Vụ việc streamer Độ Mixi bị đặt câu hỏi về việc phát ngôn tục tĩu, thiếu chừng mực đang khiến người dùng Internet tranh cãi.
Thực tế, rất nhiều streamer lợi dụng sự tự do trên mạng xã hội để phát sóng các nội dung thiếu lành mạnh, vô giá trị, thậm chí nói tục, chửi bậy.
Trên thế giới, việc người nổi tiếng trên các nền tảng mạng như YouTube, Facebook, TikTok tạo ra nội dung bẩn, trào lưu nhảm nhưng không bị xử lý tồn tại rất nhiều. Thậm chí, có thể nói, việc kiểm soát những trường hợp này không hề dễ dàng.
Berry (23 tuổi) là streamer nổi tiếng tại Hàn Quốc với hàng trăm nghìn người theo dõi trên Twitch, YouTube và Instagram. Dù chỉ mới vào nghề được hơn một năm, cô nàng nhanh chóng nhận được nhiều sự chú ý nhờ những video livestream nhảy sexy với trang phục hở bạo.
Vì phong cách gợi cảm quá đà, Berry nhận nhiều chỉ trích và gặp không ít rắc rối. Năm ngoái, cô từng hai lần bị nền tảng Twitch xử phạt vì vi phạm lỗi trang phục cũng như bị Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc “tuýt còi” vì "truyền bá nội dung thiếu lành mạnh".
Tuy nhiên, những án phạt có vẻ chưa đủ sức nặng khiến Berry nhanh chóng trở lại vào tháng 4 vừa qua. Trong các clip livestream của mình, cô nàng thậm chí xuất hiện với hình ảnh khoe thân táo bạo hơn trước.
Nữ streamer người Hàn từng nhiều lần bị cấm sóng vì hở bạo. Ảnh: Berry.
Nếu không bị báo cáo, cô nàng sẵn sàng cởi nhiều hơn để nhận tiền đóng góp. Còn trong trường hợp bị phát hiện vi phạm nội dung, Berry sẽ tạm dừng buổi phát sóng nhưng vẫn hứa hẹn trở lại vào ngày hôm sau.
Xu hướng streaming ngày càng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tốt, trào lưu này cũng đang phát sinh không ít mặt tối. Nội dung phản cảm, tục tĩu, bạo lực, khiêu dâm nhan nhản khiến các nền tảng phát trực tiếp khó kiểm soát. Trong khi đó, đơn vị quản lý truyền thông ở nhiều nước đau đầu tìm cách xử lý vấn đề.
Lách luật để livestream
Không chỉ Hàn Quốc, khoe thân đã trở thành trào lưu trong một bộ phận streamer tại nhiều nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc. Bên cạnh những cái tên nổi tiếng trong giới, những ngôi sao chuyển hướng làm stream thu hút khán giả bằng nội dung mới mẻ, độc lạ, những người ít tên tuổi hơn sẵn sàng sử dụng chiêu trò, lách luật nhằm câu kéo người xem.
Tại Trung Quốc, những cái tên như Doãn Tố Uyển, Fancy Trần Á, Lộ Lộ Tương, Hồng Đậu, Đàm Hiểu Đồng… là những nữ streamer tai tiếng bị gắn mác là “hot girl cấp 3”, thường xuyên bị “ném đá” vì đưa chuyện nhạy cảm lên sóng livestream.
Trong khi nội dung livestream bị đánh giá là nhàm chán, không có gì đặc sắc, các cô gái này cố tình thu hút dân mạng bằng chiêu hở bạo, tạo dáng gợi cảm, thậm chí cố tình lộ hàng trước máy quay. Độ hở hang tỷ lệ thuận với tỷ suất người xem gần như trở thành phương châm kiếm tiền của những người này.
Một nữ streamer giấu tên từng tiết lộ với trang Sea Insights rằng cô có thể nhận thêm 100 nhân dân tệ/giờ nếu đăng tải các nội dung “khiêu dâm nhẹ”. Với những video táo bạo hơn, người này còn yêu cầu khán giả gửi quà tặng hơn 150 nhân dân tệ. “Sexy là từ khóa không thể thiếu trong phần giới thiệu”, cô nói.
Xu hướng streaming đang phát triển mạnh tại nhiều nước châu Á. Ảnh: SCMP.
Còn ở Hàn Quốc, việc giới streamer lợi dụng kẽ hở pháp luật để livestream khiêu dâm, khoe thân triệt để đã không còn xa lạ gì trong những năm gần đây.
Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc quy định chỉ các nội dung người lớn, "chứa cảnh phô bày bộ phận sinh dục, lông mu, hậu môn hay mô tả các hành vi liên quan đến tình dục" mới vi phạm quy định và có thể bị cấm phát sóng trực tiếp.
Quy định này khiến việc xử lý các streamer ăn mặc phản cảm, cố tình khoe ngực trên sóng livestream trở nên khó khăn. Ngoài ra, một số nền tảng phát trực tiếp mới nổi, dù có quy định ngăn chặn nội dung phản cảm, tục tĩu, được cho đã “mắt nhắm mắt mở” cho qua nhiều vụ vi phạm để có thêm người dùng và tăng lợi nhuận.
“Nồi lẩu thập cẩm”
Ngoài khiêu dâm, các nội dung bạo lực, phản cảm, đồi trụy, nhảm nhí ngày càng tràn lan, biến nhiều nền tảng livestream trở thành “nồi lẩu thập cẩm”.
Đầu tháng 8 vừa qua, streamer người Hàn Quốc Shin Tae Il đã bị bỏng cấp độ 2 sau khi tự châm lửa đốt vùng kín trên sóng livestream, theo Allkpop. Trò nghịch dại này bắt nguồn từ việc nam streamer chơi game thua người hâm mộ và phải chấp nhận hình phạt do các fan đề ra.
Streamer bị bỏng, thương tích khi nghịch dại trên sóng livestream. Ảnh: Allkpop.
Cuối tháng 7/2019, một streamer người Trung Quốc đã được tìm thấy tử vong tại nhà riêng ở tỉnh An Huy, sau khi phát sóng trực tiếp cảnh ăn rết, giun và tắc kè.
Theo Sina, cảnh sát xác nhận không có dấu hiệu bị thương tổn bên ngoài, nguyên nhân tử vong là do ăn phải côn trùng có độc. Lúc xác nạn nhân được tìm thấy, máy tính của anh ta vẫn còn đang ở chế độ phát sóng trực tiếp.
Trong thời gian gần đây, một trào lưu bạo lực mang tên “đánh đập streamer” phổ biến trên nền tảng Popkon TV và Afreeca TV. Những streamer tham gia trào lưu ngớ ngẩn này được cho đã dùng các vật dụng như dép, dây cao su hay chảo rán để tự đánh mình hoặc đánh người khác.
Số tiền từ người xem “donate” càng lớn, mức độ bạo lực trong các video càng dữ dội. Trong trường hợp, các streamer đồng ý bị đánh và không có thương tích lâu dài, có rất ít căn cứ để xử phạt họ.
Khó dọn sạch nội dung bẩn
Tháng 6 vừa qua, vụ việc một tài xế taxi livestream cảnh cưỡng hiếp một hành khách nữ khiến dư luận Trung Quốc chấn động. Tuy nhiên sau đó, cảnh sát phát hiện đây là video dàn dựng để “câu view”. Hai đối tượng trong đoạn livestream đã bị bắt ngay sau đó.
Cùng thời điểm, Cơ quan giám sát mạng của Trung Quốc đưa ra thông báo nói rằng có một “hiện tượng không lành mạnh” phổ biến trên 31 trang web phát trực tiếp lớn ở nước này. 10 nền tảng, trong đó có Bilibili, Huya, Douyu… đã bị phạt vì phát tán nội dung thô tục gồm phụ nữ mặc quần áo hở hang, nam giới khiêu vũ không đứng đắn và sử dụng ngôn từ thô tục.
Những nền tảng này còn bị buộc phải cải thiện ứng dụng, ngừng tiếp nhận người dùng trong thời hạn nâng cấp và lập danh sách đen những người dùng vi phạm để tiến đến “loại bỏ các nội dung như bạo lực, khiêu dâm hoặc các bài phát biểu, bình luận nhạy cảm về chính trị trên mạng xã hội”.
Hàng loạt nữ streamer chuộng khoe thân như Sherry Gun, Lộ Lộ Tương, Hồng Đậu, Đàm Hiểu Đồng, Misa... đã bị phạt tiền, cấm sóng, xóa tài khoản vì vi phạm quy tắc cộng đồng.
Hàng loạt nữ streamer chuộng khoe thân bị cấm sóng ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc áp dụng xử phạt vẫn còn nhiều khó khăn khi không có quy định rõ ràng như thế nào là nhạy cảm, bạo lực, khiêu dâm. “Rất khó để dọn sạch nội dung bẩn. Điều quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức cộng đồng. Bởi chính công chúng là mạng lưới giám sát hữu hiệu nhất để phơi bày và xử lý các hành vi vi phạm trên không gian mạng”, trang Sina nhận định.
Tại Hàn Quốc, Nhật Bản, cơ quan an ninh mạng cho biết đang tích cực hợp tác với một số nền tảng phát sóng trực tiếp để phát hiện và ngăn chặn nội dung tình dục và bạo lực.
Thế nhưng, từ đầu năm đến nay các vụ vi phạm bị xử lý vẫn chỉ tính trên đầu ngón tay. Tờ Korea Herald dẫn chứng vào ban đêm, những phòng chat khoe da thịt trần trụi vẫn tràn ngập trên các nền tảng như Twitch, Popkon TV, Afreeca TV…
Theo Zing