Cảnh báo: Nguy hiểm tính mạng khi sưởi ấm bằng túi chườm nóng

Các mặt hàng sưởi ấm mùa đông có ưu điểm là tiện dụng, khả năng làm ấm nhanh. Tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu sử dụng sai cách.

Bỏng nặng do bục vỡ túi chườm nóng khi sưởi ấm

Khoảng 15h chiều nay 26/1/2016 bệnh nhi nữ 17 tháng tuổi tại Hưng Nguyên - Nghệ An đã phải nhập Khoa Chấn Thương - Chỉnh hình - Bỏng BV Sản- Nhi Nghệ An điều trị vì bị bỏng chi dưới - mông bẹn và sinh dục sau khi sử dụng túi sưởi nóng bị bục. 

Hiện đã vào thời điểm chính đông nên nhu cầu sử dụng túi sưởi, túi chườm ấm đa năng tăng cao. Mọi người cần cảnh giác và sử dụng túi sưởi đúng cách để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Nguy hiểm tính mạng khi sưởi ấm bằng túi chườm nóng
 Bệnh nhi bị bỏng do chường nóng bằng túi sưởi khi trời rét
(Ảnh: Facebook Trần Tuấn Phong)


Sử dụng sai dễ mang tai họa

KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự phân tích, cấu tạo của túi sưởi gồm có cực điện làm nóng trong môi trường nước muối loãng, có rơle khống chế nhiệt ở khoảng 60-70 độ tuỳ loại sản phẩm. Khi thiết kế, thường có bộ phận an toàn cách điện và không cách nhiệt (đó là các lớp vải nhựa giữ nước bên trong)  giúp nhiệt tỏa ra sưởi ấm. Túi sưởi cũng như bất kỳ loại đồ điện nào đều có thể gây ra họa lớn cho người sử dụng nếu thiếu hiểu biết của người sử dụng về nó… 

Trong quá trình sử dụng, không ít người vừa cắm điện vừa ôm, hoặc ôm lên người rồi rút điện nếu chẳng may túi dùng lâu bị hở, bục, rách dễ gây chập. Hơn nữa, nổ cũng có thể do rơ le nhiệt trục trặc không ngắt, làm túi sưởi đạt độ sôi lâu cũng có thể bị vỡ. Cũng có trường hợp nổ rách túi bên ngoài do cắm lâu quá, nước giãn nở, đầy bọt khí… trong khi túi không thể giãn nở to hơn dẫn tới bục… Vì vậy, để đảm bảo an toàn, theo KS Bạo, đối với bất kỳ sản phẩm điện nào, cần tuân thủ hướng dẫn nhà sản xuất. 

Ngoài ra, một nguyên tắc bất di bất dịch khác đảm bảo an toàn  trong khi sử dụng túi sưởi đa năng là tuyệt đối không sử dụng túi khi đang cắm điện. Khi cắm điện không  được ngồi gần, không được để bất cứ thứ gì để nên (kể cả khi đã rút ra). Cần kiểm tra túi trước khi cắm xem có rách mép hay rò rỉ nước hay không. Không nên cắm điện quá lâu, nếu thấy túi phồng hơn bình thường cần phải ngắt điện ngay.

Những lưu ý đặc biệt cần chú ý khi mua và sử dụng túi sưởi/túi chườm nóng

- Nên mua hàng có nhãn mác công ty, nơi xuất xứ và có độ tin cậy.
 
- Không sử dụng khi đang cắm điện khi dùng sản phẩm này, khách hàng cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng. 

- Túi sưởi là túi vải nhựa chứa dung dịch nước muối được làm nóng bằng cơ chế trao đổi ion sinh nhiệt. Vì để có độ mềm mại dễ sử dụng nên cũng dễ bị thủng do vật sắc nhọn hay bị bục do vật nặng đè lên, nhà sản xuất đã khuyến cáo trên vỏ hộp rất rõ ràng.

- Trên tất cả các vỏ hộp cũng như trang mạng đều hướng dẫn rất kĩ khi cắm điện để túi sưởi tránh xa người ít nhất 2m, không sờ tay vào ổ cắm điện, không để gần trẻ em, không để vật nặng đè lên túi, không ngồi lên túi, không dùng vật sắc nhọn vạch lên túi... 

Đặc biệt, các gia đình có trẻ nhỏ và người bệnh không minh mẫn càng phải cẩn thận hơn. Trẻ em có thể chạy nhảy hay ngồi lên túi sưởi, trẻ còn dùng để ném nhau như một thứ đồ chơi, nếu làm bục túi sưởi dễ gây bỏng vì da trẻ rất mỏng. 

- Phải chú ý để tránh gây bục túi dẫn đến bị rò dung dịch, rò điện.

- Nếu túi đã bị rò rỉ tuyệt đối không được sử dụng. Không đổ dung dịch trong túi ra ngoài, không dùng bất cứ dung dịch nào thay thế dung dịch chuyên dùng của túi để tránh xảy ra sự cố nguy hiểm.

- Để sản phẩm sử dụng được bền lâu, trước khi cắm điện nên để túi vào nơi bằng phẳng, chỗ cắm điện trên mặt túi hướng lên trên, cắm dây vào chỗ cắm điện trên túi trước rồi mới cắm vào ổ điện sau. Người sử dụng cũng nên lót một chiếc khăn hay miếng vải bên dưới túi để cách nhiệt. Khi cắm điện, đèn báo trên phích cắm báo sáng, nạp đủ nhiệt đèn sẽ tắt. Cũng có thể không cần chờ đèn tắt dùng tay ước lượng độ nóng theo ý muốn. Trong quá trình cắm điện thỉnh thoảng dùng tay lắc nhẹ cho dung dịch trong túi nóng đều và độ nóng cao hơn.

- Khi dung dịch trong túi chuyển động có tiếng kêu "tộp, tộp", là bình thường. Nếu trên bề mặt túi bẩn có thể dùng giẻ tẩm dung dịch tẩy nhẹ để lau sạch, không dùng chất tẩy mạnh tránh hư hại sản phẩm. 

- Khi đang cắm điện không được lau, rửa hoặc ngâm túi trong nước. 

- Nếu túi bị ướt nhất định phải lau khô mới được cắm điện sử dụng.

Nguy hiểm tính mạng khi sưởi ấm bằng túi chườm nóng
 Túi sưởi bị bục vỡ rất nguy hiểm (Ảnh: Facebook Trần Tuấn Phong)

Cách dùng túi sưởi để chườm nóng

Mùa đông lạnh khiến tay chân bị cước, tê cóng, cứng cơ, co thắt mạch máu tại chỗ, đau xương khớp, đau thần kinh toạ, đau cổ, đau lưng...

Đặc biệt, vào mùa lạnh, người già, trẻ em, phụ nữ sau sinh... rất cần được ủ ấm, nhất là về đêm và sáng sớm. Nếu được giữ ấm cho cơ thể, nhất là các chỗ quan trọng như khớp, bàn chân, bàn tay... sẽ giúp khí huyết lưu thông tốt, cơ thể sưởi ấm, giúp tăng tuần hoàn máu, tăng dinh dưỡng, làm giảm đau và phòng ngừa bệnh tật tốt. 

Túi sưởi đa năng có tính năng đa dụng, túi sưởi còn được các chuyên gia y tế khuyên dùng để phòng ngừa và giúp hỗ trợ điều trị các chứng bệnh viêm khớp hay phong tê thấp, đặc biệt hữu dụng với các bệnh thoái hóa đốt sống.

Túi sưởi còn có thể sử dụng để chườm nóng, có tác dụng gây xung huyết cục bộ, làm tăng tuần hoàn tại chỗ được chườm, giúp vết thương mau lành... 

Chườm nóng khô sức thấm không sâu vào lớp cơ của cơ thể nên chủ yếu chỉ làm bệnh nhân dễ chịu, giảm kích thích thần kinh nên còn có tác dụng giảm đau; làm cho cơ thể bệnh nhân ấm lên. 

Chườm nóng bằng túi sưởi thường được áp dụng cho các trường hợp như cơn đau dạ dày, hoặc đau khớp xương. Cũng có thể áp dụng chườm nóng cho trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi khi trời rét.

Về thời gian chườm: mỗi lần chườm chỉ nên kéo dài chừng 20-30 phút.

                                                                                                                        Theo Khỏe & Đẹp


Tin tức mới nhất