Mới đây, nhật báo New York đưa tin về việc giới chức y tế ở Arizona đã xác nhận bọ chét ở đây mang virus gây bệnh dịch hạch - một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất thế giới từ xưa tới nay. Điều này khiến cơ quan chức năng lo ngại về dịch bệnh này có thể bùng phát trở lại cho dù thời buổi công nghệ phát triển, nếu không sớm kiểm soát loài gặm nhấm - vật trung gian truyền bệnh nhanh nhất.

Thời Trung cổ, dịch bệnh này hoành hành đã cướp đi sinh mạng của nửa dân số châu Âu và làm hao hụt cả 100 triệu dân số thế giới. Từ đó, dịch hạch được gọi bằng cái tên đáng sợ "cái chết đen". Đây trở thành nỗi ám ảnh của nhân loại.

'Cái chết đen', nỗi khiếp sợ của nhân loại-1
Dịch hạch gần như xóa sổ châu Âu thời Trung cổ

"Cái chết đen" là gì?

Bệnh dịch hạch là một căn bệnh truyền nhiễm có sức lây lan mạnh và tỉ lệ tử vong cao. Chuột chính là trung gian truyền bệnh phổ biến. Bọ chét sống ký sinh trên con chuột, hút máu chuột và cắn người sẽ truyền bệnh dịch hạch sang cơ thể người.

Triệu chứng của bệnh là những hạch bạch huyết bị sưng to, sốt, ho ra máu, khó thở dẫn đến tử vong.

Thời trung cổ, bệnh dịch hạch lây lan tạo nên đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người. Trung Quốc được biết tới là quốc gia đầu tiên xuất hiện bệnh dịch hạch vào đầu thập niên 1330.

Trong khoảng 7 năm, từ 1346 - 1353, bệnh dịch hạch đã bao trùm toàn bộ châu Âu, cướp đi sinh mạng của khoảng 50% dân số lục địa già. Đây được xem là căn bệnh cướp đi tính mạng của nhiều người nhất trong lịch sử loài người.

'Cái chết đen', nỗi khiếp sợ của nhân loại-2
"Cái chết đen" bao trùm lãnh thổ châu Âu trong những năm 1346 - 1353

Sự lây lan đáng sợ của "Cái chết đen"

Theo nhận định của các chuyên gia, bệnh dịch hạch là bệnh có tốc độ lây lan mạnh nhất và gây tử vong nhiều nhất trong lịch sử thế giới. Đại dịch này đã cướp đi nửa dân số châu Âu và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn từ 350 đến 375 triệu người vào năm 1400.

Theo Wikipedia, một giả thuyết cho rằng bệnh dịch hạch đã theo chuột qua con đường tơ lụa từ Trung Quốc và Trung Á tới châu Âu.

'Cái chết đen', nỗi khiếp sợ của nhân loại-3
Dịch hạch - một trong những căn bệnh đáng sợ mà nhân loại phải đối mặt

Trong khi đó, nhiều nhà sử học lại tin rằng loài sinh vật gặm nhấm đã theo chân tàu buôn mang mầm bệnh tới hải cảng Sicily và bùng phát trên toàn lục địa già. Nga là quốc gia đầu tiên ở châu Âu xuất hiện bệnh dịch hạch. Một bài nghiên cứu về "cái chết đen" trên trang History Today cho biết miền Nam nước Nga bắt đầu có dịch vào mùa xuân năm 1346.

Tuy nhiên, sự lây lan của dịch hạch ở châu Âu thật sự mạnh mẽ  từ năm 1348, bắt đầu ở bờ biển của Lyon và Địa Trung Hải phía Tây Ban Nha. Hai tháng sau đó, đại dịch hoành hành khắp Tây Ban Nha. Trong khi đó, Pháp cũng bắt đầu xuất hiện dịch bệnh này khoảng cuối tháng 4/1348. Hè năm đó, bệnh dịch hạch đã tràn tới Hà Lan và Anh. Đến năm 1349, dịch bệnh đáng sợ này đã bao trùm toàn bộ vương quốc Anh rộng lớn.

Mùa thu năm 1348, dịch hạch xâm lấn Bắc Âu. Na Uy là quốc gia đầu tiên ở khu vực xuất hiện đại dịch này. Theo các nhà sử học, bệnh dịch đã theo một con tàu thương mại từ Anh tới Na Uy. Năm 1349, bệnh lan sang Đan Mạch và Thụy Điển. Sang tới năm 1350, hầu như toàn bộ lãnh thổ Bắc Âu đều có dịch.

Châu Âu tang tóc như ngày tận thế

Số người tử vong trọng đại dịch thay đổi liên tục qua các cuộc nghiên cứu. Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng đại dịch đã làm chết khoảng 20% dân số châu Âu. Tuy nhiên, một nghiên cứu chính xác hơn năm 1960 cho thấy đại dịch kinh hoàng này đã làm chết khoảng 50-60% dân số của lục địa già thời bấy giờ. Mặc dù vậy, giới chuyên môn tin rằng con số thiệt mạng còn hơn thế.

Người chết như ngả rạ, không chỉ trên đất liền mà còn trên biển, hàng chục ngàn căn nhà bị bỏ hoang, những người sống sót thì sống trong lo lắng, sợ hãi tựa như đang trải qua ngày tận thế.

'Cái chết đen', nỗi khiếp sợ của nhân loại-4
"Cái chết đen" cướp đi mạng sống của trăm triệu người châu Âu

"Cái chết đen" không bỏ qua một ai, từ người giàu có đến nghèo đói, từ tầng lớp quý tộc đến hạ lưu, thậm chí cả bác sĩ lẫn bệnh nhân, từ nông thông đến thành thị, từ đất liền tới ngoài khơi. Người chết chất đầy như núi trên phố, hơn 10.000 căn nhà bị bỏ hoang, biết bao con tàu ngoài biển thành tàu ma. Xác chết chất đầy lên các xe ba bánh để mang đi chôn cất. Nhiều người sống sót bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề đã quẫn trí tự sát.

Một bầu không khí tang thương, u ám xen lẫn sợ hãi bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ châu Âu.

'Cái chết đen', nỗi khiếp sợ của nhân loại-5
Người chết la liệt trên phố ở châu Âu trong đại dịch "cái chết đen"

"Cái chết đen" mở ra thời kỳ phát triển mới của nhân loại

Bệnh dịch hạch đã tác động rất lớn đến xã hội châu Âu cũng như thế giới. Sau đại dịch, châu Âu lại hồi sinh.

Mặt tiêu cực, đại dịch này đã cướp đi nửa dân số châu Âu cũng như làm giảm 100 triệu người trong tổng dân số thế giới. Tuy nhiên, chính sự tác động này đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nhân loại nói chung, và sự thay đổi cục diện châu Âu nói riêng. Một thời kỳ tôn giáo mới, một bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế - chính trị - xã hội ở lục địa già này bắt đầu.

Vượt qua những hậu quả nặng nề của đại dịch kinh khủng, con người vẫn mạnh mẽ đứng lên, gây dựng lại và tạo ra những bước đột phá mới trong cuộc sống nhân loại. Trước hết, đó là thành tựu y học qua việc cải thiện sức khỏe nhờ sự biến đổi gene. Bệnh tật giúp loài người tạo ra những biến thể gene để kháng lại. Một báo cáo cho thấy trước "cái chết đen", chỉ có 10% dân số thọ ở 70. Sau đại dịch, con số này đã tăng lên 20%.

'Cái chết đen', nỗi khiếp sợ của nhân loại-6
"Cái chết đen" mở ra thời kỳ mới cho châu Âu và lịch sử nhân loại

Sự thay đổi tiếp theo là môi trường bệnh viện. Trước đại dịch, bệnh viện là hai từ ám ảnh của người dân. Họ cho rằng những ai phải vào bệnh viện là sẽ chết chắc. Hơn nữa, đây là nơi phải tránh xa vì dễ lây nhiễm bệnh. Ở bệnh viên thời đó cũng không có nhiều bác sĩ chuyên khoa, mà y học đi kèm với cả yếu tố tâm linh. Tuy nhiên, sau "cái chết đen", bệnh viện trở thành một nơi khám chữa bệnh thực sự với đội ngũ chuyên môn và trang thiết bị phục vụ thực sự khoa học, thay vì tồn tại cả tín ngưỡng.

Tiếp đó là bước ngoặt trong kiến trúc, mỹ thuật. Lối thiết kế đơn giản mà tinh tế, chú trọng vào không gian riêng tư lên ngôi do sự khan hiếm nhân công sau đại dịch. Nhà thờ Anh là tiêu biểu cho lối kiến trúc này. Từ phong cách Gothic, nơi đây được chuyển sang Perpendicular Gothic với thiết kế đơn giản, nhấn mạnh vào các đường thẳng đứng.

Ngành công nghiệp nước hoa phát triển mạnh mẽ sau "cái chết đen". Nhiều người cho rằng dịch hạch xuất phát từ ô nhiễm và hơi độc nên sau đó họ sử dụng nhiều thảo mộc để làm sạch bầu không khí. Dù cho trước đó, việc sử dụng nguyên liệu tạo mùi thơm đã được sử dụng nhưng sau "cái chết đen", việc này trở nên phổ biến, thậm chí con người còn luôn mang theo bên mình một chiếc túi thơm.

Tiền thân của nước hoa sau này được cho là ra đời từ thời kỳ này, bắt nguồn từ sự kết hợp giữa hoa oải hương và một loại rượu có tên là Eau de la Reine de Hongrie.

VEE
Theo Vietnamnet