Rùng mình với người thanh niên ngồi bệt dưới đất 2 ngày
Bao năm qua, ông Đặng Văn Năm 72 tuổi, (Phường Trùng Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) như một người hùng thầm lặng, chăm sóc linh hồn người quá cố mà không có tiền thù lao.
Những ngày nắng thì không sao, có ngày mưa tầm mưa tã, người cựu chiến binh già ấy vẫn lặng lẽ đi ra nghĩa trang làm công việc của mình rồi lại về. Ông ước mong việc bình dị ông đang làm sẽ góp phần chăm sóc cho vong linh những người đã khuất ấm áp hơn, đóng góp sự bình an cho xã hội.
Là người tiếp nhận trông coi nghĩa trang phường Trung Văn từ lúc nơi đây còn là vùng quê, đường xá chưa tiện lợi như bây giờ, ông Năm đã chứng kiến những đổi thay về diện mạo và những điều không hay diễn ra tại nơi này.
Trước đây, xung quanh nghĩa trang phường Trung Văn là cánh đồng hoang vu, ít người qua lại. Nơi đây vô tình biến thành điểm đến lí tưởng của những tệ nạn. Đó là nơi mại dâm hoành hoành, nghiện ngập bao vây, điểm đánh bạc của những thanh niên choai choai, cơ thể xăm vằn vện khắp người.
Ngày ấy, không kể đêm ngày, hàng chục con nghiện thay nhau ra vào nghĩa trang hút, chích. Nhiều lần, người nghiện đến tiêm chích và còn muốn lấy xe máy của ông để đem bán vì nghĩ các ông tuổi đã già.
Tuy nhiên, với bản lĩnh và sự cứng rắn của người lính, ông không những khống chế các đối tượng nghiện mà còn khuyên răn, cảm hóa những người lầm lỡ.
Dù ngày nắng hay ngày mưa tầm tã, người cựu chiến binh già ấy vẫn lặng lẽ chăm sóc linh hồn cho người quá cố. Ảnh: Ngọc Thi .
Ông bảo: “Mỗi người đều có một hoàn cảnh, họ nghiện nhưng chắc gì tâm họ đã xấu. Người nghiện đa phần là những thanh niên trẻ, chưa hiểu biết nhiều về sự đời. Lúc họ đang lên cơn thì tôi tránh ra. Sau khi hút, chích xong họ lại là những con người hiền hòa, biết nhìn nhận lỗi lầm. Tôi khuyên họ như dạy bảo con cháu mình. Cũng có những người tiếp thu, người không”.
Trong nhiều năm gắn bó với công việc tại nghĩa trang phường, cũng có những tình huống khiến ông Năm “hú hồn”.
Một lần, ông Năm đang ngồi nghỉ ngơi uống nước chè thì nghe thấy bà con đi thể dục qua chỉ trỏ và bảo ông nghĩa trang có mùi hôi như chuột chết.
Nghe mọi người nói vậy, ông Năm đi khắp ngõ ngách trong nghĩa trang để kiểm tra. Lúc đó, ông nhìn thấy một nam thanh niên trẻ ngồi bệt dưới đất, cả người tựa vào xe máy, trên đầu vẫn đội mũ bảo hiểm.
Thấy vậy, ông Năm nghĩ rằng chàng trai trẻ chắc nghiện ma túy nên vào đây chích thuốc. Đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy nên ông cũng không đến gần, vì thường khi tỉnh lại là họ sẽ bỏ đi ngay.
Ngày hôm sau, như thường lệ, ông bắt đầu ngày mới bằng công việc quét dọn lối vào nghĩa trang. Ông vẫn thấy anh thanh niên hôm qua ngồi yên vị trí đó, trong tư thế y hệt hôm qua. Linh tính mách bảo không có chuyện gì đó không bình thường, ông Năm lấy hết can đảm để đến gần.
Lúc này, ông cảm nhận được mùi hôi thối bốc ra từ người anh thanh niên trẻ, xung quanh ruồi, muỗi bu đầy. Rùng mình, ông quyết định gọi cho công an phường. Qua khám nghiệm tử thi thì được biết người này bị nghiện ma túy, chết vì sốc thuốc.
“Chợ tình” nghĩa trang
Không chỉ là điểm đến của những con nghiện, nghĩa trang xã cũng từng là bến đỗ của gái mại dâm không kể ngày đêm.
“Tôi luôn nhắc mọi người đến thăm mộ là khi vào nghĩa trang là phải cẩn thận, không là giẫm phải kim tiêm. Rồi nhiều người vào mà cứ lắc đầu ngao ngán với những chiếc bao cao su đã qua sử dụng nằm vương vãi trên các mộ phần.
Khi bắt gặp tôi cũng lọ mọ quét đi. Nghĩa trang rộng, chúng tôi không thể kiểm soát được việc này”, ông Năm cho biết.
Ông Năm chứng kiến nhiều người đến nghĩa trang tụ tập nghiện hút, mại dâm. Ảnh: Ngọc Thi
Nghĩa trang phường Trung Văn ngoài ông Năm ra còn có ông Nguyễn Phi Hiển cũng làm quản trang. Ngoài công việc quản lí, các ông còn có những đóng góp kỳ diệu mà không phải ai cũng có thể làm được.
Vào năm 2013, các ông đã cứu được 1 trong 2 cháu bé bị đuối nước khi các cháu này tắm ở hồ lớn gần nghĩa trang.
Lúc ấy, nghe tiếng kêu cứu, ông Hiển cứ thế quần dài nhảy ùm xuống nước. Hai cựu bình già cứu được một cháu, còn một cháu không may bị nước cuốn đi. Các ông lại cùng với người thân trong gia đình người xấu số lo mai táng giúp.
Tính cả tuổi lính lẫn tuổi quản trang thì ông Năm đã có ngót nghét hơn 30 năm cuộc đời. Người cựu binh ấy chia sẻ rằng, còn sức khỏe thì ông sẽ còn phục vụ, chăm sóc cho những linh hồn đã khuất nơi đây.
Theo Gia Đình & Xã Hội