Thời gian gần đây, nhiều vụ việc thương tâm liên quan học sinh liên tiếp diễn ra. Điều này khiến dư luận vô cùng hoang mang, đặc biệt là học sinh và phụ huynh.
Trao đổi về vấn đề trên, chuyên gia Tâm lý Lê Thị Túy cho biết, tình trạng học sinh ở nhà quá lâu trong đại dịch COVID-19 cũng là nguyên nhân dẫn đến câu chuyện đau lòng. Chuyên gia đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích giúp bố mẹ nắm bắt được tâm lý con cái, từ đó đưa ra biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Nguyên nhân đến từ nhiều phía, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý
Bà Túy phân tích, ở tuổi vị thành niên, trẻ thường xuất hiện những dấu hiệu bất ổn về tâm lý. Bố mẹ cần nắm bắt kịp thời để có hướng điều chỉnh phù hợp.
Mức độ nhẹ nhất của trẻ là rối loạn cảm xúc, tiếp đó là stress và trầm cảm. Mức độ nghiêm trọng cuối cùng là rối loạn tâm lý và hành vi. Nguyên nhân gây ra rối loạn tâm lý và hành vi là do bị động từ sách báo, phim ảnh bạo lực, các văn hóa phẩm đồi trụy và cả từ bạn bè xấu.
Chuyên gia Tâm lý Lê Thị Tuý: "Đặc biệt, đại dịch COVID-19 diễn ra hơn 2 năm qua gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý trẻ. Trẻ nghỉ học suốt một thời gian dài, đến khi chuẩn bị đi học thì thấp thỏm bởi lúc học onl, lúc học off.
Trẻ không đến trường sẽ bị giới hạn giao tiếp xã hội, không được trò chuyện với thầy cô và bạn bè. Khi ở nhà, các em có thể còn chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã, to tiếng dẫn đến hình thành tâm trạng u uất, bức xúc.
Một nguyên nhân nữa là ngày nay, trẻ không quen với thất bại, khả năng chịu áp lực kém. Nên khi gặp vấp ngã, trẻ thấy đó là điều kinh khủng, không nghĩ cách vượt qua mà chấp nhận bị khuất phục.
Hầu như các gia đình đều có kinh tế khá giả, cuộc sống đủ đầy, tạo nên môi trường ít áp lực, ít cạnh tranh. Nhìn ngay sang những đứa trẻ con nhà nghèo phải bán vé số, nhặt ve chai kiếm sống, tuy khổ cực nhưng chúng vẫn mạnh mẽ sống. Chúng không bị khuất phục trước ngoại cảnh, chọn cách nỗ lực vượt lên số phận".
Bà Túy cũng chỉ ra rằng, Internet và mạng xã hội chứa thông tin độc hại, xuất hiện tràn lan gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý trẻ. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ hành động theo bản năng.
Sau vụ việc nam sinh trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, đoạn clip ghi lại cảnh đau lòng và lá thư cuối lan truyền trên MXH ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý học sinh. Nhiều người cho rằng điều này dễ xảy ra hiện tượng domino (phản ứng chuỗi từ một hành vi bất kỳ).
Tuy nhiên bà Túy khẳng định, hành động của nam sinh Amsterdam chỉ là cú "kích", bản chất tâm lý học sinh đã giống như một đống củi có sẵn, chỉ đợi mồi diêm là bùng cháy.
Hành động tự tử không phải là nguyên nhân trực tiếp, không thể tạo ra hiệu ứng domino, nhưng nó lại châm ngòi cho hành vi tiêu cực có thể xảy ra.
Chú trọng giáo dục kỹ năng sống, bố mẹ cần trở thành bạn của con
Chuyên gia Tâm lý Lê Thị Tuý đưa ra lời khuyên bổ ích dành cho các bậc phụ huynh nhằm ngăn chặn những hành vi tiêu cực.
Trước tiên, tính cách của con được quyết định từ khi còn trong bụng mẹ. Khi mang thai, người mẹ nên tránh để bản thân rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn. Ngoài ra, cần áp dụng thai giáo để con phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ.
Tiếp theo, trong quá trình nuôi dạy con với nhiều giai đoạn khác nhau, bố mẹ cần thay đổi phương pháp cho phù hợp. Tuy nhiên, cần giáo dục con dựa trên sự quan tâm, tin tưởng, đồng cảm.
Hãy trở thành người bạn thân thiết, sẵn sàng lắng nghe tâm sự của con. Bố mẹ càng gần gũi với con thì càng phát hiện và ngăn chặn được những hành động không tốt.
Ngoài chú trọng chuyện học tập, bố mẹ cũng cần cho con phút giây thư giãn, giải trí: Đi chơi vào cuối tuần, tham gia hoạt động ngoại khoá, rèn luyện thể dục mỗi ngày,…
Khi trẻ được ra ngoài, được tiếp xúc với mọi người sẽ giải toả căng thẳng. Điều này mang lại lợi ích không nhỏ. Bên cạnh đó, nhà trường và xã hội cần chung tay trong sự nghiệp giáo dục trẻ.
Bà Túy chia sẻ: "Lời khuyên cuối cùng của tôi là hãy tập cho con làm quen với thất bại, với khó khăn. Hãy nói cho con hiểu rằng: Chết không phải là sự đáng hoan nghênh, chết là sự đầu hàng, là hèn nhát.
Thanh thiếu niên bây giờ đang tuổi dở dở ương ương nên tôi nghĩ những câu kích động đó mang lại hiệu quả cao hơn. Mà sự thật là vậy, chết rất dễ nhưng sống mới là việc khó. Phải dạy con sống bản lĩnh để vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực trở thành người thành đạt".
"Đôi khi bố mẹ cũng cần so sánh con với người bán vé số, người nhặt ve chai để con biết trân trọng cuộc sống và nỗ lực nhiều hơn. Nhưng sự so sánh ở mức độ vừa phải thôi. Nếu nói gắt quá sẽ gây phản tác dụng, khiến trẻ nhụt chí. Dạy con là cả một nghệ thuật, là nghề khó nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta", chuyên gia cho biết.
Sau những việc thương tâm, nhiều phụ huynh đang trong tâm trạng hoang mang, lo lắng sợ con em mình có thể bắt chước hành động đó. Nhưng bà Túy khuyên rằng phụ huynh nên bình tĩnh, không cần quá hoảng hốt. Biện pháp tốt nhất bây giờ là cần quan tâm, hỏi han con kịp thời và điều chỉnh lại cách giáo dục.
Trước đó ít ngày, sau khi vụ việc nam sinh 16 tuổi nhảy lầu tự tử, chuyên gia Tâm lý hành vi Lê Đức Anh cũng đưa ra lời khuyên đến các phụ huynh: "Nếu con thắc mắc về chuyện của M., hay thậm chí ngầm so sánh với chính bản thân thì bố mẹ cũng không nên nổi nóng, quát mắng con.
Đầu tiên, hãy bình tĩnh để sẵn sàng chia sẻ mọi điều cùng con. Sau đó, hãy phân tích để con hiểu mọi khía cạnh của vấn đề. Bố mẹ cần chỉ ra hậu quả khôn lường từ câu chuyện, đặc biệt là đối với người ở lại.
Tuy nhiên, bố mẹ nên nhớ chỉ một vài câu nói không thể giúp con nhận thức đúng đắn vấn đề, mà phải cần một quá trình dài tác động tâm lý.
Hãy dành thời gian quan tâm hơn đến sự đổi mới của thời đại. Thế hệ trẻ có xu hướng phát triển khác biệt với thế hệ của phụ huynh. Vì thế, việc áp đặt các tiêu chuẩn cũ không phù hợp chỉ khiến con chán ghét, phản ứng tiêu cực.
Để thuận tiện cho việc nuôi dạy con tuổi dậy thì, bố mẹ nên có cái nhìn thoáng hơn, chắt lọc những nguyện vọng thích hợp và cho phép con thực hiện trong mức độ giới hạn".
Theo Pháp luật bạn đọc