Những năm trở lại đây, ngành công nghiệp livestream phát triển cực thịnh và được xem là ngành công nghiệp triệu USD tại Trung Quốc.
Từ trang mạng xã hội hàng đầu đất nước tỷ dân Weibo, sự ra đời của hàng loạt các ứng dụng trực tiếp, chia sẻ video như Huoshan, Yingke, Meipai, Momo, Douyin... cho đến hậu thuẫn của các trang thương mại điện tử, tất cả đã chứng minh tầm ảnh hưởng và mạng lưới phủ sóng quy mô lớn của nghề livestream.
Phạm Băng Băng, Lý Tiểu Lộ thường livestream bán hàng online.
Cơn sốt livestream với thu nhập "khủng" len lỏi vào đời sống, thu hút không ít người đã gia nhập vào ngành nghề này. Thế nhưng, đi kèm với sự phát triển, luôn tiềm tàng những hệ lụy kèm theo.
Trong đó, thực trạng kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, phi pháp và chiêu trò khoe thân, gợi dục là hai vấn nạn nhức nhối, khó kiểm soát và loại bỏ hoàn toàn trên sóng trực tiếp.
Trào lưu khoe thân câu khách phản cảm
Ở địa hạt livestream bán hàng, Vi Á, Lý Giai Kỳ và Trương Đại Dịch là 3 cái tên nổi bật thống trị nền thương mại điện tử Trung Quốc. Họ được xếp vào hàng triệu phú Trung Quốc với thu nhập rơi vào mức hàng chục triệu USD một năm chỉ nhờ livestream bán hàng trên mạng.
Gần đây, các ngôi sao trong showbiz Hoa ngữ cũng đua nhau chạy theo trào lưu bán hàng trực tuyến, và nhận thù lao mức khủng. Nghệ sĩ bậc trung ở Trung Quốc nhận khoảng 130.000 USD/ một buổi livestream, cao gấp nhiều lần so với việc đóng phim, ghi hình show truyền hình.
Và trong thời đại livestream phát triển đại trà như hiện tại, nhiều nghệ sĩ ít tên tuổi sẵn sàng bất chấp tất cả, kể cả thực hiện hành vi phi pháp và trái thuần phong mỹ tục để trục lời cho bản thân.
Từ năm 2018, việc bán hàng qua livestream ở Trung Quốc chứng kiến sự nở rộ như nấm mọc sau mưa của trào lưu khoe thân, gợi dục lố lăng. Thị trường phát sóng trực tiếp vốn đông đúc, khi không có đủ chất xám để tạo ra nội dung độc - lạ thu hút người xem, một bộ phận mỹ nhân sẵn sàng khoe thân một cách dung tục, phản cảm cũng xuất hiện.
Khoe thân là trào lưu được nhiều cô gái áp dụng để sớm nổi tiếng trên sóng livestream.
Điểm chung của những cô nàng này là luôn mặc những bộ quần áo kiệm vải, tạo dáng khiêu gợi câu dẫn người xem một cách bất chấp. Tỷ lệ hở càng nhiều, càng tỷ lệ thuận với số lượng người xem.
Streamer đến từ Hàn Quốc - Doãn Tố Uyển cũng là một trong những hot girl chuộng phong các khoe thân nổi danh ở Trung Quốc.
Còn với những hot girl "nội địa", không ít người cũng chẳng ngại việc mặc sexy, biểu cảm "như phim cấp 3" hay nói những câu chuyện nhạy cảm để câu người xem. Nhờ đó họ cũng tranh thủ bán hàng.
Hot girl Fancy Trần Á từng trở thành đối tượng bị cư dân mạng ném đá kịch liệt vì sự cố lộ hàng trong lúc livestream. Theo Sinchew, Trần Á đã cùng bạn thân của mình thực hiện một buổi trò chuyện trực tuyến với người hâm mộ. Khoảng 20 phút cuối buổi stream, người đẹp này bỗng đưa tay buộc tóc cho gọn lại và có nhiều cử chỉ phản cảm. Sau những cử chỉ dung tục, cô lại giới thiệu một vài mặt hàng đến người xem.
Hơn 6 tháng qua tại Trung Quốc, livestream bán hàng đang trở thành cơn sốt giúp không ít người kiếm được bộn tiền. Đặc biệt là trong thời điểm bệnh dịch bùng phát dữ dội, sóng trực tuyến trở thành kênh tiếp thị và mua sắm hàng hóa thuận tiện, an toàn.
Nhiều mẫu nữ ít tên tuổi cho rằng livestream bán hàng online là cách giúp họ có tiền nhanh nhất. Họ kiếm tiền bất chấp sự phản ứng tiêu cực từ công chúng.
Khi hàng nhái bị rao bán công khai
Thế nhưng, khi nhà nhà bán hàng, người người bán hàng, mở mắt ra là thấy người bán hàng online, mạng xã hội vô tình trở thành "một nồi lẩu thập cẩm", tạp nham đủ loại mặt hàng được bày bán từ hàng thật đến hàng nhái, từ đắt đến rẻ.
Cách đây 2 năm, chân dài tai tiếng Trương Đại Dịch từng bị dư luận chỉ trích dữ dội sau khi cho ra mắt bộ mỹ phẩm dưỡng da. Dòng sản phẩm của cô bị phát hiện nhái tên nhãn hiệu Nhật Bản.
Trương Đại Dịch từng vướng phải thị phi đạo nhái sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng.
Mới đây, nữ diễn viên Y Năng Tịnh bị chỉ trích dữ dội sau khi khán giả xem qua các mặt hàng trên kênh bán hàng trực tuyến của cô. Hàng hóa người đẹp chào bán bị nhận xét là "cũ kỹ, lỗi thời, bẩn và giống như giẻ rách", gần như không thể tái sử dụng. Tuy nhiên, tất cả đều được niêm yết với giá cắt cổ lên đến vài trăm NDT.
Theo Báo cáo khảo sát trực tuyến về sự hài lòng của người tiêu dùng đối với việc mua sắm thương mại điện tử do Hiệp hội người tiêu dùng Trung Quốc công bố, có đến hơn 60% người tiêu lo lắng về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa được rao bán.
Trong đó, không ít người thậm chí còn yêu cầu cơ quan chức năng xử phạt thật nặng những trường hợp buôn bán hàng giả, kém chất lượng và các đơn vị phóng đại, quảng cáo thần thánh hóa sản phẩm của mình để dụ dỗ khách hàng nhằm trục lợi bất chính.
Việc sóng livestream nhan nhản những lời rao hàng, đã dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt của các blogger. Hệ quả là việc livestream bán hàng ngày càng biến tướng. Thay vì đầu tư vào chất lượng sản phẩm, nhiều người bán bắt đầu nghĩ ra các chiêu trò gây sốc, nhảm nhí, thậm chí đến mức phải cảm như "khoe hàng", mặc hở để câu kéo người xem.
Đáng ngạc nhiên là hình thức này lại hiệu quả đến bất ngờ khi số lượng người xem tăng lên chóng mặt, tỷ lệ thuận với số lượng đơn đặt hàng thành công cũng tăng lên theo cấp số.
Vấn đề của cơ quan chức năng
Tháng 3/2016, cảnh sát Trung Quốc tiến hành bắt giữ hot girl mạng Sherry Gun với tội danh truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Trước đó, cô đã livestream cảnh thân mật quá đà của hai cặp đôi trên mạng xã hội. Thế nhưng, trước khi tay tra còng, Sherry Gun đã kịp đăng tải 31 clip nóng lên mạng.
Vi Á, Lý Giai Kỳ là hai blogger bán hàng nói không với chiêu trò phản cảm. Tuy nhiên, họ vẫn thu hút một lượng lớn lượt người xem, người mua trên mạng xã hội.
Không chỉ Sherry Gun, hàng loạt các mỹ nhân ham khoe thân như Lộ Lộ Tương, Hồng Đậu, Đàm Hiểu Đồng, Misa... cũng nhận án phạt cấm sóng, xóa tài khoản cá nhân vì vi phạm quy tắc văn hóa cộng đồng.
Từ năm 2018, cơ quan an ninh mạng đất nước tỷ dân đã thành lập riêng tổ chuyên trách quét nội dung của chương trình phát sóng trực tuyến. Nếu người dùng nào livestream nội dung thiếu đứng đắn, tài khoản của họ sẽ bị xóa ngay lập tức, và sau đó chịu án phạt nặng từ pháp luật. Dẫu vậy, đâu đó vẫn còn một số người đẹp bạo gan lách luật vì muốn sớm nổi tiếng.
Cơ quan chức năng cũng đang tìm cách đối phó với nạn bán hàng gian, hàng giả. Do hình thức livestream bán hàng vẫn còn mới mẻ, cộng với việc người tiêu dùng có tâm lý tạch lưỡi cho qua khi mua phải hàng kém chất lượng, nên thực tế rất ít trường hợp bán hàng online bị quản lý chặt chẽ và xử phạt.
"Khó lòng có thể trả lại môi trường kinh doanh trên mạng xã hội sạch sẽ như ban đầu. Tỷ người tham gia thì có ngần ấy biến tướng, muốn dọn dẹp toàn bộ khó hơn lên trời. Vì thế, cần nâng cao ý thức cộng đồng. Bởi công chúng là mạng lưới giám sát hữu hiệu nhất để kịp phơi bày và xử lý các hành vi vi phạm phát luật trên môi trường mạng", Sina bình luận.
Theo Zing