Câu chuyện cái phong bao lì xì và sự tủi thân của Mạc Can

Từ nhỏ tới lớn, chưa một lần nghệ sĩ Mạc Can được người lớn dúi vào tay chiếc phong bao lì xì như những đứa trẻ cùng trang lứa.

Câu chuyện cái phong bao lì xì và sự tủi thân của Mạc Can

Gặp nghệ sĩ Mạc Can ở quán cafe quen thuộc trên đường Trần Quốc Thảo, thành phố Hồ Chí Minh, ông mang theo một cái túi nhỏ và chiếc vali to xụ. Thấy tôi thắc mắc, ông chầm chậm: "Bữa nay tui đi đóng phim".

Mạc Can ngồi nói chuyện với hai người bạn già, cả hai đều là nhà báo đã về hưu. Từng câu chuyện được lật lại một cách tếu táo, hài hước. Ông bảo tôi:"Nói chuyện qua bên đây luôn cho vui nha".

Bác Ba Phi của Đất phương Nam nói cái đầu ông hư rồi nên nhớ nhớ quên quên. Mà đúng là hư thiệt, gặp ông lần nào, tôi cũng phải giới thiệu lại, lật cả những đoạn email cả hai đã trao đổi từ trước, ông mới mơ hồ nhận ra.

Hỏi ông như vậy làm sao mà thuộc lời thoại, ông đáp: "Có người nhắc tuồng à" rồi ông với sang bạn già háo hức: "Tui nói anh nghe, nhắc tuồng cũng cần phải biết cách. Có nhiều người đọc dài như sớ, mình đâu có theo được.

Người đọc chậm, tai mình vừa phải nghe, mặt mình vừa phải diễn cái gì đó để không bị đơ. Khán giả mà phát hiện ra thì kỳ lắm".

Lạ! Chuyện đó thì được ông cho là kỳ trong khi cái cuộc sống rày đây mai đó trong mắt người nghệ sĩ ấy lại rất bình thường. Từ hồi trẻ, ông đã sống không nhà, không người thân, không gia đình, riết thành quen, cũng chẳng hề có mơ ước về một mái ấm.


Giữa câu chuyện không đầu không cuối, chúng tôi có nói về tình yêu. Tất nhiên thứ tình yêu đó không mang trong mình sự bồng bột, cuồng nhiệt của tuổi trẻ mà bám đầy bụi bặm của thời gian.

Một người bạn già của Mạc Can kể, vì thời thế, ngày xưa ông lạc người cũ sau một lần đi tìm miền đất hứa. Bẵng đi vài chục năm, cả hai vô tình nghe được thông tin về nhau. "Bà ấy nói, ngày biết tin về tui là ngày bà ấy vui nhất", ông trầm ngâm.

Bốn người đang say sưa theo câu chuyện tình yêu lãng mạn, vượt thời gian thì nghe giọng Mạc Can buồn buồn:"Vậy là bả còn thương ông đó. Sao... chẳng ai thương tui?".

Câu hỏi bật ra rồi rơi vào khoảng không im lặng, nhưng Mạc Can buồn không có lâu. Chỉ phút sau, quay sang hỏi có cô đơn không, ông đã ráo hoảnh: "Không". Người nghệ sĩ ấy cũng chẳng có nhu cầu gắn bó với ai.

Trò chuyện với Mạc Can là vậy. Buồn đó, vui đó, khóc đó, cười đó, chẳng biết đoạn nào là thật, khúc nào là giỡn chơi. Nhưng chắc chắn, có một chuyện ông không bao giờ giỡn, đó là ông không thích Tết: "Từ nhỏ tui đã không thích Tết rồi".

Ông tâm sự: "Tui là thằng nhỏ nhưng tính tình buồn thiu, đi đứng lụm khụm, quần áo thì rách rưới, người ta không có thiện cảm. Con nít là phải vui vẻ hoạt bát, làm gì có ai cô độc giống tui.

Ngồi chung với đám con nít, người ta thấy đó nhưng chỉ lì xì mấy đứa bên cạnh, chẳng ai nhớ tới tui hết trơn.

Buồn buồn, tui đi lửng thửng rồi tưởng tượng ra có cái bao lì xì từ trên trời rơi xuống. Vì nhẹ nên nó bị gió thổi bay, tui cứ đi theo từ Trần Hưng Đạo cho đến nhà hát thành phố. Ra đó tui cúi xuống lượm, giở ra thấy có tiền.

Rồi cũng tưởng tượng, tôi nghĩ đồng tiền đó xé ra vẫn tiêu được, vậy là xé làm đôi. Mình cầm phân nửa, bỏ lại phân nửa cho thằng nhỏ khác, rủi nó cũng không có tiền lì xì như mình thì để nó lượm...".


Tất nhiên, từ bấy đến giờ, làm gì có phong bao lì xì nào từ trên trời rơi xuống. Chỉ biết cái tủi thân ngày bé ấy, nay lại được ông mang vào ngòi bút, nắn nót từng chữ một để ai đọc được cũng chợt thấy nao lòng.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất