Dâu tằm thuộc họ quả mọng giống như dâu tây và mâm xôi, nổi bật với giá trị dinh dưỡng cao và giá cả phải chăng.
Các sản phẩm từ dâu tằm như nước ép và sinh tố được ưa thích vào mùa hè nhờ hương vị tươi mát và các lợi ích sức khỏe mà chúng mang lại.
Tuy nhiên, vì loại quả này mọc thấp và dễ bị sâu bọ, việc rửa dâu tằm hết sạch côn trùng, tạp chất là bước quan trọng trước khi sử dụng.
Cách rửa dâu tằm sạch côn trùng, tạp chất
Muốn loại quả này sạch hoàn toàn mà vẫn giữ được hương vị tươi ngon, bạn có thể tham khảo hướng dẫn chi tiết về cách rửa dâu tằm sạch côn trùng, tạp chất.
Trước khi rửa, nên loại bỏ những quả dâu bị hư hỏng hoặc có dấu hiệu sâu bệnh để tránh lây nhiễm cho các quả khác.
Bạn cần chuẩn bị một số dụng cụ sau:
- Một cái rổ lớn để rửa dâu
- Một cái chậu hoặc thau lớn để ngâm dâu
- Nước lạnh sạch
- Muối ăn hoặc giấm
- Một cái khăn sạch hoặc giấy ăn để thấm nước sau khi rửa.
Bạn có biết cách rửa dâu tằm hết sạch côn trùng, tạp chất? (Ảnh: Getty)
Các bước rửa dâu tằm hết sạch côn trùng, tạp chất bao gồm:
Bước 1: Ngâm dâu
Ngâm dâu tằm trong nước lạnh là bước đầu tiên để loại bỏ các bụi bẩn và côn trùng lớn. Đổ dâu tằm vào chậu lớn và đổ nước lạnh ngập dâu.
Ngâm khoảng 5-10 phút để côn trùng và đất bám trên bề mặt dâu tằm nổi lên, sau đó, nhẹ nhàng khuấy đều để các tạp chất lắng xuống đáy chậu.
Bước 2: Rửa sạch với nước lạnh
Sau khi ngâm, bạn đổ nước ngâm ra và rửa lại dâu tằm dưới vòi nước lạnh. Hãy nhẹ nhàng rửa từng nắm dâu tằm để tránh làm dập nát trái.
Việc này sẽ giúp loại bỏ các côn trùng nhỏ hơn và bụi bẩn còn sót lại sau quá trình ngâm, là khâu không thể thiếu để rửa dâu tằm hết sạch côn trùng, tạp chất.
Bước 3: Ngâm dâu với nước muối hoặc giấm
Nước muối hoặc giấm có tác dụng kháng khuẩn và loại bỏ côn trùng rất hiệu quả. Pha loãng muối hoặc giấm với nước lạnh theo tỷ lệ 1:10 (1 phần muối hoặc giấm và 10 phần nước).
Ngâm dâu tằm trong dung dịch này khoảng 5-10 phút. Việc ngâm này không chỉ giúp loại bỏ vi khuẩn và côn trùng mà còn giúp dâu tằm giữ được độ tươi ngon lâu hơn.
Bước 4: Rửa lại với nước sạch
Đây cũng là khâu quan trọng trong cách rửa dâu tằm hết sạch côn trùng, tạp chất. Sau khi ngâm nước muối hoặc giấm, hãy rửa lại dâu tằm bằng nước lạnh để loại bỏ hoàn toàn muối hoặc giấm còn bám trên trái.
Hãy đảm bảo rửa thật kỹ để không còn dư lượng muối hay giấm, bởi chúng có thể ảnh hưởng đến hương vị của dâu tằm khi sử dụng.
Bước 5: Thấm khô dâu tằm
Sau khi rửa sạch, dâu tằm cần được thấm khô trước khi sử dụng hoặc bảo quản. Bạn có thể dùng khăn sạch hoặc giấy ăn để thấm nhẹ nhàng từng trái. Tránh chà xát quá mạnh vì dâu tằm rất mềm và dễ bị dập nát.
Bước 6: Bảo quản dâu tằm
Dâu tằm sau khi rửa sạch cần được bảo quản đúng cách để giữ độ tươi ngon. Bạn có thể bảo quản dâu tằm trong tủ lạnh bằng cách đặt chúng vào hộp kín hoặc túi nylon có khóa kéo.
Đặt một lớp khăn giấy dưới đáy hộp để hút ẩm, giúp dâu tằm không bị úng nước. Dâu tằm nên được sử dụng trong vòng 2-3 ngày sau khi rửa để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Một số lưu ý khi rửa dâu tằm
- Không ngâm dâu tằm quá lâu: Việc ngâm dâu tằm quá lâu trong nước sẽ làm mất hương vị và dinh dưỡng của trái cây.
- Không dùng hóa chất tẩy rửa: Hóa chất tẩy rửa có thể làm dâu tằm bị nhiễm độc và không an toàn khi sử dụng.
- Kiểm tra kỹ từng trái: Trong quá trình rửa, bạn nên kiểm tra kỹ từng trái để loại bỏ những quả bị sâu bệnh hoặc hư hỏng.
Rửa dâu tằm sạch côn trùng, tạp chất là một quá trình cần sự tỉ mỉ và cẩn thận. Bằng cách chọn lựa dâu tằm tươi, sử dụng nước lạnh, nước muối hoặc giấm và thấm khô đúng cách, bạn có thể loại bỏ hiệu quả các chất bẩn.
Chọn dâu tằm tươi ngon
Trước khi bắt đầu quá trình rửa, việc chọn lựa những quả dâu tằm tươi, không bị dập nát hay hư hỏng là rất quan trọng để bảo quản được lâu.
Dâu tằm tươi thường có màu sắc đậm, mọng nước và không có dấu hiệu nấm mốc, dập nát, hư hỏng hoặc côn trùng đã tấn công.
Nên chọn những quả dâu có kích thước đều nhau để đảm bảo chín đều và hương vị tốt nhất.
Dâu tằm chưa chín có màu xanh nhạt, hơi ngả vàng hoặc trắng. Dâu già sẽ huyển sang màu đỏ tươi và dâu chín sẽ có màu tím sẫm. Dâu càng chín kỹ, màu càng sẫm, là thời điểm dâu có vị chua ngọt hài hòa và giàu dinh dưỡng nhất.
Chọn quả phần cuống có màu xanh nhạt. Cuống bám chắc vào phần thịt quả, biểu thị dâu còn tươi. Tránh chọn dâu không còn cuống hoặc cuống bị héo, vì dâu không còn tươi ngon và có thể đã bắt đầu lên men, có mùi khó chịu.
Khi kiểm tra, dùng tay bóp nhẹ vào quả dâu, cảm nhận độ mềm vừa phải. Tránh chọn những quả dâu bị nhũn hoặc quá cứng.
Những quả dâu quá chín, bị dập nát thường có khả năng bị sâu bọ bên trong và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, không tốt cho sức khỏe.
Theo VTC