện cả đời của bà là con trở thành thiên tài.

Bà Tằng không thực hiện được giấc mơ đại học do thời cuộc, vì vậy bà dành hết tâm trí cho con cái và giáo dục con bằng phương pháp của riêng mình. Cuộc sống của Vĩnh Khang, bởi đó, đã được sắp đặt sẵn.

Theo truyền thông Trung Quốc, ngoài việc học, bà Tằng không để Vĩnh Khang can thiệp vào bất cứ việc gì ở nhà, thậm chí còn đánh răng cho con mỗi sáng. Để con trai không bỏ lỡ việc đọc sách khi ăn, bà cũng đút cho con ăn đến năm cấp ba.

Cửa và tường phòng ngủ của Vĩnh Khang dán đầy các công thức và từ mới khác nhau, ngay cả khi đi vệ sinh, cậu cũng không thoát khỏi việc học.

Bi kịch thần đồng vào đại học năm 13 tuổi: Mẹ ruồng bỏ, trường đuổi học-3
Mẹ bao bọc quá mức khiến Ngụy Vĩnh Khang không thể thực hiện nổi sinh hoạt cá nhân đơn giản.

Bản thân Ngụy Vĩnh Khang từng kể rằng khi còn nhỏ, mẹ luôn bắt cậu ở nhà đọc sách và không bao giờ cho cậu ra ngoài chơi. Chỉ cần có bạn nữ gọi điện cho anh, bà Tằng sẽ nói anh không có ở nhà bởi lo lắng làm con mất tập trung.

Quá phụ thuộc nên khi rời khỏi vòng tay của mẹ, Ngụy Vĩnh Khang không thể tự mình giải quyết những việc sinh hoạt cá nhân đơn giản nhất.

Theo lời các bạn cùng trường, cậu thường mặc một bộ quần áo liên tục không thay, mùa đông thời tiết lạnh 0 độ nhưng vẫn thấy cậu ăn vận một bộ quần áo mỏng manh ra ngoài.

Không chỉ gặp khó khăn trong cuộc sống cá nhân, Ngụy Vĩnh Khang cũng đối mặt với vấn đề về quản lý thời gian và giao tiếp do không có bạn bè.

Do đó, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, cậu gặp khó khăn trong việc hòa nhập với các bạn nghiên cứu sinh khác và không biết cách nói chuyện với thầy hướng dẫn.

Điều đáng chú ý là trong buổi lễ tốt nghiệp, Vĩnh Khang đã quên giờ và bỏ lỡ cơ hội tiếp tục học lên tiến sĩ. Kết quả, cậu bị buộc phải rời trường vì không thích nghi được với môi trường nghiên cứu.

Chuyến bỏ nhà kéo dài 39 ngày

Nhận được tin từ nhà trường, bà Tăng lập tức đến tìm và trách móc Vĩnh Khang. Sau đó, bà bỏ về quê Hồ Nam, không liên lạc với con trai trong khi Vĩnh Khang không dám về nhà mà đi lang thang khắp 16 tỉnh, thành Trung Quốc.

Đến khi trong túi không còn một đồng, cậu mới nhờ cảnh sát để được về nhà. "Chuyên đi của tôi kéo dài 39 ngày. Thời gian này tôi đã phải tự lo cho mình, đó là kinh nghiệm tốt", Vĩnh Khang nói, theo Sohu.

Sau cú sốc, Nguỵ Vĩnh Khang trở về nhà. Bà Tằng dần nhận ra mình đã sai lầm trong cách giáo dục con và bắt đầu dạy anh làm việc nhà, tự chăm lo cho bản thân. Anh cũng lui về ở ẩn, bắt đầu sống như người bình thường, tìm công việc với mức lương ổn định và kết hôn sinh con năm 2010.

Bi kịch thần đồng vào đại học năm 13 tuổi: Mẹ ruồng bỏ, trường đuổi học-4
Bức tường kiến thức "huyền thoại" tại nhà Vĩnh Khang, nơi mẹ bắt cậu học mọi lúc mọi nơi.

Trong mắt vợ, Ngụy Vĩnh Khang "từ một đứa trẻ thần đồng đã thay đổi thành một người chồng hiểu đời".

Có người xót xa cho rằng đây là sự sa ngã của thần đồng, nhưng nhìn từ góc độ cuộc đời của Ngụy Vĩnh Khang, đó có thể là con đường bình thường và hạnh phúc hơn.

Năm 2021, vợ Ngụy Vĩnh Khang bất ngờ đăng tải cáo phó trên Weibo, thông báo chồng đã qua đời ở tuổi 38 do bạo bệnh, kết thúc chặng đường vinh hiển nhưng cũng muôn phần tủi nhục của "thần đồng phương Đông".

Ngụy Vĩnh Khang không phải là trường hợp cá biệt, trên thực tế có rất nhiều tấm gương “thần đồng sa ngã”. Trong nhiều trường hợp, cái gọi là “thần đồng” chỉ là sự phát triển trí tuệ tương đối sớm hơn, không nhất thiết có nghĩa là ưu thế tuyệt đối về chỉ số IQ.

Đồng thời, một số phụ huynh của “thần đồng” không có đủ kiến ​​thức cũng như trình độ nhận thức, chưa hiểu khoa học giáo dục, chạy theo “sự đốt cháy” một cách mù quáng có thể dẫn đến làm hỏng cả một cuộc đời.

Vì vậy, bên cạnh kiến thức sách vở, phụ huynh nên dành nhiều thời gian bồi dưỡng cho những con kỹ năng sống để con có thể học hỏi và phát triển một cách toàn diện.

Có như vậy, các con mới có thể tồn tại, không bị đẩy lại phía sau khi bước vào xã hội đầy khắc nghiệt.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/bi-kich-than-dong-vao-dai-hoc-tu-nam-13-tuoi-bi-me-ruong-bo-truong-duoi-hoc-2149039.html

thần đồng hiện tượng mạng xã hội đại học Thiên tài

Tin tức mới nhất