Ngày 28/6 (giờ địa phương), hàng loạt các mảnh vỡ thuộc về con tàu lặn Titan đã được dỡ xuống từ tàu Horizon Arctic ở St Johns, Newfoundland, Canada.
Được biết, có tới 10 mảnh vỡ thuộc con tàu lặn này đã được kéo lên từ đáy đại dương, bao gồm cả cửa sổ và một mảng lớn ở phần thân tàu.
Theo các chuyên gia, các mảnh vỡ này sẽ đóng vai trò tối quan trọng trong việc xác định nguyên nhân gây ra vụ tai nạn tàu lặn Titan thảm khốc khi con tàu này đang trong quá trình xuống tham quan xác tàu Titanic.
Quang cảnh tại tàu Horizon Arctic, khi các mảnh vỡ của tàu lặn Titan được trục vớt được đem về đất liền
Các mảnh vỡ được vận chuyển bằng cần cẩu, xe chuyên chở
Tiến sĩ Jasper Graham-Jones, Phó Giáo sư về Cơ khí & Kỹ thuật Hàng hải tại Đại học Plymouth, nói với The Sun rằng các nhà điều tra sẽ tìm kiếm các vết nứt trên những mảnh vỡ bằng sợi carbon được trục vớt.
"Cuộc điều tra sẽ bắt đầu bằng cách thu thập tất cả các bộ phận có sẵn. Điều quan trọng là chúng ta phải cố gắng thu thập cẩn thận để không gây thêm thiệt hại cho các mảnh vỡ", Tiến sĩ Graham-Jones cho biết.
Những mảnh vỡ đầu tiên được đưa ra khỏi tàu Canada Horizon Arctic ở Newfoundlan
Những mảnh vỡ đều được che phủ kỹ càng để không gây thêm thiệt hại nào
Phần được cho là đầu của tàu lặn Titan
Sẽ mất khoảng 2 năm để tìm ra nguyên nhân của vụ nổ thảm khốc này
Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ cũng chia sẻ rằng 2 mảnh vụn được tìm thấy đầu tiên nằm cách xác tàu Titanic khoảng 487 mét dưới đại dương, bao gồm phần nón mũi và phần trước-sau của con tàu.
Chuẩn Đô đốc John Mauger nhận định phát hiện này "phù hợp với sự cố nổ buồng áp suất thảm khốc".
Theo Reuters, các chuyên gia y tế Hoa Kỳ cũng "sẽ tiến hành phân tích chính thức các mảnh thi thể được cho là của con người được tìm thấy cẩn thận trong đống đổ nát tại địa điểm xảy ra vụ việc".
Ủy ban An toàn Giao thông vận tải của Canada dự tính cuộc điều tra của họ sẽ kéo dài khoảng 2 năm và nó sẽ tập trung vào việc cải thiện an toàn hàng hải hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc dân sự.
Theo Phụ Nữ Việt Nam