Nghiên cứu mới nhất của trường Đại học Y Harvard cho thấy việc ăn tối muộn sẽ làm tăng gấp đôi tỉ lệ đói bụng so với việc ăn sớm, điều này cũng ảnh hưởng tới lối sống của bạn.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, việc ăn tối sớm hay muộn sẽ có liên quan tới trọng lượng cơ thể cũng như có thể cải thiện khả năng thành công cho việc giảm cân.

Nhà nghiên cứu khoa học thần kinh Frank A.J.L. Scheer cho biết nghiên cứu này đồng thời xem xét 3 cơ chế trong cơ thể có thể giải thích cho việc tăng cân liên quan đến việc ăn tối quá muộn.

Thực tế, các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng việc ăn khuya có thể dẫn tới nguy cơ béo phì cao hơn, giảm thành công trong việc giảm cân.

Về nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học sẽ đào sâu và lí giải nguyên nhân tại sao lại như vậy. "3 cơ chế quan trọng ở đây là điều chỉnh cơn đối, việc đốt cháy bao nhiêu calo và những thay đổi trong mô mỡ", tác giả của nghiên cứu cho biết.

Cải thiện lối sống lành mạnh bằng cách ăn tối sớm hơn-1
(Ảnh: Life Health HQ)

16 người tham gia nghiên cứu này đã cho phép các nhà khoa học kiểm soát thêm nhiều yếu tố khác, bao gồm lượng ăn và loại thức ăn, mức độ hoạt động thể chất, giấc ngủ, nhiệt độ môi trường, tiếp xúc với ánh sáng... nhằm loại bỏ những yếu tố ảnh hưởng đến thử nghiệm này.

Theo đó, họ phát hiện ra rằng việc ăn tối muộn và ăn khuya ảnh hưởng đến cả ba cơ chế sinh học, phát triển theo hướng thúc đẩy sự tăng cân.

"Ăn muộn sẽ làm tăng cảm giác đói và thèm ăn trong ngày hơn, giảm lượng đốt cháy calo trong ngày và thay đổi các đường dẫn phân tử trong mô mỡ, điều này thúc đẩy sự phát triển của chất béo", tác giả của nghiên cứu giải thích.

"Chúng tôi phát hiện ra rằng việc ăn muộn hơn 4 tiếng sẽ khiến chúng ta tích trữ chất béo nhiều hơn và giảm sự đốt cháy calo sau khi ăn".

Theo VTV