Các công ty Nhật Bản bóc lột lao động nước ngoài bằng cách nào?

Tang Xili đến Nhật Bản vào năm 2013 với hy vọng kiếm đủ tiền để xây ngôi nhà mới. Nhưng ước mơ của cô đã kết thúc trong một căn nhà tạm của Liên đoàn Lao động sau khi cô rời bỏ chỗ làm vì ông chủ nợ tiền lương.

Cô Tang Xili. (ảnh Bloomberg)

“Tôi rất hối hận khi đến Nhật Bản”

Cô Tang Xili năm nay 35 tuổi và đến từ thành phố Nghi Chinh (Giang Tô, Trung Quốc). Người phụ nữ này cho biết cô phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày, 6 ngày/tuần nhưng chỉ được trả khoản lương tối thiểu khi phải làm thêm giờ và không thể phàn nàn với nhà tuyển dụng vì các điều khoản thị thực.

"Tôi thực sự rất hối hận khi đến Nhật Bản. Tôi sẽ không khuyên bạn bè đến đây để chịu khổ như tôi" – Tang Xili cho biết. Hiện cô đang ở nhà tạm trú ở Hashima, tỉnh Gifu miền trung Nhật Bản, nơi cô đang nỗ lực đấu tranh để đòi tiền lương.

Theo Tang, cô đã nộp 30.000 nhân dân tệ (4.600 USD) cho một cơ quan tuyển dụng tại Trung Quốc để tìm việc làm với lời cam kết trở về nhà cùng 5 triệu yên (44.000 USD) tiền tiết kiệm. Cô đã bỏ lại đứa con gái 9 tuổi ở quê nhà và đến công ty Takara Seni của Nhật cùng 30 lao động người Trung Quốc khác.

Tang và các bạn học viên Trung Quốc phải làm việc  từ 7h đến 20h35 các ngày trong tuần và chỉ được nghỉ 1h đồng hồ. Công ty chi trả cho cô Tang 700 yên/giờ cho các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 và 400 yên/ giờ ngày thứ Bảy và thời gian làm thêm giờ - mức lương tối thiểu. Cô ở với tối đa 5 công nhân khác trong ký túc xá công ty và thường kiếm thêm thu nhập bằng cách may nút, làm sạch vải xơ tới tận 2h sáng. 

Tang cho biết kiếm được khoảng 140.000 yên/tháng sau khi trừ tiền thuê nhà, điện nước, các tiện ích cá nhân và dịch vụ Internet – khoản tiền gấp đôi so với quê nhà nhưng đổi lại, phải làm gấp đôi thời gian. Tang còn tiết lộ ông chủ cấm cô và các đồng nghiệp sở hữu điện thoại di động và giữ sổ tiết kiệm khi họ về thăm nhà, khiến họ không thể sử dụng tiền của mình.

Tang Xili là một trong số hơn 180.000 lao động nước ngoài tại Nhật Bản, những người đã đạt giấy phép lao động trong chương trình của chính phủ nhằm đào tạo nhân lực có tay nghề cho các nước đang phát triển. Nhưng theo tài liệu chính phủ và lời kể của các quan chức, người lao động, một số công ty Nhật Bản đã lợi dụng chương trình này để phá vỡ quy định nghiêm ngặt của nước này về lao động nước ngoài và tiếp cận với nguồn cung lao động rẻ mạt.

Takara Seni, nơi cô Tang từng làm việc, là một nhà máy dệt may tại Kagawa, miền nam Nhật Bản. Giám đốc Yoshihiro Masago từ chối thảo luận về trường hợp của Tang nhưng cho biết công ty của ông rất cần lao động nước ngoài.

Masago mong muốn Thủ tướng Shinzo Abe đề ra chương trình nhập cư thích hợp cho người lao động nước ngoài để làm các công việc không cần tay nghề cao và tất nhiên, với mức lương thấp. Ông Abe vẫn đang nặng đầu với hàng tá mối nguy hại đang bủa vây nền kinh tế Nhật Bản và không thể giải quyết nhu cầu của các công ty Nhật Bản. 

"Chính quyền ông Abe sẽ không theo đuổi chính sách nhập cư. Đó là một điều cấm kỵ vì Nhật là một nước đơn huyết hệ điển hình và phần lớn người dân sẽ không chấp nhận chuyện nhập cư” - Kazuteru Tagaya, giáo sư luật tại Đại học Dokkyo nói.

Góc tối của chương trình đào tạo lao động nước ngoài

Để đối phó với tình trạng sụt giảm nhân lực và gánh nặng tiền lương, chính phủ Abe đã mở rộng hệ thống đào tạo lao động nước ngoài tại Nhật – “cửa sau” để đón nhân lực từ các nước đang phát triển. 

Chương trình đào tào bắt đầu từ năm 1993 và tuyển học viên cho 72 ngành nghề như nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, chế biến thực phẩm và dệt may. Tính đến tháng 1/2015, 31.320 công ty đã tham gia chương trình này.

Quốc hội Nhật cũng đã thông qua dự luật nhằm mở rộng chương trình đào tạo lao động từ 3 lên 5 năm và có cơ quan giám sát để ngăn chặn các hành vi bóc lột lao động. Dự luật sẽ yêu cầu các cơ quan trong nước phải xin giấy phép, trong khi các cơ quan giám sát sẽ xem xét lại kế hoạch đào tạo, theo dõi các công ty tham gia chương trình đào tạo lao động và sẽ có hình thức xử phạt, cấu thành tội “lạm dụng học viên lao động”.

Giáo sư Tagaya lo ngại rằng, nếu không có sự giám sát thích hợp, nhiều công ty sẽ chi đậm cho nhà cung cấp lao động và trừ vào tiền lương công nhân.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ tháng 7/2015, một số công nhân thuộc chương trình đào tạo lao động cho biết họ bị cưỡng bức lao động. Nhưng phía Nhật chưa từng xác nhận trường hợp nào như thế dù đã có nhiều bằng chứng về việc gán nợ, tịch thu hộ chiếu và giam lỏng công nhân. 

Báo cáo của Mỹ còn cho biết người lao động đã phải bỏ ra 10.000 USD để được thuê vào làm việc với một bản hợp đồng mà điều khoản bồi thường nếu lao động bỏ đi lên đến vài ngàn USD, cộng với hàng loạt mức phí phi lý và cả các “hợp đồng phạt”. 

Theo Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma túy và Tội phạm, buôn người là hành động vận chuyển người trái phép bằng vũ lực, lừa đảo hoặc bằng các mánh khóe với mục đích bóc lột họ, còn Liên Hiệp Quốc nói rằng những người bị cưỡng bức lao động có thể chính là những người nhập cư bị mắc kẹt bởi các khoản gán nợ. Như vậy, hành động của một số công ty Nhật Bản có dấu hiệu phạm tội “buôn người”.

Năm 2014, Bộ Lao động Nhật Bản điều tra 3.918 công ty tuyển dụng học viên lao động và có tới 76% số công ty vi phạm luật lao động như chỉ trả 310 yên/giờ - chưa bằng một nửa lương tối thiểu, bắt công nhân làm 120 giờ làm thêm/tháng so với 45 theo quy định và không đảm bảo an toàn lao động. Bộ Lao động Nhật Bản không công khai danh sách các công ty vi phạm luật.

“Những người này (học viên) phải làm việc ngay cả khi họ chỉ được trả 300 yên/giờ và bị quấy rối tình dục"- Shoichi Ibusuki, một luật sư chuyên hỗ trợ học viên khó khăn tại Tokyo nói. Ông cho biết nhiều người phải cắn răng làm việc vì đã vay mượn nhiều tiền ở quê nhà để sang Nhật làm việc.

Nhiều lao động Trung Quốc đã tan “giấc mơ Nhật” vậy còn lao động Đông Nam Á?

Nhiều học viên Trung Quốc không chịu nổi cảnh bị bóc lột và đã bỏ trốn. Chỉ trong năm 2014, 4.847 học viên mất tích, trong đó gần 2/3 là người Trung Quốc và con số này dự kiến sẽ tăng trong những năm tới. 

Chúng ta cùng đến với câu chuyện của học viên Zhang Wenkun. Người đàn ông 36 tuổi này đã ở nhà tạm trú của Liên đoàn Lao động được 3 tháng. Ông làm việc tại Nobe Kogyo, một công ty tái chế xây dựng chất thải ở quận Tochigi, phía bắc Tokyo và gặp chấn thương tay do máy nghiền gỗ. Ông cho biết đã nhận được thanh toán bảo hiểm trong 3 tháng ông nghỉ việc điều trị. Nhưng khi ông trở lại làm việc và gặp tai nạn lần nữa, công ty đã ném ông ra đường.

"Chương trình (đào tạo lao động) này là một thất bại lớn. Nó hoàn toàn vô nghĩa. Họ đã hủy hoại giấc mơ của tôi. Sự thật còn tàn nhẫn hơn nhiều” – ông Zhang Wenkun nói với cánh tay đầy sẹo.

Ông Zhang và cánh tay đầu sẹo. (ảnh Bloomberg)

Công ty nơi Zhang từ chối bình luận về những cáo buộc trên. Nhân viên Bộ lao động Motohiro Onda cho biết vẫn không rõ sẽ điều tra những công ty bị cáo buộc bóc lột lao động hay không bởi vì cục điều tra không tiếp cận được các hồ sơ cụ thể.

Tại Bắc Kinh, lương trung bình hàng tháng là 6.463 nhân dân tệ (tương đương 990 USD) vào năm 2014, so với mức lương tối thiểu 124.800 yen (1.100 USD)/tháng cho một ngày làm việc tám tiếng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, đồng yên Nhật đã mất giá 21% so với Nhân dân tệ kể từ cuối năm 2012 khiến tiền lương trả cho nhân công Trung Quốc mất giá khi lao động trở về quê nhà.

Điều đó đã khiến một số nhà tuyển dụng Nhật Bản tìm kiếm nhân công giá rẻ ở Việt Nam, Philippines và Indonesia.

TSS - nhà sản xuất máy móc thiết bị công nghiệp đã lần đầu tiên đón sáu học viên đến từ Việt Nam năm ngoái. 8 lao động nữ Trung Quốc khác thì vào làm cho công ty Toyama Seikensha.

Hai công ty này đảm bảo tuân thủ các quy định và dành khoảng 200.000 yen tháng cho mỗi học viên gồm lương cơ bản, làm thêm giờ và những loại phí nộp cho các cơ quan. Các công ty cho biết, thật khó để đào tạo chuyên sâu cho các học viên vì visa của họ chỉ có thời hạn 3 năm.

(lược dịch theo bài gốc “How Japan Exploits Low-Paid Foreign Workers” đăng trên Bloomberg)

Kết:

Chính Bộ trưởng Tái thiết khu vực Shigeru Ishiba cũng thừa nhận “thực tế là các lao động nước ngoài được đào tạo tại Nhật Bản phải làm việc trong điều kiện nghèo nàn hơn cả học viên thật sự. Trước khi nói đến chính sách nhập cư, chúng ta phải thay đổi sự đối xử với họ”. 

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện hay, việc các lao động từ nước đang phát triển sang nước ngoài làm việc là hoàn toàn bình thường và đáp ứng nhu cầu nhân lực cấp thiết của các quốc gia phát triển. Họ sẽ là những lao động lành nghề khi về nước.

Tuy nhiên, quá trình triển khai các chương trình tuyển dụng lao động nước ngoài tại các nước như Nhật Bản đã xuất hiện nhiều kẽ hở để các công ty lợi dụng và biến ước mơ đổi đời của các lao động giá rẻ trở thành nỗi ác mộng. Điều đó vô hình trung đã khiến mục đích tốt đẹp của các chương trình xuất khẩu lao động đi chệch hướng và để lại nhiều hệ lụy.

Đã đến lúc Nhật Bản nhìn nhận nghiêm túc các chương trình tuyển dụng lao động nước ngoài trước thực trạng thiếu lao động cơ bản trầm trọng của Nhật Bản, như lời thị trưởng thành phố Hashima Satoshi Matsui.

"Chúng ta cần những người sẵn sàng làm việc chăm chỉ với chúng ta trong xã hội toàn cầu. Chúng ta cần biến cộng đồng xã hội Nhật thành nơi mà họ (những lao động nước ngoài) có thể sống cùng chúng ta chứ không phải co ro trong nhóm nhỏ lẻ của mình”  - Thị trưởng Thành phố Hashima Satoshi Matsui.

Theo Đại Đoàn Kết


Tin tức mới nhất