Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Bách Lý Châu, thành phố Chi Giang, Trung Quốc, Đàm Dao (SN 1994) được mệnh danh là thần đồng bởi bảng thành tích đáng nể. Tuy nhiên, cô lại chọn ra đi mãi mãi khi mới chỉ 14 tuổi. Đến nay lý do về sự ra đi ấy vẫn là bài học đáng suy ngẫm.
Theo Sina, bố mẹ Đàm Dao đều làm giáo viên, từ nhỏ Đàm Dao đã thừa hưởng những tố chất tốt từ bố mẹ, cô gái được đầu tư cho đi học sớm trước tuổi.
4 tuổi, Đàm Dao vào lớp 1 trong khi các bạn đồng trang lứa mới tập quen với việc tô màu.Ảnh: Sina
Lên 4 tuổi, Đàm Dao vào lớp 1 trong khi các bạn đồng trang lứa mới tập quen với việc tô màu. Chương trình tiểu học không làm khó cô bé quê Bách Lý Châu. Tiểu thần đồng chỉ mất 2 năm để hoàn thành chương trình lớp 4, đạt thành tích cao nhất lớp.
Năm 2003, mẹ chuyển công tác, Đàm Dao mới 9 tuổi đã phải chuyển đến học tại trường trung học Lưu Hạng ở Bách Lý Châu. Do trước đó đã học vượt lớp từ khi còn rất nhỏ nên Đàm Dao không có học bạ. Mãi đến khi học cấp 2, học bạ của cô bé mới được bổ sung.
Tại trường trung học Lưu Hạng, Đàm Dao luôn nổi bật với khả năng học tập xuất sắc.
Hiệu trưởng trường nhận xét: "Đàm Dao là một cô bé cá tính. Không chỉ có thành tích học tập đáng nể, em còn có năng khiếu ca múa, đàn hát, yêu thích thể dục và tin học". Nhà trường đánh giá Đàm Dao hội tụ đủ tố chất để vào trường cấp 3 trọng điểm.
Với thành tích học tập nổi bật và đánh giá cao từ nhà trường, Đàm Dao đã xuất sắc trở thành học sinh của một trường THPT chuyên trọng điểm ở thành phố Chi Giang khi mới 12 tuổi.
Tuy nhiên, khi lên cấp 3, thành tích học tập của Đàm Dao bắt đầu sa sút. Cô bé đã hai lần bị điểm kém môn toán dưới trung bình nhưng lại giấu mẹ. Khi mẹ Đàm Dao phát hiện và đến trường trao đổi với giáo viên, điều này đã khiến Đàm Dao cảm thấy xấu hổ với bạn bè.
Không chỉ vậy, Đàm Dao còn bị phát hiện làm việc riêng trong giờ học. Thầy Lý Khai Tùng, giáo viên chủ nhiệm của Đàm Dao, cho biết cô bé đã đọc tạp chí trong giờ tiếng Anh. Đây là lần thứ ba Đàm Dao tái phạm hành vi này.
Sau giờ học hôm đó, Đàm Dao bị thầy giáo gọi lên bục giảng và cảnh cáo trước cả lớp. Thầy chủ nhiệm nghiêm khắc nói: "Trong tuần này, em không những không đạt thành tích tốt mà còn làm việc riêng trong giờ. Vì vậy, em phải mời phụ huynh đến trường để trao đổi."
Kể từ khi bị thầy giáo khiển trách, Đàm Dao trở nên khép mình và có những hành vi khác lạ. Cô bé không còn nói chuyện và vui vẻ với bạn bè như trước nữa. Bi kịch đã xảy ra vào ngày 6/3/2008, khi thầy giáo phát hiện Đàm Dao mất tích, và trên bàn học của cô bé là một bức thư tuyệt mệnh.
Mở đầu bức thư, Đàm Dao viết: “Con mong bố mẹ hãy tha lỗi cho đứa con bất hiếu này. Con biết bố mẹ sẽ rất đau khổ. Nhưng con xin bố mẹ đừng vì chuyện này mà ảnh hưởng tới sức khỏe, nếu không, ở thế giới khác, con sẽ rất đau lòng”.
Trong thư Đàm Dao cho biết, đã quá mệt mỏi và muốn giải thoát bản thân sang thế giới khác: “Con còn nhớ, hồi con học lớp 7, đã có một bạn cùng khối tự sát. Lúc đó có người hỏi con có dám tự sát hay không, con chỉ mỉm cười rồi nói điều đó không thể nào. Thế nhưng giờ đây con đã mệt rồi".
"Vì con là đứa con duy nhất nên bố mẹ đã quá kỳ vọng. Con xin lỗi vì đã làm bố mẹ thất vọng”, Đàm Dao viết.
Người mẹ khóc nghẹn khi nghe tin con gái mất. Ảnh: Sina
Cô cho biết, áp lực học tập ở trường rất nặng nề: “Giáo viên chủ nhiệm luôn quản con rất nghiêm khắc. Thầy luôn nói con không được đọc sách ngoại khóa trong giờ học, đối với con điều này vô cùng khó khăn.
Đây là lần thứ 3 thầy phát hiện ra con làm điều này, con không muốn phải đối mặt với nó nữa. Con đã làm mất mặt bố mẹ...”.
Ngay sau khi phát hiện Đàm Dao mất tích, nhà trường và gia đình đã khẩn trương tìm kiếm cô bé. Đến ngày 8/3/2008, thi thể của Đàm Dao được tìm thấy nổi lên trong một ao nước gần trường học.
Cái chết của Đàm Dao đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhiều người. Cô bé sở hữu khả năng học tập thiên phú, và mọi người đều tin rằng Đàm Dao sẽ trở thành một người xuất chúng khi trưởng thành.
Sự ra đi của thần đồng Đàm Dao ở tuổi 14 đã gây ra nhiều tranh cãi. Nhà nghiên cứu Tôn Vân Hiểu tại Trung tâm Nghiên cứu Thanh thiếu niên Trung Quốc cho biết: “Chỉ vì bị thầy giáo phê bình mà Đàm Dao tự tử, có khả năng cao em bị vấn đề tâm lý”.
Trong thư tuyệt mệnh Đàm Dao nhiều lần nhắc đến “kỳ vọng”, “áp lực” và “mệt mỏi”. Điều này cho thấy việc tự tử của Đàm Dao không phải ngẫu nhiên
Tôn Vân Hiểu nói thêm, sở dĩ Đàm Dao cảm thấy áp lực rất lớn là do sự khác biệt giữa tuổi tác so với các bạn trong lớp và các kỳ vọng của bố mẹ gây ra.
Mặc dù tuổi còn nhỏ, nhưng Đàm Dao được truyền thông Trung Quốc xây dựng hình tượng là một thần đồng. Điều này vô hình trở thành áp lực, thậm chí còn là gánh nặng khiến Đàm Dao không thể chịu đựng, vô tình “chiếm đoạt” đi những quyền tự do của một cô bé chưa đủ tuổi vị thành niên.
Theo Người Đưa Tin