Không ít người Việt đang lao động chui tại Liên bang Nga bị đối xử như lao động "khổ sai". Sở dĩ họ đồng ý đi nước ngoài chỉ vì tin theo lời đường mật của nhiều đối tượng môi giới. Hằng ngày, công nhân người Việt trong các xưởng may "chui" tại Nga phải làm việc từ lúc 6 giờ 30 sáng đến hơn 1 giờ ngày hôm sau.
Định mức mỗi ngày, một công nhân phải may 20 chiếc áo khoác và chỉ khi nào làm xong mới được nghỉ. Buổi trưa và buổi chiều chỉ được phép nghỉ 30 phút để ăn cơm, vệ sinh. Làm quần quật, cực khổ nhưng mỗi tháng công nhân ở Nga bị trừ đi chi phí ăn uống, sinh hoạt và chỉ dư từ 4.000-7.500 Rúp (tương đương 1,4 triệu đến 2,4 triệu đồng/tháng).
Sau khi thu thập đầy đủ thông tin về xưởng may ở Nga khiến các lao động Việt Nam kêu cứu vì kiệt sức, thông qua cơ quan chức năng Bộ Ngoại giao, Báo Người Lao Động đã chuyển hồ sơ vụ việc tới Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Liên bang Nga.
Từ đây, một "đường dây nóng" đã được thiết lập giữa Tòa soạn Báo Người Lao Động và Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn để "giải cứu" lao động. Cùng Báo Người Lao Động nhìn lại hình ảnh cận cảnh cuộc sống người Việt tại Liên bang Nga trong các xưởng may "chui".
Bên trong một khu xưởng may chui tại vùng ngoại ô thủ đô Moskva (Liên bang Nga).
Các công nhân làm việc từ 6h30 đến hơn 1h sáng hôm sau.
Nơi xứ lạnh cộng với ăn uống thiếu thốn, làm việc quần quật cả ngày khiến đa phần công nhân trong xưởng may kiệt sức.
Các căn phòng nơi ngủ, nghỉ và sinh hoạt của công nhân lao động chui nhìn từ bên ngoài.
Tất cả các công nhân ở đây làm việc xong lên phòng nghỉ ngơi và không được phép ra ngoài. Xung quanh nhiều hàng rào bao bọc và có người canh gác cẩn thận.
Bữa cơm trưa của những công nhân. Trên bàn là khẩu phần ăn dành cho 4 người.
Nơi ngủ nghỉ của công nhân. Diện tích vừa chỗ nằm và để một vài đồ dùng sinh hoạt.
Phút giây thư giãn, nghỉ ngơi hiếm hoi vào ngày Tết đối với công nhân lao động chui
Không ít công nhân đã phải lén lút tháo chạy khỏi khu xưởng may của người Việt tại Nga để trốn vào các khu rừng và nhờ người giải cứu.
Vào mùa đông, không ít người phải sinh hoạt, làm việc trong thời tiết băng giá nhưng họ vẫn phải cố gắng làm việc và mong ngày trở về nước.
Rất nhiều công nhân sau khi qua Nga lao động mới biết bị nợ tiền từ chủ xưởng. Thế là hằng tháng họ phải bị trừ lương. Có người làm việc hơn 2 năm mới hết nợ.
Theo Người Lao Động