Câu chuyện rơi nước mắt về một "gà trống nuôi con"

Ngày con gái nhỏ của anh mới cất tiếng khóc chào đời được 10 ngày tuổi, định mệnh quái ác đã cướp đi mạng sống của người vợ yêu thương nhất của anh. Và hơn 6 tháng nay, người đàn ông này phải vất vả sống cảnh "gà trống nuôi con"...

Đó là hoàn cảnh của anh Trình Tuấn. Trải qua biết bao sóng gió, người đàn ông sinh năm 1984 này đã nên duyên cùng chị Nguyễn Thị Phượng và hai người sinh được một bé gái xinh xắn tên Nguyễn Kim Yến Nhi (bé Ủn).

Tuy nhiên, sự đời trớ trêu đã vĩnh viễn chia lìa vợ chồng anh, cướp đi người mẹ của con anh ngay khi bé Ủn cất tiếng khóc chào đời được 10 ngày. Từ đó đến nay, anh Tuấn buộc phải đảm nhận vai trò của cả người cha và người mẹ trong cảnh "gà trống nuôi con" để chăm sóc đứa con nhỏ thân yêu của mình. Hiện anh và con gái nhỏ đang sống tại Bàu Cát, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Cuộc hôn nhân "kết trái" từ câu chuyện tình lãng mạn
 
Chuyện tình yêu của anh chị bắt đầu như thế nào?
 
Một lần, cô bé phòng kế bên nhờ tôi sửa máy tính, mẹ của Ủn ở chung phòng với cô bé này. Vì quá cặm cụi với cái máy tính, tôi chẳng để ý thời gian lúc đó đã hơn 12h khuya. Lúc này, mẹ Ủn đánh tiếng đuổi tôi về. Ấn tượng ban đầu về nhau không tốt lắm, mãi sau này khi thân nhau, mẹ Ủn mới bảo: “Đàn ông gì mà vô duyên, vào phòng toàn con gái mà cứ ngồi lì đến khuya”.
 
Khi phòng của mẹ Ủn chuyển ra ngay ban công của khu trọ, nơi buổi chiều mọi người thường ra đây hóng mát, em và tôi mới có nhiều cơ hội tiếp xúc rồi dần trở nên thân thiết với nhau. Tôi thuộc 8x đời đầu còn em thuộc 8x đời cuối, chúng tôi chơi với nhau vô tư như hai anh em.
 

Đôi vợ chồng trẻ Trình Tuấn và Nguyễn Thị Phượng

Mọi người trong khu trọ tưởng hai đứa là một cặp, mỗi lần bị trêu ghẹo là chúng tôi cười to rồi đóng vai rất đạt với những lời tình cảm sến thật. Đôi khi, vai diễn nhập tâm khiến cả tôi và em phải giật mình tự hỏi tình cảm của chúng tôi là gì?
 
Một buổi sớm Sài Gòn se lạnh, dưới gốc cây trứng cá cạnh bờ kè, tôi đưa bàn tay nhăn nheo vì lạnh nói với em" “Cho anh mượn tay em làm ấm chút”. Em đưa tay cho tôi và tôi xoa nhẹ để lấy hơi ấm từ tay em. Lúc đó tình cảm của hai đứa có lẽ đã vượt qua ranh giới bạn bè một chút nhưng vẫn ngập ngừng không dám bước qua.

Chuyện tình yêu của chúng tôi có lẽ đã âm ỉ rất lâu từ trước, nhưng thực sự bắt đầu là vào một lần tôi chăm em trong bệnh viện. Em bị đau dạ dày, tôi chở em đi cấp cứu, khi trong phòng chẳng có người, em hỏi tôi làm gối ôm của em nhé. Tôi khẽ gật đầu nằm cạnh em nhưng trong lòng còn nhiều phân vân. Tôi sợ sẽ làm tổn thương em, tôi sợ đánh mất tình bạn và không trở lại như xưa được.
 

3 năm yêu nhau dù có vài lần chia tay nhưng rồi cặp đôi này cũng chẳng thiếu nhau được

Yêu nhau bao lâu, anh chị quyết định kết hôn?
 
Từ lúc yêu nhau tới lúc kết hôn là khoảng hơn 3 năm. Trong khoảng thời gian đó chúng tôi cũng vài lần chia tay nhưng rồi cũng chẳng thiếu được nhau. Cho đến bây giờ thì tôi tin đó là duyên số.

Tôi là một người sống nội tâm nhiều nên chuyện tình cảm cũng ít chia sẻ với gia đình, chỉ khi hai đứa quyết định cưới tôi mới báo cho nhà. Bố mẹ hai bên đều không muốn con lập gia đình xa nhưng họ cũng không phản đối. Ngày cưới, sau khi đưa dâu, vợ tôi và người thân từ biệt nhau trong nước mắt. Điều mà cho tới giờ tôi vẫn còn cắn rứt vì đã lấy đi mãi mãi của gia đình vợ một người con gái.
 


Anh ấn tượng nhất điều gì về vợ mình?
 
Tôi hay gọi em là Đầu Đất bởi em ngây thơ, nhí nhảnh, trẻ con, hay cười, hay bị tôi gạt nhưng lại khá cứng đầu. Đôi khi em bắt tôi chơi những trò trẻ con mà chắc hơn hai chục năm rồi tôi không đụng đến nó. Những điều đó ở em cuốn hút tôi và quan trọng nhất em chia sẻ cùng tôi những ý tưởng và con đường sự nghiệp mà tôi chọn. Đây là điều mà tôi không tìm được nhiều ở gia đình.
 
Tôi nhớ như in một lần, tôi chở em đi chơi Đồng Tháp Mười và bị lạc vào những con đường đất heo hút. Tôi trấn an em và em tựa sát vào lưng tôi nói: “Chỉ cần ngồi sau anh thì đi đâu cũng được”. Là đàn ông, tôi chỉ cần một người phụ nữ như thế!
 
Cuộc sống sau hôn nhân: Vất vả nhưng hạnh phúc
 
Sau đám cưới, anh thấy cuộc sống thay đổi như thế nào?
 
Mọi chuyện không thay đổi nhiều với chúng tôi. Em vẫn sống cùng phòng trọ với bạn, còn tôi sống cùng em gái vì chưa tìm được nhà trọ ngay sau khi trở lại Sài Gòn.
 
Đôi khi vợ chồng tôi không tin rằng đã có vợ có chồng. Em vẫn ngây thơ, hồn nhiên, còn tôi vẫn mải mê với công việc. Gần hai tháng sau ngày cưới chúng tôi mới chuyển về ở chung.

Lúc đó tôi bị tai nạn lao động ở chân nên mặc dù đang có bầu nhưng mọi việc như sửa chữa phòng trọ, chuyển đồ... một tay em lo lắng. Có lẽ cuộc sống của em từ đây thay đổi theo hướng vất vả hơn. Năm 2012 được đánh dấu là một năm hai vợ chồng đi bệnh viện như đi chợ. Tuy nhiên, trong tổ ấm của chúng tôi lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười.
 

Họ đã quyết định tiến tới hôn nhân
 
Cụ thể, những vất vả này như thế nào?
 
Có bầu tới tháng thứ 5, mẹ Ủn bị cổ tử cung ngắn phải nhập viện. Hơn một tháng sau bà nội mất, tôi về chịu tang nên xa vợ 1 tuần.
 
Khi trở về, đưa vợ đi khám thì bác sĩ bảo thiếu ối phải nhập viện. Sau 4 ngày nằm viện nhưng nước ối không tăng, nóng ruột quá tôi đưa vợ đến bệnh viện Từ Dũ. Qua đây bệnh viện quá tải, vợ tôi cũng như nhiều người khác cứ vạ vật, nằm la liệt ngoài hành lang. Nằm được một ngày đêm thì nước ối tăng trở lại và bác sĩ cho vợ xuất viện.

Sau 1 tuần, em đau bụng dữ dội. Đi khám, nước ối của mẹ Ủn lại giảm và có dấu hiệu sinh nên tiếp tục nhập viện. Trải qua hai ngày nằm chờ và hơn 10 tiếng truyền dịch để thúc đẻ thì chúng tôi chào đón một bé gái nhìn rất "ghét". Lúc ấy, bé mới nằm trong bụng mẹ được 8 tháng.
 
Ngày định mệnh đến với hai bố con
 

Ngày định mệnh đó đã ập tới gia đình anh như thế nào?
 
Một buổi sớm khác với thường lệ, trong khi mẹ cho Ủn bú ti, tôi ra khỏi nhà sớm với lời hứa chiều sẽ trở về với hai mẹ con. Tôi lên xe rời khỏi thành phố tới tham dự một sự kiện công nghệ ở Bình Dương.
 
Và không ngờ đó là ngày định mệnh, ngày cuối cùng thiên thần nhỏ của chúng tôi được bú mẹ. Dường như có sự sắp đặt của định mệnh để tôi ra khỏi nhà sớm hơn thường lệ, đi xa khỏi thành phố, bật điện thoại ở chế độ im lặng, cho tới khi thấy 20 cuộc gọi nhỡ và được báo là em đang đi cấp cứu, tôi vẫn chưa tưởng tượng được nỗi đau sắp tới mà tôi phải đối mặt.

Chuyến xe trở về thành phố của tôi có lẽ chưa bao giờ dài đến thế. Nhưng mọi chuyện xảy ra quá nhanh và tôi không tin điều tồi tệ nhất lại ập đến với mình. Bác sĩ liên tục nhấn mạnh cơ hội thành công là rất ít lúc tôi làm thủ tục tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung để cầm máu cho em. Trở về nhà, tôi ôm con vào lòng nói với con: "Ủn ngoan nhé, nhất định mẹ sẽ về với hai ba con mình!".
 


Gà trống nuôi con, người cha trẻ này đã phải đối mặt với tháng ngày vô cùng vất vả, chông chênh khi người vợ thân yêu của anh đã mất chỉ sau khi bé Ủn mới chào đời được 10 ngày tuổi

Nói với con như vậy, nhưng thực ra tôi đang tự trấn an chính mình. Nhìn Ủn ngủ ngon giấc, tôi càng tin và hy vọng nhất định em sẽ về với ba con tôi.
 
Cuộc phẫu thuật thành công, các bác sĩ đã cầm được máu và mọi chuyện trở nên nhẹ nhõm hơn với tôi, người thân và những người bạn đang sát cánh cùng tôi lúc đó. Hình ảnh đọng lại trong tôi lúc đó là khoảnh khắc tôi nắm tay vợ nằm cạnh thiên thần bé bỏng đang say ngủ trong đêm hôm trước ngày định mệnh. Cái nắm tay thật chặt và ấm như không thể có gì chia lìa được hạnh phúc.
 
Sáng hôm sau tôi được vào thăm vợ. Chưa bao giờ tôi khóc như thế. Hy vọng cứ vơi đi như những hạt cát trong đồng hồ, chỉ khác một điều dòng cát kia sẽ có thể lật ngược để chảy tiếp còn tôi thì không.

Em đã hôn mê và vĩnh viễn không bao giờ trở lại với ba con tôi. Hy vọng rồi tuyệt vọng, mọi thứ tuôn trào khiến tôi không thể bắt kịp cảm xúc của chính mình. Đôi khi tôi ngỡ mình đang trong một cơn ác mộng chờ tỉnh dậy để có em kề bên. Đôi khi lại tỉnh táo đến ngây dại.
 


Tại thời điểm này, sau hơn 6 tháng xảy ra sự việc đó, anh thấy mình đã thích nghi với cuộc sống chưa?

 
Nhớ lại, sau khi lo xong hậu sự cho bà xã, tôi vào thăm con. Tôi chỉ được nhìn con qua cửa kính, tôi đã không thể cầm được nước mắt. Cô điều dưỡng đứng ở kế bên cũng vậy. Lúc đó tôi chỉ là một người cha thực tập với vỏn vẹn mấy ngày kinh nghiệm, nhưng tự hứa sẽ chăm sóc và nuôi dạy con nên người với tất cả tình yêu thương.

Cho tới bây giờ, tôi không biết mình đã thích nghi được điều đó hay chưa? Tôi đã khóc rất nhiều, chỉ khóc một mình, không dám khóc trước mặt con. Mỗi lần lên chùa thăm vợ, tôi không kìm nén được cảm xúc, cho dù nhiều lần thấy mình không còn khóc được nữa.
 


Trước khi con chào đời, mong muốn của vợ chồng anh đó là nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Vậy sau mất mát này, một gà trống nuôi con như anh đã làm gì để thực hiện mong muốn đó?

 
Ủn ăn sữa mẹ từ khi mới chào đời, chỉ gián đoạn khoảng một tuần khi tôi gửi bé vào Từ Dũ vì không có điều kiện chăm sóc tốt cho con trong khi mẹ bé đang nguy kịch và phải lo hậu sự. Sau khi đón về, Ủn vẫn được bú sữa mẹ mà bạn bè tôi xin giùm từ nhiều bà mẹ khác.

Ủn bú hết rất nhanh số sữa xin được ban đầu, tôi được rất nhiều bạn bè giúp đỡ, họ xin sữa cho Ủn từ các mẹ trên diễn đàn, may sao cũng có kịp sữa cho con ăn. Cứ 3 ngày, tôi lại mang túi trữ sữa tới xin các mẹ cho Ủn ăn.
 
Ngoài ra, tôi nhờ tới sự giúp đỡ của "Hội nuôi con bằng sữa mẹ" trên Facebook. Không ngờ các mẹ cho sữa rất nhiệt tình khiến tủ lạnh nhà tôi được một phen quá tải. Điều này khiến tôi tự tin chia sẻ một ý tưởng đã nhen nhóm trước đó về một ngân hàng sữa mẹ và kêu gọi các mẹ trong hội chung một tay để hiện thức ý tưởng đó.
 


Sống cảnh "gà trống nuôi con", vừa làm việc, vừa chăm con, anh đã gặp những vất vả gì?
 
Chúng tôi có một shop đồ chơi, sau khi vợ mất tôi chuyển hàng về nhà và bán online để có thời gian chăm con nhiều hơn. Mặc dù có mẹ phụ giúp, nhưng thời gian dành cho con chiếm khá nhiều nên công việc của tôi cũng bị ảnh hưởng.

Bé Ủn hay thức đêm chơi nên tôi cũng phải thức chơi cùng con và căn cho bé bú cữ khuya. Khoảng 3 tháng sau khi mẹ mất, hễ cứ đưa bình sữa vào là bé khóc đẩy ra, tôi thực sự stress vì lo cho sức khỏe của con và áp lực dùng sữa ngoài từ bà nội và mọi người.

Mặc dù biết giai đoạn này con chịu chơi và khỏe mạnh là được rồi nhưng một phần vì lo con không tăng cân, một phần không muốn không khí trong nhà căng thẳng nên tôi cũng xuôi theo ý nội. Nhưng Ủn bú vào là ói ra hết, ói cho đến khi chẳng còn gì trong bụng, thế nên tôi không cho nội dùng sữa bột nữa.

Con đã mất mẹ, không thể thiếu thêm ba! Như ai đó đã nói mỗi người đều có cuộc chiến riêng của mình, cuộc chiến của tôi bây giờ là duy trì nguồn sữa mẹ cho con, giữ con luôn cạnh mình.
 


Dù đã mất mẹ nhưng bé Ủn vẫn được bú sữa mẹ hàng ngày. Sữa này do những người bạn của anh Trình Tuấn xin từ nhiều người mẹ đang cho con bú sữa mẹ hảo tâm khác

Bé Ủn đã hơn 6 tháng, bé đã biết làm những gì rồi, anh Tuấn?
 
Ủn đã biết lật, biết lẫy, trườn và đã ngồi được khá chắc chắn. Cũng như các bé khác, Ủn phát triển bình thường, điều đó với tôi cũng quá đủ để hạnh phúc. Bé hay cười và khá ngoan, mỗi khi ngủ dậy thấy mặt ba là cười tươi rói và tự nằm chơi. Như thể bé biết hoàn cảnh của mình, bé thương ba… Cứ nghĩ như vậy tôi lại nghẹn ngào.
 


Hiện, người đàn ông này vẫn nghẹn ngào khi nghĩ về người vợ vừa quá cố. Động lực sống của anh chính là chăm sóc và nhìn bé Ủn ngày một lớn hơn

Cảm ơn anh vì những chia sẻ chân thành của mình. Chúc anh và bé Ủn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống!

Theo Tri Thức Trẻ

Tin tức mới nhất