Chém người yêu cũ, cắt tóc vợ: Đừng bao biện bằng tình yêu

Trong thời khắc rất nhiều nơi trên thế giới nô nức chào đón Giáng sinh, chuẩn bị mừng năm mới thì vẫn có những câu chuyện buồn, điển hình về bất bình đẳng giới.

Ngày 24/12, một phụ nữ 32 tuổi ở xã Hòa Đông (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), sau khi nhuộm tóc màu nâu, bị chồng phản đối yêu cầu phải nhuộm màu đen. Khi người vợ từ chối yêu cầu, người chồng đã cầm kéo và dùng sức mạnh để cắt đi mái tóc của vợ. Trong quá trình giằng co, mũi kéo đã gây thương tích trên đầu người phụ nữ.

Người vợ đăng thông tin lên mạng xã hội lập tức đã nhận được rất nhiều phản hồi. Tuyệt đại đa số những ý kiến tỏ ra cảm thông, chia sẻ với người phụ nữ, phản đối cách hành xử của người chồng.

Hành động của người chồng chưa phải là sự thể hiện mức độ bạo lực cao nhất đối với vợ mình. Nhưng ở một giác độ khác, nó lại thể hiện ở mức độ rất cao định kiến giới, tư tưởng hẹp hòi, lạc hậu ở người đàn ông.

Trong xã hội hiện đại, mỗi con người có quyền tự do, luật pháp bảo vệ và đảm bảo để quyền ấy được thực hiện mà không một cá nhân nào được quyền xâm phạm. Với phụ nữ - một trong những quyền quan trọng là tự do lựa chọn và làm đẹp.

Trong những năm gần đây, pháp luật và cả các phong trào nữ quyền đã lên án kể cả những hành vi bình luận khiếm nhã về hình thức của con người, đặc biệt với phụ nữ.

Body shaming là một thuật ngữ sử dụng trong tiếng Anh. Dịch ra nghĩa tiếng Việt nó ám chỉ việc chê bai, miệt thị ngoại hình của người khác một cách vô ý hoặc cố ý có chủ định. Những lời nói miệt thị ngoại hình sẽ khiến nạn nhân cảm thấy khó chịu, nhiều người tâm lý yếu còn cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương.

Body shaming là hành động của một người nhằm "miệt thị" ngoại hình, cơ thể của người khác thông qua các hành động như: Sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ… nhằm chê bai, chế giễu, đánh giá, phán xét… một cách ác ý về ngoại hình của người khác. Tùy mức độ khác nhau, luật pháp các nước thể chế hóa và nghiêm cấm các hành vi miệt thị ngoại hình người khác.

Và hành động của người chồng trong câu chuyện này đã hơn cả mức miệt thị ngoại hình. Khi dùng kéo cưỡng ép cắt tóc vợ, anh ta đã trực tiếp cố ý xâm phạm thân thể người khác.

Trong thực tế, rất nhiều trường hợp bạo lực trên cơ sở giới thường được ngụy biện bằng một từ khá lãng mạn, đó là tình yêu.

Cũng trong ngày 24/12, tại xã Đông Quan (huyện Đông Hưng, Thái Bình), một cô dâu trong ngày cưới bị chém trọng thương vào mặt và bụng. Nghi phạm gây án là người yêu cũ của cô dâu.

Chém người yêu cũ, cắt tóc vợ: Đừng bao biện bằng tình yêu-1
Nghi phạm bị khống chế sau khi chém người

Tình yêu dưới cái nhìn của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia tâm lý xã hội học cũng như các nhà tư tưởng đó là sự chuyển hóa trung tâm sống từ bản thân chủ thể sang một đối tượng khác đó là người mình yêu. Điều đó đồng nghĩa người yêu có thể quan tâm, lo lắng, thậm chí là ở mức độ cao nhất hy sinh cho người mình yêu nhưng tất cả chỉ có ý nghĩa khi nó đem lại điều tốt đẹp nhất và xuất phát từ quyền lợi của của người được yêu.

Ở một phương diện khác, các nhà tư tưởng cũng chỉ ra rằng, tình yêu đích thực không thể tách rời tự do cho cả hai chủ thể: Người yêu và người được yêu. Cùng với đó, người tự do thực sự là người dám vượt lên những quan niệm vị kỷ, tôn trọng sự tự do của người khác.

Mọi sự chiếm hữu, thao túng, tấn công níu kéo bằng bạo lực… đều chỉ thể hiện sự ích kỷ và tuyệt nhiên không phải là tình yêu.

Theo Phụ Nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/chem-nguoi-yeu-cu-cat-toc-vo-dung-bao-bien-bang-tinh-yeu-20231225233103882.htm

câu chuyện tình yêu Tình yêu

Tin tức mới nhất