Đi không bình thường, chỉ thích bám tường/Suốt ngày chép miệng buồn thương - Là con gì? Câu đố nghe qua thì có vẻ khá hóc búa, tuy nhiên, chỉ cần bám sát vào dữ kiện được cho ở 2 vế, bạn sẽ dễ dàng đoán ra câu trả lời. 

Bây giờ, bạn thử nghĩ xem con gì hay bám trên tường? Nếu vẫn còn khá mông lung, hãy nhìn sang vế thứ 2, tập trung vào 4 chữ "chép miệng buồn thương" và đoán thử con vật nào có hành động kỳ lạ này. Tới đây nếu bạn vẫn bó tay thì xin bật mí, đó chính là con... thạch sùng. 

Câu đố: Đi không bình thường, chỉ thích bám tường/Suốt ngày chép miệng buồn thương - Là con gì?-1
Thạch sùng là động vật thuộc loài bò sát, nhỏ bằng ngón tay, màu tro nhạt, thân nhẵn.

Thạch sùng leo tường là điều ai cũng biết, nhưng tại sao lại "chép miệng buồn thương"? Thật ra, câu đố xuất phát từ sự tích về loài vật này. 

Chuyện kể rằng, có hai vợ chồng một người nghèo khó tên là Thạch Sùng, sống bằng nghề ăn xin và góp nhặt được một số vốn. Một hôm Thạch Sùng nhìn điềm trời đoán biết sẽ mưa lụt to, nên đem hết tiền tiền đi đong gạo.

Tháng Tám năm ấy trời làm một trận lụt lớn, khiến giá gạo tăng vọt. Thạch Sùng đem số gạo tích trữ của mình ra bán, trở nên giàu có và thôi nghề ăn xin.

Thạch Sùng trở thành một phú ông, lại nhờ tài buôn bán và cho vay lãi, gia tài của ông ngày càng lớn và mua được địa vị. Vua phong cho ông tước quận công.

Câu chuyện sau đó thì ai cũng đã biết: Do cá cược thua nên Thạch Sùng đã bị mất hết tài sản, vì uất ức mà chết hóa thành con thạch sùng. Thạch sùng thỉnh thoảng lại chắt lưỡi kêu lên mấy tiếng chép miệng vì tiếc của.

Còn trên thực tế, thạch sùng là động vật thuộc loài bò sát, nhỏ bằng ngón tay, màu tro nhạt, thân nhẵn. Loài này có kích thước trưởng thành từ khoảng 7,5 cm đến 15 cm và có tuổi thọ xấp xỉ 5 năm.

Thạch sùng là loài thằn lằn leo trèo và thường được tìm thấy bò trên tường nhà để săn mồi. Chúng ăn các loại côn trùng như nhện, ruồi muỗi, kiến, gián và một số loại khác.

Ông bà ta cho rằng tiếng kêu "chách chách" của thạch sùng là tiếng kêu thể hiện sự buồn bã, tiếc của khiến người ta thấy buồn tủi, dễ mủi lòng và xúc động.

Do đó, nhiều người cho rằng tiếng kêu của chúng mang điềm không lành. Còn theo các nhà khoa học, thạch sùng cất tiếng kêu chỉ là một cách để chúng giao tiếp với nhau hoặc thu hút con cái mà thôi.

Theo Phụ nữ Việt Nam