Báo Washington Post nêu ra 5 'bí mật' gắn với những chuyến công du của Tổng thống Mỹ.
Chủ nhà bị chú ý
Hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các đối thủ về địa chính trị của Washington, cũng đều muốn Tổng thống Mỹ tới thăm. Sự hiện diện của nhà lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới là dấu hiệu của sự tôn trọng.
Tuy nhiên, đi kèm với chuyến thăm cũng là nỗi lo lắng, bởi Tổng thống Mỹ là người nổi tiếng có những bài phát biểu về các chủ đề dân chủ hoặc tự do ngôn luận vốn nhạy cảm ở nhiều nước.
Các thành phố bị "phong tỏa"
Khi Tổng thống Mỹ đến, báo chí địa phương thường đưa tin về cảnh tượng các thành phố của đất nước họ bị "tê liệt". Chẳng hạn tháng 1/2015, khi Obama thăm Ấn Độ, tờ Hindustan Times tường thuật: "Thủ đô sắp bị phong tỏa vào ngày 26/1. Các văn phòng, các tuyến đường huyết mạch và ga tàu điện ngầm phải đóng cửa vì an ninh".
Các chuyến đi của Tổng thống Mỹ đòi hỏi an ninh thắt chặt cao độ. Tại Delhi, đoàn tùy tùng của Obama đã đăng ký toàn bộ khách sạn Maurya.
Nhưng không phải chuyến thăm nào của Tổng thống Mỹ cũng như vậy, nên một số khách bình thường cũng có thể bắt gặp Obama đang tập vài động tác trong phòng thể dục. Tất nhiên, những vị khách này đều phải qua kiểm tra an ninh, đi qua máy dò kim loại. Hồi tháng 6/2014, ông Obama từng bị quay lén khi đang rèn luyện thể lực ở một khách sạn Ba Lan.
Nguy cơ an ninh cao
Trong các chuyến đi công cán cấp cao, Tổng thống Mỹ có thể là một mục tiêu bị nhắm đến. Đó là lý do Mật vụ Mỹ thường yêu cầu chính phủ sở tại chấp nhận ngoại lệ. Đó là để Obama đi trên chiếc limousine chống đạn của ông, chứ không đi cùng lãnh đạo chủ nhà.
Máy bay vận tải C-17 Globemaster III mang theo xe limousine của Tổng thống Mỹ trong
một chuyến công du.
một chuyến công du.
Trong mỗi chuyến công du của Tổng thống, Mật vụ Mỹ phải dựa vào các lực lượng an ninh nước ngoài để hỗ trợ họ. Nhưng không có gì là an toàn tuyệt đối.
Trong chuyến công du của Tổng thống Bush tới Tbilisi, Grudia, năm 2005, một kẻ đã ném lựu đạn cách Tổng thống 30m, khi ông đang phát biểu trên bục trước hàng chục nghìn người. May mắn là lựu đạn không phát nổ.
Một cựu quan chức Mỹ cho biết, kể cả ở các thành phố lớn như New York, vốn quen thuộc với các chuyến thăm của Tổng thống, an ninh cũng được thắt chặt. Yêu cầu an ninh càng cao khi ông chủ Nhà Trắng công du nước ngoài.
Điển hình là trong một lần ông Bush tới Pakistan, các quan chức an ninh Mỹ đã triển khai 4 kiểu vận tải khác nhau, gồm có đoàn xe hộ tống và trực thăng ở mỗi điểm dừng. Vì vậy, ngay cả các quan chức an ninh địa phương cũng không thể nắm được Tổng thống Mỹ đang ngồi trên xe nào, và mỗi xe đều có nghi trang.
Bí mật về Không lực 1
Theo các quan chức quân sự Mỹ, chiếc Boeing 747 chuyên chở Tổng thống Mỹ có thể tiếp nhiên liệu trên không. Tuy vậy, điều này chưa từng được thực hiện khi người đứng đầu Nhà Trắng có mặt trên máy bay.
Không lực 1 có thể bay từ Washington tới Iraq mà không cần thêm nhiên liệu. Trong các chặng dài hơn tới châu Á, máy bay sẽ dừng tại các căn cứ quân sự Mỹ ở Alaska hoặc Đức.
Tuy nhiên, tiếp nhiên liệu khi đang bay là rất an toàn, và máy bay E-4B của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thường làm như vậy.
Chi phí tốn kém
Các chuyến công du của Tổng thống Mỹ thường rất tốn kém. Thật khó biết chính xác số tiền cụ thể, vì đây là bí mật. Tuy nhiên, nội dung một lá thư nội bộ của Cơ quan Mật vụ Mỹ tiết lộ cho Washington biết trước chuyến thăm 3 nước châu Phi của ông Obama năm 2013 chứng tỏ chi phí rất lớn.
Chuyến đi cần đến hàng trăm nhân viên Mật vụ để đảm bảo an ninh tại các cơ sở ở Senegal, Nam Phi và Tanzania. Một hàng không mẫu hạm hoặc tàu đổ bộ, với một trung tâm y tế xử lý chấn thương có đầy đủ nhân viên, đậu ở ngoài khơi phòng trường hợp khẩn cấp.
Các máy bay vận tải quân sự chở 56 ôtô hỗ trợ, trong đó có 14 chiếc limousine và 3 xe tải chở kính chống đạn đến để lắp ngoài các cửa sổ khách sạn nơi Tổng thống Mỹ và gia đình ở. Các chiến đấu cơ được điều động theo ca, bảo vệ không phận đủ 24 giờ mỗi ngày.
Những người thạo việc lên kế hoạch công du cho Tổng thống Mỹ ước tính, tổng chi phí vào khoảng 60-80 triệu USD cho thời gian 8 ngày ông Obama rời khỏi Washington.
Theo một báo cáo từ Văn phòng Giải trình của Chính phủ Mỹ, chuyến công du năm 1998 của Tổng thống Bill Clinton tới 6 nước châu Phi ngốn ít nhất 42,7 triệu USD.
Theo Vietnamnet