Khi du ngoạn trên các hòn đảo của Indonesia như Togean, Banggai, Quần đảo Lesser Sunda hoặc quanh Biển Banda, bạn có thể gặp phải những người du mục biển Bajau. 

Sống ngoài khơi Indonesia hơn 1.000 năm, người Bajau sống trên những ngôi nhà nổi làm bằng gỗ, họ dành phần lớn cuộc đời của mình trên biển. Họ lang thang trên biển để đánh bắt cá, tôm, bạch tuộc, hải sản bằng giáo, sử dụng nguồn lợi từ biển cả để kiếm sống. 

Các nhà khoa học còn phong cho họ là những thủy thủ xuất sắc, bởi ngoài tài bơi lội đỉnh cao, họ còn có khả năng thích ứng tuyệt vời với những cơn sóng dữ dội. 

Bộ tộc dành khoảng 60% thời gian dưới nước mỗi ngày nhờ gen du mục biển-1
Người Bajau là những tay thợ lặn giỏi của biển cả. (Ảnh: Cory Richards/National Geographic Image Collection/Alamy Stock Photo)

Bộ tộc Bajau có khả lặn thường xuyên dưới biển, nhờ sở hữu dung tích phổi phi thường, cùng kỹ năng bơi lội mạnh mẽ. Các thành viên của bộ tộc này có thể lặn biển ở độ sâu tới 70m chỉ với một cặp kính bảo hộ, cùng một cây giáo đánh bắt.

Nói chuyện với Đài BBC, chuyên gia Melissa Ilardo, đến từ Đại học Cambridge cho biết: "Họ dành khoảng 60% thời gian mỗi ngày ở dưới nước. Nhưng hóa ra không chỉ có kỹ năng mới giúp họ đạt được điều phi thường này, mà do một đột biến gen độc nhất được gọi là “gen du mục biển”, gen này quy định họ có lá lách cực lớn”.

Khi tiến hành siêu âm 59 người trong bộ tộc Bajau để đo kích cỡ lá lách, các chuyên phát hiện lá lách của người Bajau to hơn 50% so với lá lách của những người Saluan sống gần biển nhưng không có khả năng lặn.

Lá lách to này hoạt động mạnh mẽ khi cơ thể chìm trong nước, giúp nâng cao khả năng lặn biển của bộ tộc. Lá lách co bóp để bơm các tế bào hồng cầu mang oxy vào hệ tuần hoàn cơ thể, điều này có thể làm tăng lượng oxy trong máu con người lên 9%.

Vì vậy, thật hợp lý khi có lá lách to hơn, người Bajau có lợi thế nhiều hơn khi lặn dưới nước. Tiến sĩ Ilardo còn cho biết: “Hiện tại, không có nhiều thông tin mối liên hệ về mặt sinh lý và di truyền của lá lách con người, nhưng chúng tôi biết rằng ở hải cẩu lặn sâu, như hải cẩu Weddell, chúng cũng có lá lách lớn không cân đối”.

Mặt khác, Tiến sĩ Ilardo tin rằng ở người Bajau, họ có “gen du mục biển” thích nghi làm tăng nồng độ hormone tuyến giáp, do đó làm tăng kích thước lá lách của họ.

Bộ tộc dành khoảng 60% thời gian dưới nước mỗi ngày nhờ gen du mục biển-2
Các gia đình Bộ tộc Bajau biệt lập đã phát triển mạnh trong nhiều thế kỷ, bằng cách duy trì trạng thái cân bằng hoàn hảo với đại dương. (Ảnh: Authentic-indonesia)

"Người ta đã chứng minh ở chuột rằng, hormone tuyến giáp và kích thước lá lách có mối liên hệ với nhau. Nếu bạn làm biến đổi gen ở chuột để không có hormone tuyến giáp T4, kích thước lá lách của chúng sẽ giảm đáng kể, nhưng tác dụng này thực sự có thể đảo ngược, khi bạn tiêm vào đó hormone tuyến giáp T4”, Tiến sĩ Ilardo chia sẻ thêm.

Hiện tại, thật khó để biết chính xác người Bajau lặn liên tục ở dưới nước bao lâu, nhưng một số người cho rằng, họ đã ở dưới biển lâu tới 13 phút.

Bajau là một trong những bộ tộc du mục biển cuối cùng ở Indonesia. Cuộc sống của họ giờ đây đang thay đổi, cùng với sự phát triển của thế giới hiện đại, trong đó có áp lực kinh tế. 

Chính phủ và các tổ chức viện trợ gây áp lực buộc cộng đồng này phải tuân theo các tiêu chuẩn giáo dục dành cho con cái họ và chuyển đến các khu định cư lâu dài. Tuy nhiên, mối liên hệ sâu sắc của Bộ tộc Bajau với đại dương ngày nay vẫn còn rất sâu sắc.

Theo VTC