Nằm ở vùng nông thôn phía bắc đảo chính của Okinawa, ngôi làng Ogimi có một tấm bia đá nhỏ với vài câu viết bằng tiếng Nhật: "Ở tuổi 80, bạn chỉ đơn thuần là một thanh niên. Ở tuổi 90, nếu tổ tiên mời bạn đến thiên đàng, hãy xin họ đợi đến khi bạn 100 tuổi, lúc này, bạn có thể cân nhắc điều đó".
Đó không phải là khoa trương. Theo thống kê mới nhất, 15 trong số 3.000 dân làng Ogimi là những người trăm tuổi. 171 người ở độ tuổi 90. Ở Nhật Bản, hiện có hơn 70.000 người từ 100 tuổi trở lên.
Trước thời điểm Covid-19 bùng phát, du khách dần quan tâm đến ngôi làng. Masataka Nozato tại văn phòng làng Ogimi cho biết nơi đây cách xa con đường du lịch nhưng bắt đầu có lượng du khách ghé đến tăng nhẹ vì họ tò mò với tuổi thọ của người dân.
Một trong những người trăm tuổi sống ở "ngôi làng trường thọ" Ogimi, cụ Haru Miyagi, 100 tuổi, là góa phụ có chồng chết trong Thế chiến thứ hai và có một con trai đang làm việc ở Tokyo.
Tại sao người dân ở Ogimi sống thọ?
Hòn đảo nằm ở phía nam Nhật Bản Okinawa được tác giả kiêm nhà thám hiểm của National Geographic Dan Buettner chọn là một trong 5 "vùng xanh" trên thế giới, nơi ông cho rằng mọi người sống lâu và hạnh phúc nhất. Những nơi khác bao gồm Sardinia (Italy), Nicoya (Costa Rica), Ikaria (Hy Lạp) và Loma Linda (Mỹ).
Buettner nói: "Mọi nơi có người dân sống thọ trên thế giới đều trải qua những thời kỳ khó khăn. Họ đã trải qua chiến tranh, nạn đói, cùng những căng thẳng như chúng ta đang phải chịu đựng ngay bây giờ (vì đại dịch Covid-19) và họ có thể đưa ra lời khuyên cho chúng ta".
Người Okinawa có thể khuyên chúng ta điều gì? Tại sao Ogimi và những nơi khác trên đảo có nhiều người sống thọ từ bao đời nay? Điều đó xuất phát từ 3 yếu tố chính: chế độ ăn uống, tập quán xã hội và di truyền, theo Craig Willcox, giáo sư sức khỏe cộng đồng và lão khoa tại Đại học Quốc tế Okinawa, đồng tác giả chính của Nghiên cứu Okinawa Centenarian về tuổi thọ của người Okinawa kể từ năm 1975.
"Khoảng 2/3 tuổi thọ liên quan đến chế độ ăn uống và cách sống, phần còn lại là do di truyền. Chúng tôi chưa xem xét liệu Okinawa có lợi thế di truyền so với các vùng khác của Nhật Bản hay không nhưng tuổi thọ có trong di truyền của các gia đình ở đây", Willcox nói.
Bà Misako Miyagi, 88 tuổi, "chỉ đơn thuần là một thanh niên", theo một câu nói ở Ogimi, nơi tập trung đông những người trăm tuổi.
Sử dụng thực phẩm làm thuốc
Ngoài di truyền, chế độ ăn uống là yếu tố cần lưu ý để xác định cách sống thọ của người dân Okinawa.
Nếu bạn đến một nhà hàng du lịch tại đây hoặc quán ăn theo chủ đề Okinawa điển hình ở Tokyo, thực đơn là thịt lợn và rượu mạnh tương tự những nơi khác trên khắp nước Nhật. Tuy nhiên, đây không phải là đại diện cho thói quen ăn uống của người dân ở đảo.
Awamori, loại rượu đặc sản của Okinawa, cay nồng và có độ cồn 40%.
"Về mặt ngăn ngừa ung thư và bệnh tim mạch, chế độ ăn uống của người Okinawa có hơn 5 khẩu phần trái cây cùng rau mỗi ngày, kết hợp nhiều cá, tốt cho tim mạch hơn thịt", Willcox nói.
"Có một cụm từ tiếng Okinawa, nuchi gusui, có thể dịch là 'hãy để thức ăn là thuốc của bạn'. Khoai lang, mướp đắng, thực phẩm biển giàu carotenoid như rong biển, rau lá xanh và trái cây trong chế độ ăn uống có tác dụng chống lão hóa, giúp giảm viêm, ứng kích oxy hóa", ông giải thích.
Một số người cho rằng Chouju-zen, hay "thực phẩm trường thọ", giàu dinh dưỡng nhưng chứa ít calo, góp phần mang đến cuộc sống lâu dài cho người dân Okinawa.
Giáo sư tại Đại học Quốc tế Okinawa cũng cho biết chế độ ăn truyền thống của người Okinawa giàu dinh dưỡng nhưng nghèo calo. Nguyên nhân là thay vì gạo trắng, khoai lang được coi là lương thực chính ở đây cho đến những năm 1960.
Willcox nói rằng chế độ ăn này là điều lý tưởng: "Trong một thí nghiệm, nếu bạn hạn chế lượng calo trong khẩu phần ăn của động vật có vú, chúng sẽ sống lâu hơn rất nhiều. Sự thiếu hụt năng lượng kéo dài sẽ kích hoạt chế độ tự duy trì, bạn thích ứng để có tỷ lệ chuyển đổi thực phẩm thành năng lượng có thể sử dụng cao hơn và kích hoạt các enzym thúc đẩy tuổi thọ".
Cộng đồng gắn kết
Cuộc sống trên đảo Okinawa không giống những nơi khác của Nhật Bản. Người Okinawa sống tại hòn đảo xinh đẹp, có khí hậu cận nhiệt đới, với mùa đông ôn hòa.
Cộng đồng ở đây có những sắp xếp giúp các cư dân lớn tuổi giữ được mục đích hay ikigai (khái niệm tiếng Nhật có nghĩa là "lý do tồn tại") trong cuộc sống của họ. Mang lại cho nhiều người ở Ogimi một ikigai là nghề dệt vải basho-fu.
Tại trung tâm basho-fu, những người phụ nữ lớn tuổi thường làm sạch sợi và cuộn chỉ. Công việc này không chỉ là cách để duy trì hoạt động xã hội mà còn mang lại cho những người cao niên thu nhập và đóng góp vào kinh tế làng.
Người dân Ogimi tham gia lễ hội Ungami. Ảnh: Alessandro Gandolfi, Parallelozero.
Không chỉ vậy, sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng còn được thể hiện thông qua moai. Cơ chế xã hội Okinawa này tập hợp những nhóm người có cùng mối quan tâm lại với nhau, cho phép họ phát triển các kết nối tình cảm. Tác giả Buettner nói rằng yếu tố này quan trọng để bạn sống lâu vì "cô đơn cũng tệ như hút thuốc vậy".
Ông Takashi Inafuku, người dân Ogimi, thuộc về 2 moai, một với nhóm bạn cùng trường và một với đồng nghiệp cũ, cho biết: "Moai là nơi bạn có thể trao đổi thông tin và giao tiếp với những người khác. Tôi nghĩ rằng tham gia moai, có chung sở thích và xả stress, có thể giúp tăng tuổi thọ".
Willcox nói thêm rằng việc thuộc nhiều moai là điều phổ biến: "Tôi biết một người đàn ông Ogimi ở trong 7 moai. Mọi người trung thành với moai của họ. Tôi đã gặp nhóm phụ nữ 80 tuổi trên một hòn đảo xa xôi, họ đã ở cùng nhau từ khi còn học tiểu học".
Theo Zing